Tiềm năng lợi thế và chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030

Đỗ Minh Thủy (NCS Đại học Thương mại), TS. Nguyễn Đức Việt, ThS. Bùi Thị Ninh (Khoa Kinh tế - QTKD, Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT:
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 nêu rõ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, phù hợp mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu chiến lược đã được xây dựng, triển khai và thu hút được sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng. Trong khuôn khổ bài viết này, nhóm tác giả đi sâu phân tích tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh, từ đó đề xuất giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu, chiến lược đề ra.
Từ khóa: Lợi thế, tiềm năng, phát triển, du lịch, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thể hiện sự kỳ vọng phấn đấu của toàn ngành Du lịch đó là: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển”. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong khu vực; ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hiện đại, có chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và thân thiện môi trường. Phấn đấu đón 11-12 triệu lượt khách quốc tế; 45-48 triệu lượt khách nội địa; thu nhập trực tiếp từ du lịch đạt 18-19 tỷ USD/năm, đóng góp 6,5 -7% GDP, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó 870.000 việc làm trực tiếp. Từ sau năm du lịch quốc gia 2015, du lịch Thanh Hóa đã có những chuyển biết hết sức tích cực, cụ thể lượng khách và doanh thu du lịch đều tăng 200% so với cùng kỳ năm trước đó. Mục tiêu, chiến lược và các chương trình phát triển du lịch đã được xây dựng triển khai và thu hút sự vào cuộc của các cấp các ngành, địa phương và cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của ngành Du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Chính vì vậy, việc phân tích đánh giá toàn diện và đề xuất chiến lược cho ngành Du lịch nói chung, doanh nghiệp du lịch nói riêng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển ngành Du lịch Thanh Hóa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là rất cần thiết.
2. Tiềm năng phát triển du lịch Thanh Hóa
Thanh Hóa là một địa phương thuộc khu vực Bắc Trung bộ, địa hình phong phú, đa dạng với cả núi, biển và đồng bằng, giàu tiềm năng du lịch. Thanh Hóa cũng là tỉnh có vị trí địa - chính trị quan trọng, kết nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng với miền Trung và cả nước. Với bề dày lịch sử lâu đời, Thanh Hóa đang gìn giữ một kho tàng quý giá các nguồn tài nguyên nhân văn phong phú. Những giá trị lịch sử, nhân văn đó cùng với những giá trị tự nhiên khác là những tiền đề quan trọng để Thanh Hóa phát triển ''một nền kinh tế tổng hợp đa ngành, trong đó du lịch được coi là một trong những ngành có vai trò đặc biệt quan trọng'' như được xác định trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Về tài nguyên thiên nhiên: Thanh Hóa là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch mạnh của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Tài nguyên thiên nhiên phong phú với hệ thống đất đai, sông ngòi, biển đảo, hang độc kỳ vĩ là tiền đề cho phát triển du lịch như Thanh Hóa có bờ biển chạy dài 102 km, tương đối bằng phẳng với những bãi tắm, nghỉ mát nổi tiếng như Sầm Sơn, một số bãi tắm lý tưởng khác như Quảng Vinh (huyện Quảng Xương), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), với cảnh quan các vũng như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện, các cửa lạch như Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của tỉnh. Ngoài khơi vùng biển Thanh Hóa còn có một số đảo nhỏ như Hòn Mê, Hòn Nẹ, Đảo Nghi Sơn cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn. Thanh Hóa có vùng núi đá vôi rộng lớn với nhiều danh thắng hang động karster gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Từ Thức (huyện Nga Sơn) hấp dẫn du khách, động Long Quang trên núi Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), động Hồ Công ở Vĩnh Lộc, quần thể hang động Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia), động Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc) một hang động có quy mô lớn và đẹp, động Bàn Bù hay còn gọi là Hang Ngán (huyện Ngọc Lặc). Ngoài ra, một số hang động khác như hang Con Moong (huyện Thạch Thành), động Cây Đăng (huyện Cẩm Thủy), Lò Cao kháng chiến ở khu vực Bến En, hang Phi (động Ma) thuộc huyện Quan Hóa, hệ thống hang động tại núi Cồ Luồng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, huyện Quan Hóa… là những điểm du lịch ngày càng hấp dẫn du khách. Thanh Hóa có 3 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) với giá trị cao về tính đa dạng sinh học với nhiều sinh vật đặc hữu, quý hiếm, đó là KBTTN Pù Luông (huyện Quan Hóa và Bá Thước), KBTTN Pù Hu (huyện Quan Hóa và huyện Mường Lát), KBTTN Xuân Liên (huyện Thường Xuân). Tài nguyên rừng ở Thanh Hoá có giá trị vô cùng lớn, chủ yếu là rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh quanh năm, có hệ thực vật phong phú về loài và họ như lim xanh, lát hoa, dổi, có nơi gặp cả táu. Đặc biệt, ở Thanh Hóa có vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), cách thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây Nam. Tổng diện tích rừng tự nhiên là 16.634 ha, trong đó diện tích rừng nguyên sinh là 8.544 ha, được xếp vào một trong mười vườn quốc gia bảo tồn thiên nhiên quý hiếm của Việt Nam.
Về tài nguyên du lịch nhân văn: Là một tỉnh rộng lớn, có đủ địa hình rừng núi, sông, biển, với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt hàng ngàn năm, Thanh Hóa ngày nay là một trong số ít địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng nhất. Theo số liệu thống kê năm 2016 của ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch, hiện tại Thanh Hóa có 804 di tích được xếp hạng, gồm 145 di tích quốc gia và 659 di tích cấp tỉnh (trong đó có 01 Di sản Văn hóa thế giới và 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Hệ thống di tích - danh thắng nói trên là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng của Thanh Hóa. Sau đây là một số di tích tiêu biểu: Thành nhà Hồ, Hang Con Moong, Làng cổ Đông Sơn, di tích lịch sử Lam Kinh... bên cạnh tài nguyên văn hóa vật thể thì cũng có không ít tài nguyên phi vật thể như các lễ hội truyền thống, tại Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử gắn với nhiều lễ hội truyền thống. Nhiều lễ hội có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hóa, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và khôi phục phát triển những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Với 160 lễ hội truyền thống liên quan đến di tích lịch sử, danh thắng được Nhà nước công nhận, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa đặc trưng riêng biệt. Hằng năm, ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh đều tổ chức long trọng và trang nghiêm các lễ hội đặc trưng của từng địa phương để đáp ứng một phần đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, đồng thời còn để phục vụ mục đích phát triển du lịch.
Lễ hội ở Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, mang nhiều màu sắc đặc trưng của từng tập tục, lề thói riêng biệt, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội sau:
- Lễ hội tín ngưỡng: Thường là tín ngưỡng dân gian, thờ các thần thánh như thờ thành hoàng, thờ mẫu, thờ các thần liên quan đến các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… như lễ hội xã Thiệu Trung, tưởng niệm ông tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không, lễ hội xã Quảng Cư ở Sầm Sơn tưởng niệm Bà Triều - tổ sư nghề dệt săm xúc, lễ hội đình Phú Khê xã Hoằng Phú - Hoằng Hóa - Tổ nghề hát… Các lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ mẫu như lễ hội phố Cát ở Thạch Thành; Lễ hội đền Sòng ở thị xã Bỉm Sơn…
- Các lễ hội văn hóa lịch sử: Thường gắn với việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử của dân tộc đã có công trong việc đấu tranh, giữ gìn và bảo vệ tổ quốc như lễ hội đền Bà Triệu ở Hậu Lộc, lễ hội Lam Kinh ở Thọ Xuân, lễ hội Lê Hoàn ở Thọ Xuân… Đây là các lễ hội thường được tổ chức công phu, quy mô vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh, có tác dụng thu hút khách du lịch trên phạm vi toàn quốc.
- Lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết: Hiếm có một vùng quê nào lại có nhiều truyền thuyết thấm đậm chất nhân văn như ở Thanh Hóa. Đó là: truyền thuyết Từ Thức gặp Giáng Hương gắn với lễ hội Từ Thức; truyền thuyết Mai An Tiêm và quả Dưa đỏ gắn với lễ hội Mai An Tiêm; truyền thuyết Thần Độc Cước, Hòn Trống Mái ở núi Trường Lệ; truyền thuyết cửa Thần Phù ở Nga Sơn; truyền thuyết ông Vồm ở Thiệu Hóa; Trạng Quỳnh ở Hoằng Hóa…
Về đầu tư cơ sở hạ tầng: Trên cơ sở quy hoạch, cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm đã được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2011- 2015, diện mạo về cơ sở hạ tầng du lịch có những chuyển biến mới với sự góp mặt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó nhiều hệ thống đường bộ, đường không, cảng biển được nâng cấp cải tạo và đưa vào sử dụng đã đang và sẽ tạo nên điểm nhấn quan trọng trong thu hút khách du lịch về với Thanh Hóa.
Hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch cũng được đầu tư cải tiến rất nhiều, cụ thể như đại lộ nam Sông Mã; đường vành đai, đường lên Khu du lịch Lam Kinh, Thành nhà Hồ; suối cá Cẩm Thủy; nâng tần suất khai thác và mở thêm các tuyến bay mới đi và đến Thanh Hóa… từ đó, tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm các điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, thời gian quy hoạch và triển khai; tiến độ thực hiện các dự án du lịch và đặc biệt là vấn đề hạ tầng cho phát triển du lịch… từ đó làm suy giảm sức hút, sức hấp dẫn của ngành Du lịch Thanh Hóa.
Về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện và trở thành tiền đề thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Tốc độ đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh. Số lượng các cơ sở lưu trú cũng tăng trên 20 lần trong khoảng thời gian trên, từ 560 cơ sở với 14.050 buồng phòng vào năm 2011 đã tăng lên 650 cơ sở lưu trú với quy mô 20.500 phòng vào năm 2015. Công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch đã được quan tâm đầu tư, nhiều dự án, điểm du lịch đã được phê duyệt và thực hiện như dự án tổ hợp du lịch FLC Group, Vin Group, Sun Group, Mường Thanh Group,... đang tập trung trọng điểm đầu tư vào các điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa như: Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hải Hòa, Dự án khu nghỉ mát biển Hải Tiến, Khu nghỉ mát Nam Sầm Sơn, khu du lịch sinh thái, văn hóa Vườn quốc gia Bến En, Khu du lịch sinh thái Pù Luông... Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng; vận chuyển du lịch, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm, cũng đang được hoàn thành góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ du khách.
Về doanh nghiệp du lịch: Theo khảo sát, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 1.100 doanh nghiệp du lịch; trong đó có 68 doanh nghiệp lữ hành; trên 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống; 750 doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đạt chuẩn (CSLT); 120 doanh nghiệp vận tải hành khách. Trong số đó, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98%) với số lượng vốn và lao động rất khiêm tốn (Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa, 2015). Hầu hết doanh nghiệp du lịch tập trung tại thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn; huyện Hoằng Hóa; Tĩnh Gia;... nơi có các địa điểm du lịch nổi tiếng. Các DNDL Thanh Hóa kinh doanh đa ngành, chỉ xem du lịch là một lĩnh vực kinh doanh nhỏ, mang tính thời vụ; kinh doanh du lịch dựa vào điều kiện tự nhiên và sản phẩm du lịch sẵn có của địa phương, trong đó du lịch biển là sản phẩm chủ lực, vì vậy hiện tượng cạnh tranh trong ngành Du lịch khá gay gắt.
Về nhân sự du lịch: Hiện nay đang có gần 20.000 lao động làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến ngành Du lịch. Đa phần nhân lực quản trị có trình độ kiến thức từ cao đẳng, đại học trở lên, nhưng số lao động có chuyên môn về du lịch lại rất hạn chế (chỉ có 30,75% có kiến thức, được đào tạo về du lịch), trong đó lao động quản trị còn thiếu và yếu về rất nhiều tiêu chí theo chuẩn quốc tế về nghề du lịch như thái độ phẩm chất chỉ đạt 4-5/10 điểm; kiến thức hoạch định chiến lược, quản trị nhân sự, marketing còn rất hạn chế chỉ đạt 4-5/10 điểm; về các kỹ năng như lập kế hoạch, giao tiếp, đào tạo, ngoại ngữ, ra quyết định, tạo động lực lao động, thuyết phục khách hàng cũng tương đối yếu chỉ đạt từ 2-510 điểm.
Về sản phẩm du lịch: Mặc dù có nhiều tài nguyên du lịch nhưng sản phẩm du lịch Thanh Hóa lại được đánh giá là tương đối nghèo nàn. Với sản phẩm chủ đạo là du lịch biển, thời gian khai thác ngắn, cạnh tranh gay gắt thì các sản phẩm du lịch khác như tâm linh, mua sắm, lễ hội, sinh thái chưa thực sự được chú trọng.
3. Thực trạng phát triển du lịch Thanh Hóa
Để chiến lược năm 2020 tầm nhìn năm 2030 thành công cần có nền tảng phát triển của giai đoạn trước đó, xét trên các mục tiêu cụ thể thì về cơ bản đã đáp ứng xu thế dự báo. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thanh Hóa giai đoạn 2011- 2015 tăng lên đáng kể. Đặc biệt khi sự kiện Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đã góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến với Thanh Hóa và sự kiện năm du lịch Quốc gia Thanh Hóa 2015 trở thành động lực thúc đẩy ngành Du lịch Thanh Hóa tăng tốc phát triển. Cụ thể, tổng số lượt khách du lịch tăng từ 3,36 triệu lượt năm 2011 và lên tới 5,53 triệu lượt vào năm 2015, đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm rất cao ở mức 13%/năm, cao hơn chỉ tiêu dự báo trong chiến lược phát triển. Trong đó, khách quốc tế là 127.000 tăng gấp 2,95 lần so với năm 2011 (nhưng chỉ chiếm 1,1% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam); khách quốc tế đến Thanh Hóa chủ yếu là khách Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và một số nước châu Âu. Khách nội địa trong năm 2015 là 5,53 triệu chiếm 13% cả nước. Tuy nhiên tổng thu từ du lịch của Thanh Hóa chỉ bằng 1,32% tổng thu từ du lịch cả nước. Điều này cho thấy phát triển du lịch Thanh Hóa vẫn chưa chú trọng về chất, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp (Tổng cục Du lịch, 2015). Số ngày khách tăng từ 6.140.000 (2011) lên tới 9.852.000 (2015), tốc độ tăng trưởng trung bình là 12,6%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng từ 2,25 tỷ đồng (2011) lên 5,18 tỷ đồng (2015), đạt tốc độ tăng trưởng trung bình là 27,4%/năm. Tỷ trọng của du lịch trong cơ cấu GRDP của cả tỉnh ngày càng tăng. So với cả tỉnh, thu nhập từ hoạt động du lịch chiếm gần 4,6% giá trị sản xuất của cả 2 khu vực và chiếm gần 14% giá trị sản xuất của khối thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và tiềm năng phát triển du lịch to lớn, du lịch Thanh Hóa được kỳ vọng có nhiều đóng góp hơn trong những năm tới vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.
4. Mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế du lịch Thanh Hóa
Theo Quyết định số 492 năm 2015 về quy hoạch phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn 2030 của UBND, Tỉnh Thanh Hóa nêu rõ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, phù hợp mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với trọng điểm là Đô thị du lịch Sầm Sơn và Điểm du lịch quốc gia Thành Nhà Hồ với 3 trọng điểm phát triển du lịch của Thanh Hóa là:
- Cụm thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn - Hải Tiến: Hoạt động du lịch tại trọng điểm này gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển (đa dạng hóa hình thức kinh doanh và sở hữu), du lịch đô thị (thành phố Thanh Hóa), du lịch tìm hiểu lịch sử - cách mạng, du lịch tìm hiểu khảo cổ - lịch sử. Trong tương lai có thể nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái biển tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mê. Trong cụm này, Sầm Sơn được xác định là Đô thị du lịch.
- Cụm Thành Nhà Hồ - Lam Kinh - Suối cá Cẩm Lương: Hạt nhân của hoạt động du lịch tại trọng điểm này là Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ, du lịch sinh thái và du lịch di sản là các sản phẩm chủ đạo của cụm du lịch này.
- Cụm Nghi Sơn - Bến En: Hoạt động du lịch tập trung đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động của các doanh nhân, chuyên gia, người lao động ở Khu Kinh tế Nghi Sơn. Phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng rừng ở Vườn Quốc gia Bến En cũng là một định hướng quan trọng của trọng điểm này. Phấn đấu bổ sung thêm các điểm du lịch quốc gia Lam Kinh, Hàm Rồng và Vườn quốc gia Bến En, để từ đó hình thành ba khu du lịch quốc gia tại Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ và Vườn Quốc gia Bến En và một điểm du lịch quốc gia Lam Kinh. Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, du lịch trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mục tiêu cụ thể được xét trên các phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, cụ thể như sau.
Bên cạnh cách chỉ tiêu định lượng, trong chiến lược phát triển du lịch còn bao hàm các chỉ tiêu định tính về xã hội, tài nguyên môi trường, trọng điểm khai thác, như: Phát triển du lịch nhằm góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực xã hội, góp phần phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tinh thần tự tôn dân tộc; Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến năm 2025 đảm bảo 100% chất thải rắn và lỏng từ các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch được xử lý. 100% chất thải rắn phát sinh từ các khu lưu trú, dịch vụ du lịch được phân loại tại nguồn. Phấn đấu đạt tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo ở mức 10-15% với các khu du lịch đồng bằng, ven biển và 30-40% tại các khu du lịch sinh thái tại các vùng núi; Năm 2015, đạt 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đến năm 2025, đạt 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
5. Đề xuất giải pháp
Về cơ chế chính sách: Ban hành cơ chế đặc thù đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật lớn, công trình du lịch trọng điểm quốc gia; tập trung huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích, danh thắng, xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh du lịch; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng cổ (làng chài, làng nghề, làng văn hóa..), cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể và ưu tiên, ưu đãi đối với các nghệ nhân…; đồng thời xây dựng chính sách nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới, điển hình, đặc trưng nhằm tạo thương hiệu và sức cạnh tranh cao trong phát triển du lịch; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó quan tâm phát triển nguồn nhân lực trực tiếp làm ra các sản phẩm thu hút, quảng bá văn hóa du lịch; nghệ nhân, truyền dạy nghề…
Về nhân sự du lịch: Tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm, phát triển du lịch bằng các biện pháp thu hút cán bộ quản lý có trình độ, kinh nghiệm, kết hợp với việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao các cán bộ trẻ có nhiều tiềm năng phát triển. Gắn kết hoạt động của các cơ sở đào tạo du lịch của tỉnh với nhu cầu nguồn nhân lực du lịch tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch, nhằm thực hiện đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Về cơ sở hạ tầng: Phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, hiệu quả, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ chỗ, đại lý, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách du lịch; cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao, hội nghị và các mục đích khác.
Về sản phẩm du lịch: Lấy du lịch biển là trung tâm phát triển các sản phẩm du lịch vệ tinh, các chuỗi sản phẩm du lịch bốn mùa, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội và các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khác. Tăng cường liên kết với các địa phương, các nước, các công ty lữ hành trong khai thác các tour, tuyến điểm du lịch đặc sắc.
Về quảng bá du lịch: Xây dựng Chiến lược thương hiệu du lịch Thanh Hóa thân thiện, hấp dẫn, là giải pháp quan trọng, trong nhóm giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá ngắn hạn và dài hạn; thường xuyên cập nhật, bổ sung kế hoạch phù hợp với nhu cầu thị trường và thực tế phát triển sản phẩm du lịch của địa phương. Điều tra đánh giá (thường xuyên và định kỳ) thị trường và các thông tin phản hồi từ khách hàng và các đối tác cũng như đánh giá hiệu quả của các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến để có các điều chỉnh, bổ sung phù hợp.TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quyết định số 492 ngày 9/2/2015 của UBND Tỉnh Thanh Hóa về quy hoạch phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
2. Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 25/4/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt danh mục các đề án, dự án phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch.
3. Kế hoạch 13/KH-UBND ngày 06/02/2015 về triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14/11/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về lĩnh vực du lịch.
4. Quyết định số 1287/QĐ-UBND ngày 13/4/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.
5. Kế hoạch hành động số 74/KH-UBND ngày 13/5/2015 về thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới.
6. Số liệu thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giai đoạn 2010- 2015.
7. Đề án xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 (2016), Trường Đại học Hồng Đức.

POTENTIAL ADVANTAGES AND TOURISM DEVELOPMENT STRATEGY OF THANH HOA FROM 2020 TO 2030

Do Minh Thuy

Post Graduate Student of Thuongmai University

PhD. Nguyen Duc Viet

MA. Bui Thi Ninh

Faculty of Economics and Business Administration, Hong Duc University

ABSTRACT:

Thanh Hoa province has many potential and advantages for tourism development. Thanh Hoa tourism development plan till 2020 and the vision of 2030 clearly states that tourism should be developed into a spearhead economic sector in line with the socio-economic development plan, in the direction of professionalism and modernity. Moreover, it should developed comprehensively and harmoniously with the strategic plan of Thanh Hoa province. Strategic objectives have been developed, implemented and attracted attention of all levels, sectors and communities. Within the framework of this article, the authors propose solutions to contribute to the successful implementation of the goals and strategies.

Keywords: Advantages, potential, development, tourism, Thanh Hoa province.