Tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, yêu cầu từ người tiêu dùng trong năm 2020

Trong đó, riêng Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận được 11.211 cuộc gọi đến của người tiêu dùng, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng đạt 89%.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã chủ động trong việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác và thay đổi phương pháp, cách thức triển khai công việc cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai, hướng tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách chuyên nghiệp, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng. 

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn, hỗ trợ và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, ngày 7/9/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-CT về việc thành lập “Tổ Tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng”. Thành viên của Tổ công tác bao gồm cán bộ thuộc các Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Kiểm soát Hợp đồng theo mẫu và Điều kiện giao dịch chung và Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.

Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ các địa phương có nhu cầu và tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông qua Đề án Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã bàn giao 15 bộ máy tính, điện thoại và các trang thiết bị cần thiết để các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được truy cập nguồn dữ liệu lớn (Big Data) về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Cục.

Cục cũng tổ chức 3 khóa đào tạo kỹ năng tiếp nhận và tư vấn người tiêu dùng qua Tổng đài, kỹ năng nhập liệu trên hệ thống Tổng đài và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại 3 địa điểm là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng, góp phần hoàn thiện hệ thống tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng qua việc tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng.

Lễ ký kết Biên bản về hoạt động tuyên truyền phổ biến trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người tiêu dùng giai đoạn 2020-2021 giữa Cục CT&BVNTD và Amway Việt Nam
Lễ ký kết Biên bản về hoạt động tuyên truyền phổ biến trong lĩnh vực bảo vệ quyền của người tiêu dùng giai đoạn 2020-2021 giữa Cục CT&BVNTD và Amway Việt Nam tháng 10/2020

Hoạt động chuyên môn tích cực của Cục không chỉ nâng cao được kiến thức pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và dần thiết lập sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các doanh nghiệp mà còn tác động để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và tạo được niềm tin của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhờ có các hoạt động này, trong năm 2020, công tác bảo vệ người tiêu dùng đã được triển khai tích cực. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ người tiêu dùng thông qua các phương thức: email, công văn, Website của Cục và hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838; đã tiến hành giải quyết hầu hết các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng và cơ bản giải quyết thông qua phương thức thương lượng, hòa giải.

Trong đó, riêng Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã tiếp nhận được 11.211 cuộc gọi đến của người tiêu dùng, trong đó số cuộc gọi được tổng đài viên trả lời, tư vấn là 9.965 cuộc. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng đạt 89%. Số còn lại chưa được hỗ trợ, tư vấn do số lượng tổng đài viên còn hạn chế. 

Các khiếu nại, kiến nghị rải rộng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể đến các lĩnh vực như chung cư, bất động sản, bảo hiểm,…

Về cơ bản, các yêu cầu của người tiêu dùng đã và đang giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Riêng lĩnh vực nhà chung cư, do tính chất các vụ việc khiếu nại tương đối phức tạp nên thời gian xử lý các vụ việc thường kéo dài, một số vụ việc được chuyển đến các Sở Công Thương địa phương để xử lý theo phân cấp.

Năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định xử phạt đối với 10 doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, với số tiền phạt gần 600 triệu đồng. Đồng thời, tiếp nhận và thực hiện giám sát 36 vụ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật, trong đó, chủ yếu liên quan đến nhóm sản phẩm xe ô tô.

Trong năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.

Thy Thảo