Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (20/4 - 24/4)

Lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô xuống dưới 0 USD/thùng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Dịch bệnh cũng đã khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới đứng trước nguy cơ phá sản.

Thứ Hai – 20/4

Khai thác dầu thô tại bang Texas
 Nhu cầu sử dụng dầu thô giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm xuống dưới mức 0 USD/thùng (Ảnh: MBR / Associated Press)

Giá dầu thô lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng hay nói cách khác người bán sẽ cần trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi. Chốt phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2020 (CLC1) trên thị trường tương lai Hoa Kỳ đạt -37,63 USD/thùng. Giá dầu thô WTI là giá dầu thô chuẩn cho các loại dầu thô được khai thác tại Hoa Kỳ, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu thô giảm xuống mức âm là sự kết hợp của nhiều yếu tố trên thị trường cộng hưởng đúng lúc bao gồm áp lực cắt lỗ bằng mọi giá của giới đầu tư khi hợp đồng CLC1 sẽ hết hạn vào ngày 21/4, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu ở mức rất yếu vì đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu hụt chỗ chứa dầu thô tại Hoa Kỳ.

Mặc dù giá dầu thô Brent, mức giá chuẩn cho gần 2/3 giá các loại dầu thô trên thế giới, không giảm tiêu cực như giá dầu thô WTI, nhiều chuyên gia cảnh báo giá dầu thô Brent cũng đang chịu áp lực giảm mạnh, thậm chí về mức 10 USD/thùng. Các yếu tố nền tảng trên thị trường dầu mỏ hiện đều ở mức rất yếu khi các hoạt động kinh tế vẫn bị đình trệ vì đại dịch Covid-19 và tồn trữ dầu thô ở mức cao.

Thứ Ba – 21/4

Đồng Nhân dân tệ Trung Quốc
 Một số chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trước các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra (Ảnh: Getty Images)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay cơ bản (LPR) một năm, giảm 20 điểm phần trăm, từ mức 4,05% xuống còn 3,85%; mức lãi suất cho vay cơ bản 5 năm cũng được giảm 10 điểm phần trăm, từ mức 4,75% xuống còn 4,65%.

Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc giải toả áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp nước này, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Động thái cắt giảm lãi suất LPR cũng phù hợp với dự báo của các chuyên gia đưa ra sau khi PBOC tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) đối với các tổ chức tài chính vào ngày 15/4. Mức lãi suất MLF đối với các tổ chức tài chính tại Trung Quốc hiện chỉ còn 2,59% - mức thấp kỷ lục kể từ khi mức lãi suất này được áp dụng tại Trung Quốc vào tháng 9/2014.

Một số chuyên gia nhận định việc PBOC đẩy mạnh cắt giảm lãi suất có thể cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. GDP quý 1/2020 của Trung Quốc đã giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm GDP trong quý 1 kể từ năm 1992 – thời điểm nước này bắt đầu công bố dữ liệu GDP chính thức hàng quý.

Thứ Tư – 22/4

Hãng hàng không Virgin Australia
 Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên tại khu vực Châu Á phá sản vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Shutterstock/Peter Gudella)

Virgin Australia trở thàng hãng hàng không lớn đầu tiên tại khu vực Châu Á phá sản vì đại dịch Covid-19. Virgin Australia do tỷ phú thế giới Richard Branson sáng lập hiện là hãng hàng không lớn thứ hai tại Australia với 31% thị phần. Hãng này đã buộc phải tuyên bố phá sản sau khi Chính phủ Australia từ chối hỗ trợ tài chính để giúp hãng này chi trả số nợ lên tới 5 tỷ AUD (3,2 tỷ USD).

Đến thời điểm hiện tại, Virgin Australia đã cho 80% trong số 10.000 nhân viên nghỉ việc. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát hãng có 41 đường bay đóng góp 11 tỷ AUD/năm cho nền kinh tế Australia. Sau 2 tháng phải ngưng phần lớn các chuyến bay do các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Virgin Australia cho biết doanh thu từ dịch vụ phục vụ hành khách của hãng đã giảm gần 50%.

Trước Virgin Australia, FlyBe – hãng hàng không nội địa lớn nhất Vương quốc Anh cũng đã tuyên bố phá sản. Các chuyên gia cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến nhiều hãng hàng không có năng lực tài chính yếu đối mặt với nguy cơ phá sản cao.

Hãng hàng không Virgin Atlantic cũng do tỷ phú Richard Branson sáng lập cho biết sẽ không thể tồn tại nếu không tiếp cận được các khoản vay mới. Hãng hàng không giá rẻ Na Uy Norwegian Air Shuttle cũng đang đệ đơn phá sản với 4 đơn vị tại nước ngoài và hãng hàng không quốc gia South African Airways của Nam Phi dự kiến sẽ phải sa thải toàn bộ nhân viên dưới các tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ Năm – 23/4

Thủ tướng Đức Angela Merkel
 Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đại dịch Covid-19 là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nước Đức kể từ sau Thế chiến II (Ảnh: Getty Images)

Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả khi cho phép một số đơn vị kinh doanh có diện tích dưới 800 m2 được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn theo đường lối thận trọng khi tái mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới.

Lệnh cấm tụ tập hơn hai người và yêu cầu người dân đứng cách xa nhau hơn 1,5 mét ở khu vực công cộng vẫn được duy trì. Các địa điểm văn hóa, quán bar, trung tâm giải trí và thẩm mỹ viện cũng phải ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới còn những sự kiện công cộng quy mô lớn như hòa nhạc hay bóng đá sẽ bị cấm tới 31/8. Trường học sẽ mở cửa lại một phần trong những tuần tới và học sinh sẽ quay trở lại trường kể từ ngày 4/5.

Năm viện nghiên cứu kinh tế lớn nhất Đức vừa qua đồng loạt cảnh báo đại dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế Đức vào một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Các nhà kinh tế học cho biết mức GDP quý 1/2020 của Đức sẽ giảm 1,9% và tác động của đại dịch Covid-19 sẽ được phản ánh rõ nét hơn trong sự sụt giảm GDP quý 2/2020. Dự báo GDP quý 2/2020 của Đức sẽ giảm 9,8% - mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu GDP hàng quý của nước này được ghi nhận kể từ năm 1970.

Thứ Sáu – 24/4

Tiền kiều hối
Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của các hộ gia đình có thu nhập thấp (Ảnh: ADB)

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo đại dịch Covid-19 sẽ khiến lượng kiều hối trên toàn cầu trong năm 2020 giảm mạnh do thu nhập và việc làm của nhóm lao động di cư bị ảnh hưởng mạnh khi khủng hoảng kinh tế tại các nước xảy ra dưới các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh.

Theo đó, dòng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới trong năm 2020 sẽ giảm 19,7% so với năm 2019, còn 445 tỷ USD. Trong năm 2019, các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã ghi nhận lượng kiều hối đạt mức cao kỷ lục, 554 tỷ USD; cao hơn cả tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà các nước này nhận được. Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong năm 2021 sẽ phục hồi 5,6% lên mức 470 tỷ USD.

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối đổ về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm 2020 sẽ giảm 13%, mức giảm ít nhất trong số các khu vực được đánh giá. Việt Nam hiện là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ ba trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2019 với mức kiều hối đạt 17 tỷ USD, tương đương 6,5% tổng GDP.  

Quang Đặng (Tổng hợp)