Tìm khoảng trống cho cơ khí Việt Nam trong chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu

Đứng trước dư địa lớn nhưng tần suất cạnh tranh cũng không nhỏ, cơ khí Việt Nam cần dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất trong nước để tìm ra các khoảng trống phù hợp trong chuỗi giá trị, nắm bắt cơ hội phát triển về chất và lượng.

Sáng 24/9/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo và chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, với sự tham dự của 350 đại biểu gồm lãnh đạo và đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị phối hợp, các doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước, các học giả đến từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam
Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam

Công nghiệp cơ khí đóng vai trò nền tảng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành cơ khí là ngành có lịch sử lâu đời, tạo ra bước nhảy vọt về công cụ lao động góp phần vào việc chuyển từ lao động cơ bắp sang lao động bằng máy móc, tăng năng suất lao động cho các ngành kinh tế, qua đó tạo điều kiện để tiết kiệm chi phí sản xuất, thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng khối lượng sản phẩm, hàng hóa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam

Công nghiệp cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, giảm lệ thuộc vào công nghệ và sản phẩm nhập khẩu, góp phần cân bằng cán cân thương mại quốc tế, nâng cao hàm lượng giá trị nội địa cho các ngành kinh tế.

Ngành cơ khí cung cấp máy móc, thiết bị cho mọi lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng, với khoảng 1/3 sản lượng cơ khí là sản phẩm trung gian được phân phối cho các ngành kinh tế khác.

Ngoài ra, việc phát triển ngành cơ khí tạo ra sự tự chủ trong các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh, trong đó quan trọng nhất là chế tạo vũ khí, phương tiện cơ giới, vận tải phục vụ nhu cầu của các lực lượng vũ trang, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cơ khí là ngành nền tảng và có sức lan tỏa rộng rãi trong cơ cấu kinh tế, những kết quả đạt được của ngành cơ khí có tác động tích cực đến tăng trưởng của các ngành kỹ thuật cao như vật liệu mới, công nghệ điều khiển... và các ngành kinh tế khác, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam
Thời gian qua, Chính Phủ đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước

Xác định cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày26/12/2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020. Ngày 17 tháng 10 năm 2003, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 25/KL-TW về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó nhất trí với các nội dung tại Chiến lược phát triển ngành cơ khí của Chính phủ tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg.

Triển khai Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2003/QĐ-TTg 09 tháng 6 năm 2003 thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư năm 2005 cũng xác định cơ khí chế tạo là một trong những lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Nhằm hướng dẫn chi tiết các chính sách, chiến lược cho ngành cơ khí chế tạo, ngày 16 tháng 01 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2015.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thời gian qua Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thời gian qua Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định.

Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, và ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam...). Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực, sản phẩm cơ khí chất lượng tốt, sức cạnh tranh ngang tầm quốc tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2017, số lượng doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh là khoảng 25.014 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo.

Doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh cơ khí là 1.465.008 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1.123.545 lao động, chiếm gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo.

Nhìn nhận hạn chế từ nội tại và khách quan để khắc phục

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành nhà thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án đầu tư lớn được triển khai nhiều trong giai đoạn vừa qua (ngành nhiệt điện, thép, hóa chất, hạ tầng giao thông...).

Sản phẩm cơ khí Việt Nam chỉ có rất ít thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí, trong khi chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành.

Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ. Các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn, thiếu máy móc chuyên dụng phục vụ chuyên môn hóa sản xuất. Hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tạo ra trong ngành cơ khí rất hạn chế.

Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.

Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam
Các đại biểu tại Hội nghị nhận định, nền cơ khí Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục

Các doanh nghiệp cơ khí có thiết bị gia công điều khiển số chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 15% và những thiết bị này chưa phát huy hết tác dụng do tính đồng bộ trong dây chuyền sản xuất chưa cao, vì vậy phần lớn các doanh nghiệp cơ khí chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Năng lực nghiên cứu, thiết kế của các doanh nghiệp cơ khí trong nước còn hạn chế, có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký trong ngành cơ khí. Trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung chậm đổi mới.

Đánh giá cơ chế chính sách trong nước còn thiếu hấp dẫn, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành cơ khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để cơ khí Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, Chính phủ, địa phương trong hoàn thiện chính sách để tạo môi trường thuận lợi nhất, huy động các nguồn lực phát triển ngành cơ khí.

“Cần tập trung vào nhu cầu thị trường và khả năng cung cấp của nền sản xuất, lấy thị trường toàn cầu làm mục tiêu để xây dựng kế hoạch phát triển, song song với việc coi trọng thị trường nội địa, qua đó tìm khoảng trống cho cơ khí Việt Nam trong chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Mục tiêu ngành cơ khí Việt Nam:

Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.

Về xuất khẩu: Giai đoạn đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%. Đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Thy Thảo - Ảnh: Phạm Sơn