Thuốc lá nhập lậu, vận chuyển xuyên biên giới

Các đối tượng buôn lậu thuốc lá có sự móc nối với nhau, giữa các đối tượng buôn bán trong nội địa với các đầu nậu thuốc lá ở các tỉnh biên giới trong việc đặt hàng, vận chuyển và giao nhận...

Nhập lậu, vận chuyển xuyên biên giới

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, do ảnh hưởng từ đại dịch, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhìn chung giảm, tuy nhiên, tùy từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; địa bàn TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất và khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt – Lào.

Thuốc lá điếu ngoại nhập lậu chủ yếu là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555, Elephant, Nelson, Scott, Esse....

buôn lậu thuốc lá
Các đối tượng buôn lậu thuốc lá có sự móc nối với nhau, từ sâu trong nội địa ra biên giới trong việc đặt hàng, vận chuyển và giao nhận...

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê, phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp. Đơn cử như trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động; sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.

Hay như trên tuyến Quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

“Riêng tuyến Mộc Bài - Tây Ninh trên Quốc lộ 22 thuốc lá được các đối tượng vận chuyển bằng xe buýt, số lượng nhỏ lẻ mỗi lần từ 100 đến 300 bao. Ngoài ra, một số đối tượng sử dụng các loại xe ô tô vận chuyển thuốc lá nhập lậu số lượng lớn, chủ yếu hoạt động vào ban đêm và rất manh động khi bị phát hiện, bắt giữ”, ông Nguyễn Đức Lê thông tin.

Thuốc lá nhập lậu, vận chuyển xuyên biên giới
Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ QLTT cho biết, phương thức thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển của các đối tượng ngày càng tinh vi. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng này rất manh động, liều lĩnh

Không chỉ vậy, ông Lê còn chia sẻ, các đối tượng có sự móc nối với nhau, giữa các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu trong nội địa với các đầu nậu thuốc lá ở các tỉnh biên giới trong việc đặt hàng, vận chuyển và giao nhận tại các địa điểm khác nhau (lượng thuốc lá nhập lậu được giao vận chuyển chỉ từ 50 đến 70 cây một chuyến để tránh bị xử lý hình sự).

Trong thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được các bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quác cafe, tủ bán thuốc lá lẻ...

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc được cất giấu, tàng trữ tại khu vực nhà ở, khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, có người theo dõi và buôn bán với số lượng nhỏ lẻ; bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không nhiều.

Quản lý địa bàn, xây dựng nguồn tin từ cơ sở

Trước vấn nạn trên, năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Trong đó, Điều 8 của Nghị định đã quy định rõ các mức xử phạt thấp nhất là phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao.

Kể từ khi Nghị định 98 có hiệu lực, lực lượng QLTT trên cả nước đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, phát hiện và xử phạt không ít vụ việc. Đơn cử, tại Long An, ngày 10/12, Đội 1, Cục QLTT tỉnh Long An đã bàn giao cho cơ quan Công an huyện Đức Hòa một đối tượng cùng tang vật, phượng tiện vận chuyển 8.700 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Không chỉ vậy, từ cuối năm 2020 tới nay các Đội QLTT Long An đã xử phạt hàng chục tiệm tạp hóa bán thuốc lá lậu. Dù các tiệm tạp hoá trên kinh doanh thuốc lá với số lượng ít (có tiệm chỉ bán 6 bao) nhưng cũng bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tịch thu hàng hoá. Thậm chí, theo quy định mới tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, các chủ tiệm tạp hóa ngoài bị phạt hành chính tới 3 triệu đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm.

Tương tự tại Gia Lai, vào đầu tháng 8/2021, Cục QLTT Gia Lai đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 1 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh với số tiền phạt 20 triệu đồng vì hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, đồng thời tịch thu toàn bộ 308 bao thuốc lá nhập lậu mà hộ này kinh doanh.

Cũng theo số liệu của Tổng cục QLTT, 11 tháng năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 1800 vụ, xử lý trên 1300 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà; tạm giữ, tiêu hủy trên 292.300 bao. Số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng thu giữ trên 76.500 sản phẩm các loại; chuyển xử lý hình sự 12 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 6,4 tỷ đồng. 

Thuốc lá nhập lậu, vận chuyển xuyên biên giới
Ngoài việc siết chặt quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin từ cơ sở, lực lượng QLTT cả nước còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ thuốc lá điếu nhập lậu

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng này, trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với các lực lượng trên thị trường nội địa như Công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như công tác quản lý địa bàn, giám sát, thu thập thông tin để kịp thời, nhanh chóng xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.

Song song đó, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu và đặc biệt là các sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới”.

Đặc biệt, lãnh đạo Cục Nghiệp vụ khẳng định, thời gian tới, lực lượng QLTT trên cả nước sẽ siết chặt công tác quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, theo dõi diễn biến thị trường, chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn thông tin đầy đủ kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; cảnh báo cho người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hạ An