Thực trạng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả

NCS ThS. LÊ THỊ MINH THƯ (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech)) - HỒ TÙNG LÂM (Sinh viên năm thứ 4, lớp 17DLKB1, Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech))

TÓM TẮT:

Buôn bán hàng giả” đã và đang trở thành một vấn đề được quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, người quản lý và các cấp chính quyền. “Buôn bán hàng giả” không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, hay sự khó khăn của các cấp chính quyền trong việc quản lý mà nó còn liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, hợp tác quốc tế, an ninh quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Vấn đề này cần phải được xây dựng một nguồn lực tương xứng với yêu cầu thực tiễn, phải được xem là nhu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững, an toàn và an sinh xã hội mà trước hết phải chú trọng xây dựng hoàn thiện các chính sách pháp luật mới là cơ sở đảm bảo tính thượng tôn pháp luật. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả phân tích về sự cần thiết và thực trạng trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả trên cơ sở quy định của pháp luật. Từ đó, đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện hơn những quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả hiện nay.

Từ khóa: Buôn bán hàng giả, hoàn thiện pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.

1. Đặt vấn đề

Tình trạng buôn bán hàng giả đã trở thành vấn đề rất lớn, gây bức xúc, lo lắng cho toàn xã hội, là nguy cơ nghiêm trọng hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn tính mạng của từng người dân. Nhưng công tác quản lý, xử lý hành vi buôn bán hàng giả còn nhiều bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác, thiếu căn cứ khoa học, tác động rất tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh và niềm tin của người dân về hàng hóa chất lượng. Vì vậy, việc xử lý hành vi buôn bán hàng giả là một vấn đề thực sự rất cần thiết trong công tác đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng hiện nay. Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều bài viết về buôn bán hàng giả khiến cho người tiêu dùng khủng hoảng niềm tin khi liên tiếp nhận thông tin về những lần cơ quan chức năng phát hiện các đường dây kinh doanh, buôn bán hàng giả kém chất lượng.

Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa giả về chất lượng, công dụng có 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Đặc biệt, chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng, đã phát hiện 749 vụ kinh doanh hàng giả, thu giữ 20.4279 sản phẩm giả gồm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, các mặt hàng giả chỉ đứng sau các mặt hàng nhập lậu về số vụ vi phạm xử lý, trung bình mỗi tuần, phát hiện từ 10 đến 40 vụ hàng giả. Điển hình như việc kinh doanh tại chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) trong những năm gần đây, mặc dù hàng ngàn tiểu thương ký vào bản cam kết không bán hàng giả nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì hàng giả vẫn tràn ngập chợ. Cụ thể vào ngày 10/05/2019, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 20 sạp tại chợ Bến Thành, đã phát hiện hơn 3.200 sản phẩm là mặt hàng mắt kính, đồng hồ, bóp ví kinh doanh trái phép, trong đó có 1.380 sản phẩm là hàng giả1.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Hữu Linh cho biết, trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã bất ngờ kiểm tra tại các điểm nóng và triệt hạ các đường dây, ổ nhóm về buôn bán hàng giả, phát hiện và xử lý gần 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng, giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng. Điển hình là vụ kiểm tra 18 kho hàng tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện lượng lớn hàng hóa giả nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam, như: Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci,…2. Đầu năm 2020, khi bệnh viêm phổi cấp tính do chủng mới của vi-rút Co-ro-na (COVID-19) gây ra, đã gây hoang mang cho người dân, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên ngành Y tế thì việc đeo khẩu trang có thể một phần nào ngăn cản được sự lây nhiễm của vi-rút, lợi dụng việc này nhiều cơ sở kinh doanh đã đầu cơ tích trữ, nâng giá bán khẩu trang với một mức “giá trên trời”, không những thế những chiếc khẩu trang này còn bị làm giả từ giấy vệ sinh. Điển hình, vào ngày 11/02/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra một chiếc xe tải dừng đỗ tại phố Hồ Văn Chương, quận Đống Đa (Hà Nội) và phát hiện trên xe có 2.863 hộp khẩu trang của 18 loại, tương đương 143.000 cái, trong đó có 1 loại khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp không thể hiện thông tin địa chỉ nhà sản xuất gồm 449 hộp, toàn bộ lô hàng trên có giá trị hơn 1 tỷ đồng. Sau khi gửi đến cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm và giám định chất lượng, thì kết quả cho thấy số khẩu trang y tế trên là hàng giả, không đạt yêu cầu về chất liệu theo TCVN 8389-1:2010. Trung tâm kiểm nghiệm khẳng định đây chỉ là khẩu trang y tế thông thường, không có lớp kháng khuẩn, là khẩu trang 4 lớp nhưng lớp vải sử dụng bên trong là giấy vệ sinh, loại vải không dệt, không hút nước, lớp mặt ngoài màu xanh, mặt trong màu trắng, lớp vi lọc thấu khí không thấm nước3.

Tình trạng buôn bán hàng giả có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Kinh doanh sản phẩm, hàng hóa cơ bản vẫn còn rất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, công tác quản lý hàng hóa thị trường còn nhiều yếu kém, bất cập, nhiều hạn chế về nguồn lực và kinh phí, chưa đáp ứng được các nhu cầu của thực tiễn. Xuất phát từ thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn bán hàng giả, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này để đảm bảo chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội. Một trong những vấn đề cần phải được chú trọng, đó là các quy định của pháp luật điều chỉnh nhằm quản lý vấn đề hàng hóa phải đạt chuẩn chất lượng.

2. Những bất cập trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, hiện nay, hệ thống các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả quá nhiều gây khó khăn, phức tạp hóa khi áp dụng giải quyết các trường hợp trên thực tế. Trong các văn bản quy phạm pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau, chưa phân định rành mạch, rõ ràng. Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2017), Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc giao cho 5 cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả, đó là Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Thanh tra chuyên ngành Khoa học - Công nghệ, UBND các cấp và cơ quan hải quan4, đã hình thành hệ thống tổ chức xử lý vi phạm hành chính từ Trung ương tới địa phương. Mặc dù, lực lượng quản lý, kiểm tra tuy nhiều nhưng không mạnh do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo, mâu thuẫn nên dù chịu sự kiểm tra của 5 cơ quan nêu trên nhưng nạn hàng giả vẫn tràn ngập thị trường. Từ đó, tác giả kiến nghị cần nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả, cụ thể là thường xuyên tổ chức các hội thảo, các cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan này nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong công tác phòng, chống và xử phạt đối với vấn đề này, đồng thời việc thường xuyên giao lưu sẽ giúp cho các đơn vị nhìn nhận ra được những ưu và nhược điểm trong công tác này giúp cho việc quản lý của các cơ quan này thuận tiện, góp phần xử lý tệ nạn buôn bán hàng giả một cách triệt để nhất.

Thứ hai, hiện nay, hành vi buôn bán hàng giả được các đối tượng thực hiện một cách quá tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc nhận biết và phân biệt giữa hàng giả và hàng thật, dẫn đến việc lúng túng trong công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trái pháp luật này. Mặt khác trong quá trình thực hiện việc xử phạt còn thiếu trung tâm giám định hàng hóa, việc này cũng một phần làm cho việc giám định hàng hóa trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối cho ngành, và các cấp trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Điển hình, là sản phẩm Sâm Ngọc Linh, đây là một loại thần dược quý hiếm và tốt cho sức khỏe, vốn sinh trưởng tự nhiên ở khu vực núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam), nhưng trong những năm gần đây, do nguồn Sâm Ngọc Linh tự nhiên cạn kiệt vì vậy loại Sâm này trở nên khan hiếm. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã mua về những loại sâm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng nhưng lại bán với giá của Sâm Ngọc Linh. Đặc biệt là mặt hàng rượu Sâm Ngọc Linh đang bị làm giả từ Củ Tam Thất và pha trộn nhiều thành phần khác, sản phẩm cũng không ghi tỷ lệ Sâm Ngọc Linh là bao nhiêu khiến cho người tiêu dùng ngộ nhận. Theo ông Nguyễn Tấn Việt - Giám đốc Bảo tàng Sâm Ngọc Linh nhận xét về 2 loại rượu ngâm từ Sâm Ngọc Linh và Củ Tam Thất, thì nếu bằng mắt thường, người không chuyên về sâm khó lòng phân biệt được bình nào là chính hiệu Sâm Ngọc Linh vì cả 2 loại này có hình dạng như “anh em sinh đôi”, nhưng giá trị của Sâm Ngọc Linh so với củ Tam Thất thì “một trời một vực”, nhiều nơi bán rượu Sâm Ngọc Linh không có phiếu kiểm định chất lượng. Ngay cả những nơi có phiếu kiểm định chất lượng cũng chưa chắc người tiêu dùng mua được bình rượu Sâm Ngọc Linh “đáng đồng tiền”, nếu phiếu kiểm định đó không được thực hiện ở những đơn vị uy tín, chuyên sâu về kiểm định Sâm Ngọc Linh. Giá cả rượu Sâm Ngọc Linh “thượng vàng hạ cám”. Có những bình rượu ngâm củ Sâm Ngọc Linh giá hàng chục triệu, hàng trăm triệu, nhưng cũng có loại rượu chiết xuất (đề tên rượu Sâm Ngọc Linh) giá chỉ từ vài triệu đồng, thậm chí dưới một triệu đồng5. Hiện nay, để phân biệt chính xác, phải kiểm định hóa học (kiểm định gien không chắc chắn xác định Sâm Ngọc Linh hay không) ở các đơn vị uy tín, chuyên sâu về Sâm Ngọc Linh như: Viện Dược liệu, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, Viện Sinh học nhiệt đới... Điều này, cho thấy, bằng mắt thường thì các lực lượng chức năng không thể nào nhận dạng hay phân biệt được đâu là Sâm Ngọc Linh thật, việc phân biệt họa chăng chỉ dựa vào cảm nhận khách quan cũng như kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ có kinh nghiệm. Mặt khác, ở địa phương như tỉnh Kon Tum hay Quảng Nam, việc giám định lại gặp khó khăn khi máy mó, thiết bị giám định chưa được trang bị đầy đủ, nếu có thì lại lạc hậu; cùng với đó là chi phí cho việc giám định này lại khá cao, thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chính vì thế, theo tác giả kiến nghị, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các trung tâm giám định hàng hóa ở các tỉnh chưa có trung tâm giám định hàng hóa, trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại, phù hợp với thực tiễn công tác giám định nhằm cho ra những kết quả nhanh chóng nhưng chính xác hiệu quả giúp đẩy mạnh, đẩy nhanh quá trình kiểm tra và xử phạt của các lực lượng chức năng đối với các hành vi vi phạm hành chính về buôn bán hàng giả.

Thứ ba, về vấn đề kinh phí hoạt động còn quá hạn chế, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả. Trước đây theo Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ban hành ngày 10/01/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, tại Điều 20 có quy định “cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có trách nhiệm chi trả chi phí cho việc thu hồi tiêu hủy; đối với hàng giả bị xử phạt tịch thu tiêu hủy hoặc xử lý tịch thu tiêu hủy nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng chi trả chi phí tiêu hủy hoặc hàng giả không có người nhận thì ngân sách nhà nước cấp kinh phí tiêu hủy hàng giả theo quy định”. Tuy nhiên, từ khi được thay thế bằng Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì quy định này không còn được đề cập đến trong Nghị định mới này. Điều này, gây mập mờ trong vấn đề về chi phí để tiêu hủy các sản phẩm giả bị tịch thu. Quy định không rõ ràng sẽ một phần gây gánh nặng cho ngân sách nhà nước, khi việc làm sai trái của các đối tượng vi phạm nhưng số tiền khắc phục hậu quả không do chính các đối tượng chịu chi trả hoàn toàn. Mặt khác, tuy nhìn mặt bằng chung thì lực lượng kiểm tra và xử phạt của các cơ quan chức năng rất “đông và mạnh”. Tuy nhiên, đối với riêng lực lượng quản lý thị trường còn “khá mỏng”, bởi các vụ buôn bán hàng giả thì xảy ra từng ngày cùng với sự tinh vi của các đối tượng nhưng lực lượng quản lý thì không thể bao quát kiểm soát tất cả, nên không thể ngăn chặn kịp thời, dẫn đến tình trạng buôn bán hàng giả tràn lan trên thị trường. Từ đó, tác giả kiến nghị, cần phải đầu tư thêm kinh phí duy trì hoạt động cho các cơ quan chức năng trong công tác giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính cũng như bổ sung thêm lực lượng cho các đơn vị quản lý này, để tăng cường phát hiện, xử phạt vi phạm một cách hiệu quả và triệt để nhất.

Thứ tư, về văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm còn thiếu sót nhiều quy định quan trọng, cụ thể là Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ luật Hình sự đã được ban hành mới đó Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), được bổ sung thêm nhiều quy định mới về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả tại Điều 192; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại Điều 193; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh tại Điều 194; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi tại Điều 195. Có thể nhận thấy, các quy định mới này đều có điểm chung trong việc xác định tội danh đó là dựa vào yếu tố “có hành vi thu lợi bất chính và hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng”. Trong khi đó, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP lại không quy định những nội dung này trong việc xác định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả do được ban hành trước đó. Đồng thời, mức tiền phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả, theo đánh giá của tác giả là còn quá thấp, quá ít so với khoản lợi bất chính mà tổ chức, cá nhân thu được thông qua việc thực hiện hành vi bất hợp pháp. Vì vậy, theo tác giả, cần có một văn bản hướng dẫn mới bổ sung những quy định hoặc thay thế cho Nghị định số 185/2013/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng dễ dàng hơn trong công tác giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm về hàng giả có liên quan cũng như đồng bộ hóa với các quy định của pháp luật hình sự hiện hành.          

3. Kết luận

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý. Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định về ghi xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước, cơ cấu tổ chức, cơ chế thực thi, cơ chế phối hợp,... để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều phối, phối hợp thực thi đấu tranh chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng một cách hiệu quả hơn trong tình hình mới. Đồng thời, cải thiện các nguồn lực phục vụ công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Phú Lữ, Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, Cảnh sát toàn cầu online, ngày 24/10/2018. http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Tinh-trang-buon-ban-hang-gia-hang-nhai-ngay-cang-phuc-tap-516636.

290.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại được phát hiện trong năm 2019, Báo Văn hóa điện tử, ngày 13/01/2020. http://www.baovanhoa.com.vn/gia-%C4%91inh/loi-song/artmid/2117/articleid/25435/90000-vu-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-duoc-phat-hien-trong-nam-2019 truy cập ngày 25/03/2020

3Trần Vũ Nghi, Phát hiện 143.000 chiếc khẩu trang làm giả từ... giấy vệ sinh, Tuổi trẻ online, ngày 13/02/2020. https://tuoitre.vn/phat-hien-143-000-chiec-khau-trang-lam-gia-tu-giay-ve-sinh-20200213155607689.htm truy cập ngày 01/04/2020

4Chương 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5D. Tính, Cảnh báo sâm Ngọc Linh giả!, Báo Thanh niên, ngày 07/01/2020. https://thanhnien.vn/thoi-su/canh-bao-sam-ngoc-linh-gia-1168923.html truy cập ngày 24/04/2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2017).
  2. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự năm 2015 ((sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  3. Chính phủ (2013), Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ban hành 10/01/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
  4. Chính phủ (2013), Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  5. Bộ Khoa học và Công nghệ (2015), Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/06/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
  6. 90.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại được phát hiện trong năm 2019, Báo Văn hóa điện tử, ngày 13/01/2020. http://www.baovanhoa.com.vn/gia-%C4%91inh/loi-song/artmid/2117/articleid/25435/90000-vu-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-duoc-phat-hien-trong-nam-2019 truy cập ngày 25/03/2020.
  7. D. Tính (2020), Cảnh báo sâm Ngọc Linh giả!, Báo Thanh niên, ngày 07/01/2020. https://thanhnien.vn/thoi-su/canh-bao-sam-ngoc-linh-gia-1168923.html truy cập ngày 24/04/2020.
  8. Phú Lữ (2018), Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, Cảnh sát toàn cầu online, ngày 24/10/2018. http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Tinh-trang-buon-ban-hang-gia-hang-nhai-ngay-cang-phuc-tap-516636/ truy cập ngày 25/03/2020.
  9. Trần Vũ Nghi (2020), Phát hiện 143.000 chiếc khẩu trang làm giả từ... giấy vệ sinh, Báo điện tử Tuổi trẻ online, ngày 13/02/2020. https://tuoitre.vn/phat-hien-143-000-chiec-khau-trang-lam-gia-tu-giay-ve-sinh-20200213155607689.htm truy cập ngày 01/04/2020.

THE CURRENT SITUATION OF HANDLING THE TRADING

IN COUNTERFEIT GOODS IN VIETNAM

• Ph.D student Master. LE THI MINH THU

Lecturer, Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology

•HO TUNG LAM

Student, 17DLKB1 Class

Faculty of Law, Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

Trading in counterfeit goods has become a top concern of consumers, managers and authorities at all levels. Trading in counterfeit goods does not only affects the consumers benefits but also adversely impact on the economic development, social security, international cooperation, national security and foreign affairs of the country. Tackling the trading in counterfeit goods issue is an important task for the country’s sustainable development, especially ensuring the supremacy of the law. This paper analyzes the necessity and the current situation in handling administrative violations for the trading in counterfeit goods in Vietnam. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to perfect the law on handling the trading in counterfeit goods.

Keywords: Trading in counterfeit goods, improving the law, handling administrative violations.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]