Thương mại quốc tế năm 2019 và dự báo năm 2020

THS. HÀ THỊ THU THỦY (Khoa Kinh tế cơ sở  - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều. Việt Nam đã từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước. Theo Tổng cục Hải quan, sau 19 năm, từ năm 2001 đến năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 17 lần. Bài viết phân tích những kết quả đạt được trong năm 2019 của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho thấy được sự phát triển không ngừng trong xuất khẩu và ổn định trong nhập khẩu, từ đó, đưa ra dự báo đối với vấn đề này trong năm 2020.

Từ khóa: Xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại quốc tế, doanh nghiệp, cán cân thương mại.

1. Những kết quả đạt được của xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2019

- Cán cân thương mại thặng dư liên tiếp và đạt mức xuất khẩu kỉ lục

Kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 36,69 tỷ USD) so với năm 2018. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% và nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8%. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong năm 2019 đạt thặng dư với con số kỉ lục 11,12 tỷ USD. Thặng dư liên tục 4 năm liên tiếp góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế, được đánh giá là mức khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm. (Biểu đồ 1)

- Xuất khẩu hàng hóa mở rộng về quy mô hàng hóa, thị trường và cơ cấu theo chiều hướng tích cực

Đóng góp vào kết quả này phải kể đến công lao rất lớn của khu vực FDI. Biểu đồ 2 cho thấy khu vực này chiếm giá trị xuất khẩu chủ yếu trong tổng kinh ngạch xuất với năm 2019 là 68,8% và tăng đều qua các năm.

Cụ thể xuất khẩu từ khu vực FDI đạt 181,35 tỷ USD (tăng 4,2%); còn khu vực trong nước là 175,52 tỷ USD (tăng 17,7%). Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI và khu vực trong nước lần lượt là 145,5 tỷ USD và 108,01 tỷ USD. Tính chung cả năm 2019, khu vực FDI xuất siêu 35,85 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 25,91 tỷ USD. Đây là một vấn đề khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI mà nội tại trong nước còn yếu kém. Điều này đòi hỏi cần phải có giải pháp thay đổi theo hướng ít phụ thuộc hơn.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc,... Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN (tăng 2%), Hàn Quốc (tăng 8,3%), Ấn Độ (tăng 2,1%), New Zealand (tăng 9,7%). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%).

Có thể thấy, trước bối cảnh giảm sút tổng cầu, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, bảo hộ mậu dịch gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu năm 2019 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, đạt mức kỉ lục trên 500 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, ổn định vĩ mô nền kinh tế. Những thành tựu rực rỡ năm 2019 nhưng vô hình cũng trở thành áp lực cho hoạt động thương mại quốc tế năm 2020.

2. Cơ hội và thách thức cho hoạt động thương mại quốc tế năm 2020

Năm 2020 được dự đoán sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam. Đứng trước dịch bệnh bùng phát toàn cầu, diễn biến xung đột thương mại, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ. Bất ổn tại khu vực và quốc tế tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Việt Nam là nước được hưởng lợi từ việc chuyển hướng thương mại do Mỹ thực hiện áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, song Việt Nam lại chưa thể hiện được lợi thế này từ việc nhập khẩu thay thế đối với hàng hóa của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế cao. Xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giầy dép sang Mỹ, trước mắt đang tận hưởng được lợi thế, song xét về lâu dài không bền vững, khi Mỹ đang nỗ lực cải thiện tình trạng mất việc làm và cân đối lại cơ cấu nền kinh tế thông qua điều tiết sản xuất, tăng hợp lý tỷ trọng các ngành sản xuất sử dụng lao động, nhằm cải thiện tình hình nhập siêu hàng tiêu dùng và giải quyết tình trạng thất nghiệp trong bối cảnh ứng dụng khoa học công nghiệp 4.0.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn thách thức như: Xuất khẩu điện thoại các loại, đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu) đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ vẫn còn gặp nhiều trở ngại do việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Cạnh tranh vẫn ngày càng gay gắt trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản; giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm cũng sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này. Để ứng xử với những tình huống khó khăn thì kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ.

Mặc dù Việt Nam đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu nhưng tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước.

Tuy vậy, xuất khẩu Việt Nam cũng có cơ hội đón nhận những tín hiệu tích cực trong việc mở rộng thị trường. Hiện nay, Việt Nam đã có 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn (trên 90%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Dự báo năm 2020, nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao do tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) kéo theo dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam. Năm 2020, nước ta đề ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019 và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%. 

3. Kết luận

Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan đạt được những kết quả ấn tượng. Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (11,2 tỷ USD) góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đáng chú ý là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm, sản phẩm điện tử, máy vi tính, nhất là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng; Tình trạng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh và lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né tránh thuế; Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm;… Để giải quyết được những tồn tại, khó khăn nêu trên, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt từ phía Nhà nước, các Bộ, ngành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Hải quan (2019), Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2019.
  2. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019.
  3. VERP (2019), Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV/2019.

Vietnam’s international trade in 2019 and outlook in 2020

Master. Ha Thi Thu Thuy

Faculty of Fundamental Economics

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

In recent years, Vietnam's economy has witnessed strong changes amid complicated global economic and political situations. Vietnam has gradually implemented its foreign afairs policy of multilateralization and diversification and has taken advantage of the possibilities of trade cooperation, investment, integration and technology transfer to promote the national economic development. According to the General Department of Vietnam Customs, Vietnam's total import-export value of goods increased 17 times after 19 years (from 2001 to 2019).

This article analyzes the achieved results of goods import and export activities in 2019, showing the continuous development in exports and the stability in import. Based on the article’s findings, the import-export outlook of Vietnam in 2020 is given.

Keywords: Goods import-export, international trade, enterprises, trade balance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]