Vào tháng 10 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP cho khu vực châu Á. Với mức tăng trưởng 5,1% trong năm 2020, đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, châu Á vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chiếm hơn hai phần ba tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. ASEAN, với tư cách là khu vực kinh tế có quy mô lớn thứ 5 trên thế giới, đã đóng góp 10% vào mức tăng trưởng đó trong năm 2018, với tổng GDP lên tới 3 nghìn tỷ USD.

Một trong những thành công lớn của ASEAN trong năm ngoái là việc hoàn thành các cuộc đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có khả năng là một thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

RCEP sẽ góp phần giúp ASEAN hội nhập toàn diện hơn với nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là một biện pháp nhằm chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong bối cảnh hiện tại là tích hợp các nền tảng kỹ thuật số để thúc đẩy và đảm bảo tăng trưởng GDP, việc làm và đầu tư trong dài hạn. Theo báo cáo của Bain & Co, việc tích hợp số hóa trên toàn khu vực ASEAN sẽ thúc đẩy thương mại và tăng trưởng nội địa. Điều này cũng đem lại cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

kinh te so
Ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong bối cảnh hiện tại là tích hợp các nền tảng kỹ thuật số

Tình hình tăng trưởng của nền kinh tế số tại Đông Nam Á cũng rất hứa hẹn, với quy mô vượt 100 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp 3 lần trong 4 năm qua. Đến năm 2025 con số này có thể lên tới 300 tỷ USD, cao hơn khoảng 60 tỷ USD so với dự báo trước đây.

Với đặc điểm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, cùng với sự nhanh nhạy trong việc áp dụng kỹ thuật số, ASEAN đã sẵn sàng cho mục tiêu số hóa nền kinh tế.

Việt Nam, với cương vị chủ tịch ASEAN trong năm nay, được đánh giá là một trong những nền kinh tế số năng động nhất và đặt số hóa là mục tiêu hàng đầu trong năm nay, theo lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mục tiêu đó sẽ được thực hiện theo lộ trình của Kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIFAP) giai đoạn 2019 – 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, vẫn còn những hạn chế trong cách tiếp cận sự chuyển đổi sang nền kinh tế số. Đã có một số rào cản mới xuất hiện.

Các quy định mới về thương mại điện tử tại Indonesia liên quan đến thuế, cấp phép và đăng ký có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu số hóa các hoạt động của họ. Các chính sách như thế có thể ảnh hưởng đến triển vọng của một nền kinh tế số đang phát triển ở mức 40% như Indonesia.

Khả năng thúc đẩy tích hợp kỹ thuật số của ASEAN dựa trên hai yếu tố: các chính sách khuyến khích tăng trưởng và quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ.

kinh te so 3
Việt Nam, với cương vị chủ tịch ASEAN trong năm nay, được đánh giá là một trong những nền kinh tế số năng động nhất

Khi mà ASEAN vẫn đang xem xét cách tiếp cận của mình với kinh tế số, Singapore và Úc đang trong tiến trình đàm phán một thỏa thuận về lĩnh vực này. Điều này có thể là bước ngoặt trong việc đặt ra một tiêu chuẩn chung cho khu vực. Thỏa thuận này dự kiến sẽ bao gồm các quy định về luồng dữ liệu xuyên biên giới, hợp tác trong dịch vụ thanh toán điện tử, fintech, trí tuệ nhân tạo và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, các chính sách có thể mất nhiều thời gian để soạn thảo và đi vào thực tiễn. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh công nghệ phát triển ngày một nhanh như hiện nay.

ASEAN nên hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác với khu vực tư nhân và lắng nghe quan điểm của khu vực này trong việc lập chính sách. Điều này giúp gây dựng được lòng tin vững chắc hơn và là có thể là cách tiếp cận tốt hơn với kinh tế số.