Thực trạng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam

NCS. ĐỖ ĐÌNH MỸ (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Xuất khẩu hàng công nghệ cao đã và đang đóng góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế cũng như có tác động tới cơ cấu ngành của Việt Nam theo hướng sử dụng có hiệu quả lợi thế của đất nước. Thông qua xuất khẩu hàng công nghệ cao đã góp phần làm tăng dự trữ ngoại tệ, kích thích các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất, mở rộng các mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đồng thời, giúp giải quyết công ăn, việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân,… Bài viết này nhằm phân tích thực trạng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam giai đoạn 2015-2017, từ đó đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Xuất khẩu, kinh tế, hàng công nghệ cao, Việt Nam.

1. Giới thiệu

Hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đã trở thành xu thế tất yếu của kinh tế thế giới. Sớm nhận thức được xu thế đó, từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Với chính sách tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Nhờ những nỗ lực hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có mức tăng trưởng nhanh và bền vững, cơ cấu và kim ngạch xuất nhập khẩu chuyển biến theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, làm cho cán cân thương mại chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 424,87 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 50,31%. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đã khẳng định vị trí trọng tâm trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 81,3% đạt 174 tỷ USD. Một số nhóm hàng công nghệ cao tăng mạnh như: điện thoại và linh kiện năm 2017 tăng 31,91% so với năm 2016 đạt 45,27 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 36,8%, đạt 25,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 36,81%, đạt 25,94 tỷ USD,... Như vậy, có thể thấy xuất khẩu hàng công nghệ cao đang tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu: Bài viết sử dụng số liệu thứ cấp được công bố từ nhiều nguồn khác nhau như: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Thế giới (WB),…

Phương pháp phân tích thông tin: Để phân tích thực trạng xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam, bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả và phương pháp so sánh (so sánh số tuyệt đối liên hoàn, lượng tăng (giảm) tuyệt đối định gốc, tốc độ phát triển liên hoàn, tốc độ phát triển định gốc, tốc độ phát triển bình quân).

3. Kết quả nghiên cứu

Những năm gần đây, khi nền kinh tế hội nhập, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập FTA và Hiệp định TPCPP đã tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng công nghệ cao nói riêng có bước phát triển nhảy vọt. Cụ thể, từ giai đoạn 2015 - 2017 nền kinh tế thế giới trên đà hồi phục, hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp tăng lên rõ rệt, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều và đã đóng góp không nhỏ cán cân thương mại của Việt Nam. Tình hình xuất - nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2015-2017 như sau:

Bảng 1. Giá trị xuất - nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017

Bảng 1. Giá trị xuất - nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017

Phân tích Bảng 1 ta thấy, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 327,76  tỷ USD, trong đó xuất đạt 162,11 tỷ USD, nhập khẩu đạt 165,65 tỷ USD. Cán cân thương mại cả nước thâm hụt 3,54 tỷ USD; năm 2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 350,74 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 176,63 tỷ USD, tăng 8,96%, so với năm 2015, nhập khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 5,11% so với năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước đạt thặng dư hơn 2,52 tỷ USD; năm 2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 424,87 tỷ USD, tăng 21,14% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,03%, nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 21,25%. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước đạt thặng dư hơn 2,67 tỷ USD. Tốc độ phát triển bình quân kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2017 đạt 13,85%; tốc độ phát triển bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt 14,83% trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt trên dưới 70%. Cụ thể giá trị xuất khẩu của Việt Nam chia theo loại hình doanh nghiệp thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam chia theo loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2015-2017

Bảng 2. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam chia theo loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2015-2017

Qua Bảng 2 ta thấy, vai trò không nhỏ của các doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Năm 2015, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm 68,22% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 chiếm 70,16%; năm 2017 chiếm 72,62%, tương ứng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng bình quân giai đoạn 2015-2018 đạt 18,48%. Đặc biệt, năm 2017, giá trị xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu đạt 155,24 tỷ USD, tăng 25,26% so với năm 2016. Trong đó, 10 nhóm ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong giai đoạn 2015-2017 như sau:

Bảng 3. Kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2015-2017

Bảng 3. Kim ngạch xuất khẩu của một số nhóm hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2015-2017

Năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng chủ yếu đạt 112,96 tỷ USD, chiếm 69,68% tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2015. Năm 2016 kim ngạch của 10 nhóm hàng này đạt 126,17 tỷ USD, chiếm 71,43% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016. Năm 2017 đạt 155,03 tỷ USD chiếm 72,52% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có đóng góp không nhỏ của nhóm hàng công nghệ cao. Lớn nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện (năm 2015 đạt 30,18 tỷ USD, năm 2016 đạt 34,32 tỷ USD, năm 2017 đạt 45,27 tỷ USD), tốc độ phát triển bình quân của nhóm hàng này trong 3 năm 2015-2017 đạt 22,47%. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm sản phẩm này hầu như là từ các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 99,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (năm 2015 xuất khẩu đạt 15,61 tỷ USD, năm 2016 đạt 18,96 tỷ USD, năm 2017 đạt 25,94 tỷ USD), tốc độ phát triển bình quân 3 năm 2015-2017 đạt 28,91%; hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (năm 2015 đạt 8,17 tỷ USD, năm 2016 đạt 10,11 tỷ USD, năm 2017 đạt 12,77 tỷ USD, tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2015-2017 đạt 25,02%),...

Các thị trường nhập khẩu hàng công nghệ cao chủ yếu  của Việt nam giai đoạn 2015-2017 là các quốc gia EU, châu Á, trong khu vực ASEAN, Mỹ Latin và Caribe và một số khu vực khác. Cụ thể, thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam giai đoạn 2015-2017 được thể hiện qua biểu đồ sau:

Biểu đồ 1: Thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam giai đoạn 2015-2017

Biểu đồ 1: Thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam giai đoạn 2015-2017

Trong đó, nhóm hàng điện thoại từ Việt Nam chủ yếu gồm: thị trường EU (28 nước); Hoa Kỳ; thị trường ASEAN...; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chủ yếu được xuất khẩu sang Hoa Kỳ; Nhật Bản; thị trường EU (28 nước);... Các thị trường chính nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam là: Trung Quốc, UAE, Hàn Quốc, Hồng Kông, Anh, Đức (Tổng cục Hải quan, 2018).

Những năm gần đây thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam đang được mở rộng theo hướng đa dạng hóa ở các châu lục khác nhau. Trong đó, xuất khẩu hàng công nghệ cao sang khu vực EU-28 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ cao; xuất khẩu sang các nước châu Á giảm xuống còn dưới 30%, các nước thuộc khu vực ASEAN chỉ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ cao. Ngoài ra, xuất khẩu sang các nước thuộc các khu vực khác trên thế giới (chủ yếu là Mỹ, Canada) có xu hướng tăng mạnh chiếm tỷ trọng gần 43%. Như vậy, thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt. Một trong những nguyên nhân lý giải cho sự thay đổi này đó là các nhóm sản phẩm thuộc hàng công nghệ cao đã có sự thay đổi, đặc biệt là mặt hàng điện thoại và phụ kiện xuất khẩu trong những năm gần đây.

4. Đề xuất giải pháp

4.1. Về phía cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc thông quan, thúc đẩy xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng công nghệ cao nói riêng.

Thứ hai, tiếp tục có chính sách thu hút FDI có tiềm lực tài chính đầu tư vào các ngành công nghệ cao, qua đó giúp gia tăng giá trị hàng công nghệ cao xuất khẩu.

Thứ ba, đẩy mạnh phổ biến thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghệ cao, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hưởng lợi tối đa từ các hiệp định của Việt Nam với các bên liên quan.

4.2. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghệ cao

Một là, tiếp dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.

Hai là, nâng cao tính chủ động trong các hoạt động giao thương, tăng cường nghiên cứu về thị trường, tiếp cận thông tin và điều chỉnh sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, qua đó tận dụng cơ hội về thuế quan.

Ba là, chủ động nghiên cứu các lợi thế từ các hiệp định ngoại thương đã được chính phủ Việt Nam ký kết với các quốc gia và các châu lục, qua đó tận dụng cơ hội để gia tăng thương mại và hưởng lợi trong kinh doanh.

Bốn là, bên cạnh các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt muốn gia tăng xuất khẩu hàng công nghệ cao cần chủ động nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý; đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề có thể sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương, Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2015,2016,2017, Bộ Công Thương, Hà Nội.
  2. Cục Đầu tư nước ngoài (2017), Tình hình đầu tư, website: http://fia.mpi. gov.vn/chuyenmuc/172/So-lieu-FDI-hang-thang, ngày truy cập: 12/3/2018.
  3. Tổng cục Hải quan (2018), Số liệu thống kê, địa chỉ webistie: https:// www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/SoLieuThongKe.aspx?&Group=S%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA, ngày truy cập: 20/3/2018.
  4. Tổng cục Thống kê (2018), Số liệu thống kê, địa chỉ website:http://www. gso.gov.vn/default.aspx?tabid=715, ngày truy cập: 22/3/2018.
  5. Quốc hội (2008), Luật số 21/2008/QH12, Luật Công nghệ cao, ngày 13 tháng 11 năm 2008.
  6. Yeats A. J. (1998), “Does MERCOSUR’s Trade Performance Raise Concerns about the Effects of Regional Trade Arrangements?”, The World Bank Economic Review
  7. World Bank, (2017), World Bank Integrated Trade Solution (WITS), website: http://wits.worldbank.org/WITS/, ngày truy cập: 24/4/2018.

THE CURRENT SITUATION OF EXPORTING HIGH-TECHNOLOGY PRODUCTS OF VIETNAM

Ph.D’s student Do Dinh My

University of Economics and Business Administration, Thai Nguyen University

ABSTRACT:

Exports of high-technology products not only have contributed significantly to the economic growth but also impacted on the industrial structure of Vietnam in the direction of using effectively the advantages of Vietnam. The export of high-technology products has helped Vietnam increase its foreign-exchange reserves, encouraged enterprises to upgrade their production equipment and technology and strengthened relationships between Vietnam and other countries. It has also created new jobs, contributing to the poverty reduction and improving the living standards of Vietnamese. This article is to analyze the current status of exporting high-technology products of Vietnam in the period of 2015-2017, and propose solutions to promote high-technology exports in the coming years.

Keywords: Export, economy, high-technology products, Vietnam.