10/2 - Thứ hai 

Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã quay lại công sở trong ngày 10/2, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài chưa tưng thấy do dịch virus Corona (Covid-19) bùng phát. Mặc dù vậy không khí ảm đạm và hoang mang vẫn bao trùm các khu vực.

Chính quyền tại các trung tâm kinh tế - sản xuất lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh để các công ty hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy sản xuất tại nước này vẫn tiếp tục tạm ngưng hoạt động. Nhiều nhà máy của các tập đoàn lớn như Foxconn, BMW và Toyota vẫn kéo dài thời gian ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp kiểm dịch.

Người dân Trung Quốc quay trở lại làm việc

11/2 - Thứ ba

Trong phiên giao dịch sáng ngày 11/2, chỉ số chứng khoán pan-European Stoxx 600 đã chạm mức cao kỷ lục trong lịch sử, trước khi chốt phiên với mức tăng 0,9% trong bối cảnh các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế khi số ca nhiễm virus Corona (Covid-19) mới giảm xuống.

Thông tin tích cực về diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giúp các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn cầu như S&P 500Nasdaq tăng lên.

Thị trường Chứng khoán Châu Âu tăng điểm kỷ lục

12/2 - Thứ tư

Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang ở “mức tốt” dù vẫn có mối đe doạ tiềm tàng từ dịch virus Corona (Covid-19) tại Trung Quốc và gạt bỏ những lo ngại về một đợt suy thoái mới. Tính đến nay, chuỗi tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ đã kéo dài sang năm thứ 11 - giai đoạn tăng trưởng dài kỷ lục của nước này.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell

13/2 - Thứ năm

Tỷ giá đồng Euro so với đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Tỷ giá đồng Euro chịu áp lực giảm mạnh khi thị trường lo ngại Đức, nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu, đang trên bờ vực suy thoái trong bối cảnh dịch virus Corona (Covid-19) đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang rời bỏ đồng Euro để chuyển sang những đồng tiền có thể bảo toàn giá trị đầu tư cao hơn như đồng USD khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên quan điểm về các biện pháp kích thích kinh tế khu vực Châu Âu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì tác động do dịch virus Corona (Covid-19) gây ra đối với nền kinh tế Châu Âu lớn hơn so với những gì mà nền kinh tế Hoa Kỳ phải gánh chịu.

Tỷ giá đồng EUR với đồng USD

14/2 - Thứ sáu

Trước bối cảnh dịch virus Corona (Covid-19) tác động mạnh đến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu, khối OPEC và các nước sản xuất dầu thô đồng minh (khối OPEC+) đề xuất đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác thêm 600.000 thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, sau gần 1 tuần xem xét, Nga – một thành viên quan trọng của khối OPEC+ vẫn chưa ra quyết định đồng ý với đề xuất trên và nhiều hãng khai thác dầu thô của nước này không muốn đẩy mạnh cắt giảm hơn nữa.

Trong khi đó, Ả-rập Xê-út  liên tục thúc giục Nga cần phải hành động nhanh chóng. Một số chuyên gia nhận định, dịch virus Corona có thể đặt dấu chấm hết cho liên minh kiểm soát giá dầu giữa Nga và khối OPEC.

Nga và Ả-rập Xê-út kiểm soát giá dầu thô