Tìm kế gỡ khó cho DN xuất khẩu gỗ

(Chinhphu.vn) - Xuất khẩu gỗ giảm trên 6% trong quý I/2015 so với cùng kỳ năm trước với 2 lý do chính: tỷ giá thay đổi và việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), những năm trước tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ tương đối mạnh, trung bình 20%/năm. Nhưng riêng quý I/2015, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ giảm trên 6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ ngoài trời sang thị trường châu Âu chứng kiến mức sụt giảm ở hầu hết ở các thị trường châu Âu, trong đó, có những thị trường giảm hơn 30% như Hà Lan.

Theo đánh giá của các DN thành viên Vifores, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ ngoài trời của châu Âu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng Euro lại liên tục giảm khiến việc xuất khẩu sang thị trường này thêm khó khăn.

Xuất khẩu gỗ dăm mảnh sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng liên tục giảm trong 3 tháng đầu năm do các DN nhập khẩu liên tục giảm giá từ mức 138 USD/tấn xuống chỉ còn 120 USD/tấn.

Bên cạnh đó, nhiều DN xuất khẩu gỗ gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp đối với những sản phẩm xuất khẩu nhất là đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Năm 2014, ngành gỗ đã sử dụng 2 triệu m3 gỗ cao su và 1 triệu m3 gỗ phân tán, gỗ vườn có nguồn gốc trong nước. Tuy nhiên, cái khó của DN là chứng minh được đây là gỗ hợp pháp để xuất khẩu. Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT cần có thông tư hướng dẫn việc chứng nhận tính hợp pháp của loại gỗ này, ông Quyền nói.

Từ kiến nghị của Vifores, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp nhanh chóng hoàn thiện dự thảo, chậm nhất là đến ngày 30/6/2015 phải trình Bộ ban hành thông tư chứng minh tính hợp pháp của gỗ cao su và gỗ vườn ở Việt Nam.