Tiếng vang từ Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt

Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt đón tiếp hơn 400 doanh nghiệp gồm CEO của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà phân phối toàn cầu,... Hội nghị đã tạo được tiếng vang

Công tác tổ chức được đánh giá cao

Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam mới diễn ra (11/10) nằm trong các hoạt động nổi bật của Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018”. Trước đó Ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ nội dung hội nghị đến công tác khánh tiết, truyền thông rộng rãi...

Hội nghị đã đón tiếp 400 doanh nghiệp gồm CEO của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam, các Tập đoàn đa quốc gia, các công ty phân phối toàn cầu, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nguyên phụ liệu, thiết bị và đặc sản địa phương.

Ngoài ra, việc trưng bày sản phẩm, hàng hóa, đặc sản vùng miền tại Hội nghị đã được Ban tổ chức phối hợp chặt chẽ với hơn 100 doanh nghiệp tạo nên bức tranh đa dạng về sản phẩm, hàng hóa góp phần không nhỏ vào thành công Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (áo xanh) đánh giá cao sự thành công của Hội nghịThứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (áo xanh) đánh giá cao sự thành công của Hội nghị

Phát biểu ghi nhận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự thành công của Hội nghị: “Sau thời gian làm việc tích cực của Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức tôi đánh giá và ghi nhận sự thành công của hội nghị. Trong ngày làm việc này chúng ta đã được chứng kiến lễ phát động chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tự hào hàng Việt Nam và Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam, tôi đánh giá rất cao chương trình này. Tại đây, chúng ta đã được nghe những tham luận, những ý kiến chia sẻ của các đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia,…

Ngoài ra cũng ghi nhận các khó khăn trong phát triển hàng Việt Nam từ các đại biểu tham dự, Ban tổ chức đánh giá cao những đề xuất của các doanh nghiệp trong công cuộc phát triển, lan tỏa hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Có được thành công này là rất nhiều nỗ lực của Ban tổ chức, trao đổi với phóng viên, một thành viên trong Ban tổ chức cho hay: "Đêm trước khi diễn ra sự kiện tôi chỉ ngủ có 2 tiếng thôi, mình phải đi kiểm tra lại tất cả mọi thứ từ cái công tắc điện, hệ thống đèn Led, ngay cả cục pin của mic để đại biểu nói, đến các gian hàng của doanh nghiệp trong khu trưng bày của Hội nghị". 

Khách hàng quan tâm đến nhiều sản phẩm trưng bày tại Hội nghịKhách hàng quan tâm đến nhiều sản phẩm trưng bày tại Hội nghị

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức. Bên cạnh các hoạt động truyền thông; hoạt động đạp xe diễu hành cổ động, treo phông phướn tại nhiều tỉnh, thành phố; năm nay Chương trình tập trung nhiều vào hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối phát triển sản phẩm, phát triển thị trường nhằm nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ Việt Nam.

Sức lan tỏa lớn

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UNDN TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hưởng ứng Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Không chỉ tuyên truyền, vận động giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; Bộ Công Thương còn đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với nhau; giữa các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối, mà Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam chủ đề Kết nối phát triển hàng Việt là cách thức, bước đi hết sức thiết thực, hiệu quả.

Các gian hàng được Ban tổ chức chuẩn bị từ rất sớmCác gian hàng được Ban tổ chức chuẩn bị từ rất sớm

“Chúng tôi hoan nghênh Chương trình Tự hào hàng Việt Nam đã tin tưởng, tổ chức Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Với tư cách là chủ nhà của Hội nghị, TP. Hồ Chí Minh tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau trước, trong và sau Hội nghị”, ông Liêm chia sẻ.

Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố và đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn…

Theo bà Nga, để hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, trong đó hoạt động hỗ trợ đặc sản địa phương, sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi tham gia vào hệ thống phân phối luôn được chú trọng (hiện đại và truyền thống), như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia:....

Một phiên thảo luận tại Hội nghịMột phiên thảo luận tại Hội nghị

Các bài phát biểu và thông tin từ các phiên tọa đàm trong hội nghị đã góp phần định hình rõ nét hơn nữa về những giải pháp để kết nối phát triển hàng Việt Nam.

Hội nghị cũng đã chứng kiến sự hưởng ứng của lãnh đạo các doanh nghiệp cùng tham gia kết nối phát triển hàng Việt Nam. Hơn thế nữa, ngay tại khu trưng bày hàng hóa đã có những cái bắt tay, tạo ra những cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Chúng ta cùng hy vọng qua Hội nghị lần này sẽ lan tỏa thành sự hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp trong tương lai./.

Vũ Lê