Thứ Hai – 13/7

Thoả thuận thương mại Anh và Nhật Bản
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp thượng đỉnh khối G7 trong năm 2019 (Ảnh: BBC)

Trưởng đoàn đàm phán của Vương quốc Anh Graham Zebedee cho biết cả Nhật Bản và Vương quốc Anh đều muốn đạt thoả thuận thương mại vào cuối tháng này và chính thức ký thoả thuận thương mại trong tháng 9/2020. Chính phủ hai nước bắt đầu đàm phán thoả thuận thương mại song phương kể từ đầu tháng 6/2020 sau khi thoả thuận thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản không còn áp dụng cho Vương quốc Anh do nước này đã từ bỏ tư cách thành viên liên minh kể từ ngày 31/1.

Thoả thuận thương mại tự do song phương Anh – Nhật Bản sẽ được dựa trên nền tảng thoả thuận thương mại tự do Nhật Bản – EU. Trong đó, Chính phủ Vương quốc Anh nhấn mạnh đến việc Nhật Bản cần dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động dịch vụ tài chính và các sản phẩm của ngành công nghiệp dệt của Anh; đổi lại, Chính phủ Nhật Bản mong muốn Vương quốc Anh dỡ bỏ thuế đánh vào các sản phẩm xe ô tô sớm nhất có thể.

Thứ Ba – 14/7

Tổng thống Donald Trump
 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra thông báo về quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với Hồng Kông (Trung Quốc) tại Vườn hồng, Nhà Trắng vào ngày 29/5/2020 (Ảnh: REUTERS/Jonathan Ernst)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đã ký một dự luật và một sắc lệnh hành pháp để trừng phạt Trung Quốc trong việc áp dụng Luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc). Hãng tin Reuters cho biết dự luật mới đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, theo đó, các ngân hàng có giao dịch với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc áp dụng Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông sẽ bị trừng phạt.

Ông Donald Trump cho biết “Điều này sẽ chấm dứt ưu đãi thương mại (mà Hoa Kỳ) đã dành cho Hồng Kông trong nhiều năm qua, các đối xử đặc biệt về kinh tế và tiếp cận các công nghệ nhạy cảm cũng sẽ chấm dứt. Hồng Kông bây giờ cũng sẽ được đối xử như Trung Quốc”.

Chính quyền của ông Donald Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc trong việc xử lý và công bố thông tin về đại dịch Covid-19 cũng như việc Trung Quốc áp dụng Luật an ninh mới tại Hồng Kông. Căng thẳng chính trị và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thứ Tư – 15/7

Thất nghiệp tại Australia
 Hàng dài người dân Australia xếp hàng trước trung tâm Centrelink - trung tâm điều phối các khoản trợ cấp của Chính phủ Australia (Ảnh: AAP)

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Australia (ABS) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã chạm ngưỡng 7,4% trong tháng 6/2020, tăng đáng kể so với mức 7,1% ghi nhận trong tháng 5/2020. Đây cũng là mức cao nhất trong hơn 20 năm trở lại đây.

Trưởng bộ phận thống kê lao động tại ABS Bjorn Jarvis cho biết việc Australia nới lỏng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian qua đã giúp tạo ra thêm nhiều việc làm bán thời gian trong tháng 6/2020. Tuy nhiên, số lượng việc làm toàn thời gian vẫn sụt giảm dưới các tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế nước này.

Bộ trưởng Ngân sách Australia Josh Frydenberg cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp thực tế của Australia, nền kinh tế lớn thứ 5 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, có thể lên đến 13% nếu không có gói cứu trợ việc làm trị giá 70 tỷ AUD (48 tỷ USD) của chính phủ nước này. Việc bang Victoria, nơi đóng góp đến 24% tổng GDP của Australia trong năm 2019, buộc phải tái đóng cửa trong vòng 6 tuần tới khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao tại đây có thể đe doạ tiêu cực đến triển vọng kinh tế nước này trong năm nay.

Thứ Năm – 16/7

Thị trường chứng khoán Nhật Bản
 Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng bán tháo cao kỷ lục không rõ nguyên nhân (Ảnh: Financial Times)

Hãng tin Bloomberg cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ra lượng cổ phiếu kỷ lục lên tới 3,64 nghìn tỷ Yên Nhật (34 tỷ USD) trong tuần trước, cao hơn 6 lần so với mức bán ra trong tuần liền trước đó. Số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy tổng giá trị cố phiếu bị bán tháo đã lên tới 5,9 nghìn tỷ Yên Nhật tính đến thời điểm này – chạm mức cao nhất từ trước đến nay; trong khi đó lượng mua vào cùng kỳ chỉ ở mức 2,3 nghìn tỷ Yên Nhật.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, một trong ba thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Một số chuyên gia phân tích nhận định đà bán tháo có thể do áp lực chốt lời của giới đầu tư khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đang phục hồi từ mức thấp kỷ lục trong đại dịch Covid-19 cũng như ảnh hưởng từ việc SoftBank bán ra 21 tỷ USD cổ phần trong hãng viễn thông T-Mobile.

Thứ Sáu – 17/7

Lãnh đạo liên minh Châu Âu
 Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại phiên họp trực tiếp đầu tiên của Liên minh Châu Âu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (Ảnh: AP)

Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã tổ chức nhóm họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với kỳ vọng thống nhất được khoản ngân sách mới của liên minh cho giai đoạn 2021 – 2027 cũng như đạt đồng thuận về quỹ phục hồi kinh tế trị giá tới 750 tỷ EUR trong bối cảnh các nước Bắc Âu và Tây Âu vẫn còn nhiều bất đồng với các quốc gia Nam Âu.

Hội nghị này được giới quan sát đánh giá là hội nghị quan trọng nhất đối với Liên minh EU trong hàng chục năm trở lại đây trong bối cảnh khối này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng nhất kể từ thời điểm thành lập khối. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều quốc gia Châu Âu vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Phiên họp này cũng là phép thử lớn về sự đoàn kết giữa các quốc gia trong liên minh. 

Các dự báo cho thấy Italy, Tây Ban Nha và Pháp sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm tới 10% trong năm nay. Ngay cả Đức, nền kinh tế lớn nhất liên minh, cũng sẽ chịu tăng trưởng âm. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Liên minh EU cũng như các quốc gia thành viên đã phải tung ra các gói cứu trợ khẩn cấp lên tới hàng nghìn tỷ EUR nhưng với việc đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì các nước Châu Âu cần thêm nhiều nguồn tài chính để vực dậy nền kinh tế.