Tiêu chuẩn - Công cụ chiến lược của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường mới

Tiêu chuẩn là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp các công ty giải quyết trong những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.

Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hoá chủ lực của Việt Nam.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ đề Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”, lại một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc cung cấp những công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mang tính toàn cầu, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố hơn 13.000 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.

Theo đánh giá, tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội. Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp các công ty giải quyết trong những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.

Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn, người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ được thụ hưởng có tính an toàn, tin cậy và có chất lượng cao, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Tiêu chuẩn cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách công, các quy định, đảm bảo các yêu cầu đối với việc sản xuất, xuất nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, từ đó thuận lợi hóa việc lưu thông hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia.

Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh nhận định, hệ thống TCVN được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Do vậy, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... được thị trường thế giới chấp nhận.

Ngoài ra, Hệ thống TCVN cũng đã hỗ trợ trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành khoảng 800 QCVN. Các QCVN đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ 2021 - 2030 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ đối với ngành Khoa học và Công nghệ một số nội dung như: Xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội  đến 2030; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với Doanh nghiệp, lấy Doanh nghiệp làm trung tâm; Tăng cường nguồn lực Tiêu chuẩn hóa quốc gia,…

Vũ Thư