Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (22/6 - 26/6)

Đức, nền kinh tế đầu tàu của khu vực Châu Âu, được dự báo sẽ suy giảm mạnh 6,8% trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng hơn những gì được dự báo trước đây trước các tác động của đại dịch Covid-19.

Thứ Hai – 22/6

Thủ tướng Đức Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đại dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất đối với Đức kể từ sau Thế chiến II (Ảnh: France24)

Báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (ifW) của Đức cho thấy GDP của nền kinh tế Đức có thể sẽ giảm tới 6,8% trong năm 2020 trước các tác động của đại dịch Covid-19, mức giảm lớn nhất kể từ khi Cộng hoà Liên bang Đức được thành lập. ifW ước tính thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất khối sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), sẽ lên tới 390 tỷ EUR vào năm 2020 và 2021.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo Đức đang rơi vào cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc với mức giảm GDP sẽ dao động từ 6,3% - 7% trong năm nay và vẫn chưa chắc liệu dịch Covid-19 sẽ bùng phát lần hai hay không. ifW cho biết mặc dù nền kinh tế Đức đã chạm đáy vào tháng 4/2020 và việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch kể từ tháng 5/2020 đã giúp khôi phục một số hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, ifW cảnh báo sẽ cần một khoảng thời gian tương đối để nền kinh tế Đức phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh các đối tác kinh tế lớn của Đức cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Thứ Ba – 23/6

Tổng thống Donald Trump
 Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi tháng 4/2020 (Ảnh: WSLS10)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ hoãn các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các quan chức Trung Quốc xoay quanh vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc nhằm giải toả căng thẳng xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.

Hồi tháng 1/2020, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận thương mại giai đoạn 1 sau hơn 1 năm xảy ra chiến tranh thương mại. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua vào thêm ít nhất 200 tỷ USD giá trị hàng hoá và dịch vụ từ Hoa Kỳ trong hai năm 2020 và 2021, so với mức năm 2017. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang xuống thấp nhất hơn bao giờ hết trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tăng cao trước hàng loạt vấn đề từ hoạt động thương mại, thị trường tài chính, cách xử lý dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề chính trị.

Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 đã tạm thời làm dịu đi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới những thoả thuận này vẫn chưa giải quyết triệt để các căn nguyên xung đột giữa hai nước. Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện vẫn cần thực hiện tiếp các cuộc đàm phán thương mại nhằm thực sự giải quyết các xung đột thương mại – kinh tế giữa hai bên.

Thứ Tư – 24/6

Xuất khẩu xe ô tô Hàn Quốc
Ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô Hàn Quốc đang đối mặt nhiều thách thức khi nhu cầu trên toàn cầu suy giảm vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: WSJ)

Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc An Il-whan đã thúc giục Quốc hội nước này cần nhanh chóng phê chuẩn đợt bổ sung ngân sách lần 3 để giúp nền kinh tế Hàn Quốc vượt qua các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra. Hồi đầu tháng 6/2020, Chính phủ Hàn Quốc đã đề trình việc bổ sung thêm 35.300 tỷ Won (29 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này, ngăn chặn sự sa thải lao động diện rộng và cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho người lao động ứng phó với các tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, Quốc hội Hàn Quốc vẫn chưa thông qua đề xuất trên với nhiều ý kiến bất đồng.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết GDP quý 1/2020 của nước này đã giảm 1,3% so với quý 4/2019; đây là mức sụt giảm GDP theo quý mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Các chuyên gia kinh tế nhận định các quốc gia vốn phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều như Hàn Quốc sẽ là những nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng nhất từ đại dịch Covid-19.

Dữ liệu của cơ quan hải quan Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này trong 20 ngày đầu tháng 6/2020 đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường quan trọng nhất của nước này, gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc đều giảm mạnh.

Thứ Năm – 25/6

Tổng giám đốc IMF
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo đại dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hàng chục năm trở lại đây (Ảnh: AFP)

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ ở mức -4,9%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo -3% được đưa ra hồi tháng 4/2020. IMF cũng cho biết các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra đến nền kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 ở mức nghiêm trọng hơn và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn so với những dự báo ban đầu.

Tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2021 cũng được IMF hạ xuống mức 5,4% so với mức tăng 5,8% được dự báo trước đây. IMF cũng cảnh báo các dự báo của tổ chức này đưa ra trong bối cảnh có rất nhiều điều bất ổn và các hoạt động kinh tế sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian kéo dài của đại dịch Covid-19, các biện pháp cách ly xã hội, thay đổi trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ ở mức -8% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức dự báo -5,9% đưa ra hồi tháng 4/2020. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của khối các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) xuống mức -10,2% trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo đạt 1% trong năm nay.

Thứ Sáu – 26/6

Nền kinh tế Trung Quốc
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng tái khởi động trở lại sau dịch Covid-19 nhưng phục hồi kinh tế diễn ra chậm với nhiều thách thức (Ảnh: Covid-19 HUB)

Dù là một trong những nước kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tái khởi động nền kinh tế sớm nhất nhưng các dữ liệu mới cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phục hồi chậm với các thách thức suy giảm nhu cầu đối với hàng hoá – dịch vụ từ thị trường nước ngoài. Điều này trái ngược với một số kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi theo mô hình chữ V sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Khảo sát của ngân hàng đầu tư Standard Chartered đối với các doanh nghiệp nhỏ có tham gia hoạt động xuất khẩu cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn nhận được các đơn hàng xuất khẩu nhưng tốc độ tăng trưởng đơn hàng ở mức tương đối thấp. Chỉ số đo lường đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ tại đây đạt 49,8 điểm so với mức 47,4 điểm hồi tháng 4/2020. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn đang bị thu hẹp.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đối mặt với tình trạng giảm giá sản phẩm, tình trạng giảm phát kéo dài có thể bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp. Động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện phụ thuộc vào nhu cầu trên thị trường nội địa.

Quang Đặng