Nhiều mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại siêu thị nội địa
Nhiều mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại siêu thị nội địa

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8,3%;  đặc biệt xuất khẩu cá tra giảm tới 24,5% so với cùng kỳ năm trước do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU.

Không chỉ bất lợi về thị trường, thủy sản còn chịu bất lợi về giá. Chỉ số giá xuất khẩu thủy sản quý II giảm 4,94% so với quý trước và giảm 7,16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo, từ quý III/2020 trở đi thủy sản mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp vừa tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong đó chú trọng việc củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới; nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng cao...

Đến nay nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang định vị tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, nằm trong top doanh nghiệp cá tra xuất khẩu lớn nhất thế giới, hiện có khá nhiều dòng sản phẩm trên kệ ở các siêu thị lớn có tên tuổi như Vinmart; Coopmart; AEON; BIG C; Lotte; MM Mega Market…

Trợ giúp cho doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa, VASEP đã lập ra Câu lạc bộ các doanh nghiệp cung cấp thủy sản cho thị trường Nội địa với hàng chục thành viên đang là các nhà sản xuất và cung cấp mặt hàng thủy sản cho hệ thống siêu thị, các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam.

 Hầu hết các doanh nghiệp vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu
 Hầu hết các doanh nghiệp vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu

 

Phía sau quyết định thành lập Câu lạc bộ là ý muốn chiếm lĩnh thị trường hơn 96 triệu dân, trong đó, 1/3 dân số sống ở thành thị. Đây chính là thị trường tiêu thụ tiềm năng của thủy sản Việt Nam, đặc biệt, khi tầng lớp trẻ bắt đầu quen dần với sản phẩm đông lạnh.

Hiện tại các siêu thị hiện có rất nhiều loại sản phẩm thủy sản vốn được dành cho xuất khẩu như phi lê cá tra, cá basa, thịt cá ngừ đại dương, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tầm và trứng cá tầm tươi sống…

Ngoài ra, hàng đông lạnh hiện cũng có sự thay đổi đáng kể, nếu trước đây chỉ có vài loại tôm cá, mực, thì nay tại tủ đông ở các siêu thị đã có gần 1.000 loại sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất sản phẩm thủy sản chế biến phổ thông, dành cho bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình Việt vào những dịp cuối tuần hay ngày lễ, tết (như gói lẩu hải sản, mắm kho, bánh hấp há cảo, cá nướng…).

Đây chính là yếu tố mới cho thấy doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đầu tư mạnh để đa dạng hóa các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng ở thị trường nội địa.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản của người tiêu dùng trong nước lên đến 22.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1 tỷ USD) và mức tiêu thụ bình quân của người Việt Nam ước khoảng 35kg thủy hải sản/năm. Dự báo mức tiêu thụ này sẽ tăng đến 44kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.