TÓM TẮT:

Kinh tế được xem là một trong những lĩnh vực nhạy cảm trước tác động từ những biến cố bên ngoài - như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… SARS-CoV-2 là đại dịch đang diễn ra khắp các quốc gia trên toàn thế giới, điều này chẳng những làm thiệt hại về nhân mạng, mà còn làm cho nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ - công ăn việc làm giảm sút nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập của người lao động sụt giảm. Vấn đề quan trọng đặt ra cho lãnh đạo các nước lúc này là phải nhanh chóng ngăn chặn và dập tắt dịch bệnh, đồng thời đề ra các giải pháp vĩ mô, vi mô để phục hồi nền kinh tế khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Từ khóa: Covid-19, hậu quả Covid, giải pháp kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch SARS-CoV-2 - còn gọi là đại dịch Covid-19, là một thảm họa của nhân loại. Nó chẳng những gây tổn thất lớn về nhân mạng mà còn làm cho nền kinh tế - xã hội bị đình trệ, đời sống người dân ngày càng thêm khó khăn.

Tình hình này, Chính phủ các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực dập dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị các phương án kích thích, phục hồi kinh tế khi đại dịch qua đi. Vì vậy, tác giả đã lựa chọn và nghiên cứu đề tài “Tính cấp bách của các giải pháp kinh tế hậu Covid-19 tại Việt Nam do ảnh hưởng đại dịch SARS Cov-2” là hết sức thiết thực. Bài viết dựa vào số liệu thống kê về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như sử dụng các phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích đánh giá để thực hiện.

2. Tình hình kinh tế thế giới do ảnh hưởng đại dịch SARS-CoV-2

2.1. Trên thế giới

Nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Theo City Research (công bố 7/4/2020), kinh tế thế giới sẽ suy thoái tăng trưởng -2,3% năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2019, suy thoái hơn mức -1,7% năm 2009). Trong đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 2,4% (so với mức tăng 6,1% năm 2019), của Hoa Kỳ -2,6% (so với mức tăng 2,3% năm 2019), của Nhật Bản -1,9% (so với mức tăng 0,7% năm 2019), còn khu vực đồng tiền chung châu Âu thậm chí suy thoái -8,4% (so với mức tăng 1,2% năm 2019).     

Về tình hình lạm phát, tổng cầu, giá dầu và năng lượng giảm mạnh, nên dù nhiều nước tuy đã kích thích kinh tế, giá thực phẩm và dịch vụ y tế tăng, nhưng lạm phát toàn cầu vẫn còn ở mức khá thấp, khoảng 2,2% (so với mức 2,5% năm 2019). Dự báo tăng trưởng này sẽ còn thay đổi tùy thuộc vào 3 yếu tố: Thứ nhất là, khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia; Thứ hai là, hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế; Thứ ba là, hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19.

Về tình trạng thất nghiệp, theo tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo, gần 25 triệu người buộc phải nghỉ việc nếu dịch bệnh Covid-19 không được kiểm soát. Cắt giảm việc làm đã xảy ra khắp các quốc gia từ châu Á đến châu Âu và nặng nề nhất là Hoa Kỳ. Điều này cho thấy, đây là cuộc suy thoái thời bình sâu nhất kể từ những năm 1930, khi các nền kinh tế thế giới bị đóng băng để chiến đấu với đại dịch.

2.2. Tại Việt Nam

Cùng với Chính phủ các nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, như: cách ly xã hội, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại giữa các địa phương, không tập trung đông người, thu hẹp sản xuất của những ngành không thiết yếu, … Các biện pháp này đã ảnh hưởng đến một số lĩnh vực và tác động đến nhiều ngành sản xuất.

Có thể kể đến, với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp. Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các ngành sản xuất với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các ngành xây dựng bị giảm sút do bất động sản gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ du lịch bị đóng băng. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm cũng bị tác động gián tiếp. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị tác động nặng nề do khách hàng ngưng giao dịch. Lĩnh vực dịch vụ y tế bị tác động hai chiều, nhưng tác động tiêu cực nhiều hơn. Giáo dục đào tạo cũng là lĩnh vực bị tác động lớn từ đại dịch này, vì tất cả các trường đóng cửa, ngừng hoạt động.

Hậu quả của những tác động trên làm cho nền kinh tế bị đình trệ, thu nhập của doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người dân khó khăn hơn, tiêu dùng của xã hội bị sụt giảm. Bên cạnh đó, đầu tư của các doanh nghiệp cũng bị tác động đáng kể khi phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc dừng hoạt động, một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Về tình hình xuất nhập khẩu, do dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam - như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I/2020 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 đạt 6,79% so với cùng kỳ năm trước) (Hình 1)

Hình 1: Đồ thị tăng trưởng GDP quý I từ năm 2010-2020       Hình 1: Đồ thị tăng trưởng GDP quý I từ năm 2010-2020

 (Nguồn: Tổng cục Thống kê )

3. Các giải pháp kinh tế tại Việt Nam

3.1. Cấp độ vĩ mô

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là duy trì sự thành công và có hiệu quả trong công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần chú trọng đến việc phục hồi các hoạt động về kinh tế - xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, lãnh đạo chính phủ sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đây là thời điểm chuyển sang giai đoạn mới - sống chung an toàn với Covid-19, nhưng tuyệt đối không chủ quan.

* Về các giải pháp kinh tế ngắn hạn.

Mục tiêu đặt ra là cần khắc phục khó khăn của các lĩnh vực, các ngành sản xuất kinh doanh, đồng thời vẫn đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống dịch Covid-19 nhằm chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tạo đà phát triển trong thời gian tới. “Phải biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng và chúng ta hiểu rằng như một cái lò xo bị nén, cần chuẩn bị tốt để bật ra mạnh mẽ trong thời gian tới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2020, ngày 3/3/2020. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành một số gói hỗ trợ có hiệu lực ngay như:

 - Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng: Các tổ chức tín dụng sẽ tiết giảm chi phí để dành 250.000 tỷ đồng cho khách hàng vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5% - 1,5% /năm. Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được xem xét cho vay mới nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 - Gói hỗ trợ tài chính được Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ tăng lên 180.000 tỷ đồng với nội dung là: gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

 - Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng: Là biện pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dich Covid-19. Theo đó, khoảng 20 triệu người - bao gồm 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội với kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng.

* Về dài hạn

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), có 3 kịch bản kinh tế có thể xảy ra đối với kinh tế Việt Nam năm 2020.

- Kịch bản 1: Dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.

- Kịch bản 2: Dịch Covid-19 trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 3/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 3/2020.

- Kịch bản 3: Dịch Covid-19 trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý 4/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý 4/2020.

Cho dù là kịch bản nào đi chăng nữa, trong thời kỳ hậu Covid-19, ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành có quan hệ thương mại với nước ngoài - như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và kéo dài. Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ứng phó khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch. Nói chung, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các ngành trở lại hoạt động bình thường như thời kỳ trước khi có dịch. Đứng ở góc độ vĩ mô, Chính phủ có thể sử dụng các công cụ kinh tế - như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách ngoại thương - để khôi phục dần nền kinh tế theo tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Trong trường hợp trong nước và thế giới khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ và các cấp, các ngành đẩy nhanh các biện pháp phục hồi kinh tế, tạo đà tăng trưởng kinh tế cao. Ngoài ra, thông qua thực tiễn, Chính phủ cũng cần từng bước xây dựng những vùng đệm chính sách kinh tế vĩ mô - như vùng đệm nguồn vốn, vùng đệm tài khóa - để phòng chống những cú sốc kinh tế giống như đại dịch Covid-19. Không những vậy, cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc.

3.2. Cấp độ vi mô

Ngoài các giải pháp của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp, các ngành cũng cần có tâm thế chủ động khắc phục khó khăn, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Một số giải pháp cụ thể của các doanh nghiệp:

- Những doanh nghiệp và tập đoàn lớn không thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 nên tận dụng thời gian này để cải thiện bộ máy, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, chờ thị trường khởi sắc trở lại.

- Đối với các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp của dịch bệnh phải cắt giảm chi phí, đặc biệt là chi phí tiền lương của nhân viên. Có nhiều phương án được sử dụng như: cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên, cho nhân viên nghỉ xoay ca, làm việc tại nhà và trao đổi qua online, chỉ bất đắc dĩ mới cho nghỉ hẳn một số bộ phận.

- Tìm hướng đi mới, sản phẩm mới. Các doanh nghiệp cần uyển chuyển thay đổi mô hình kinh doanh để phục vụ nhu cầu phát sinh trong mùa dịch hoặc tận dụng thời gian này để xây dựng hình ảnh thương hiệu.

- Triển khai các dự án, công việc quan trọng nhưng chưa được thực hiện. Nhiều doanh nghiệp tận dụng thời gian này để xúc tiến những công việc còn tồn đọng hay chưa triển khai vì thiếu thời gian và nguồn lực.

4. Kết luận

Dịch bệnh nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng là một trong những thảm họa đối với loài người. Nó gây tổn thất về nhân mạng, thiệt hại về kinh tế, bất ổn về xã hội, khiến cuộc sống bị đảo lộn,… Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan cũng như khống chế dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ các nước cũng không quên nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, Chính phủ các nước sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội, đồng thời ban hành các giải pháp kinh tế nhằm giảm thiểu những thiệt hại, tháo gỡ những khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.

Song, việc nghiên cứu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội và các giải pháp kinh tế của Chính phủ hậu Covid-19 là một vấn đề lớn mang tính cấp bách, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn cho từng vấn đề cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2020, 10/3/2020.
  2. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, 9/4/2020.
  3. Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, 9/4/2020..
  4. Lê Hiệp (2020), Toàn cảnh 3 giai đoạn dịch Covid-19 tại Việt Nam, https://thanhnien.vn/thoi-su/toan-canh-3-giai-doan-dich-covid-19-tai-viet-nam-1207707.html, 8/4/2020.
  5. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (2020),. Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành kinh tế nào của Việt Nam? http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/15243-dai-dich-covid-19-tac-dong-manh-den-nganh-kinh-te-nao-cua-viet-nam, 13/4/2020.
  6. Gia Thành (2020), Ba kịch bản kinh tế Việt Nam 2020 hậu Covid-19. https://baoquocte.vn/ba-kich-ban-kinh-te-viet-nam-2020-hau-covid-19-113564.html,13/4/2020.

THE URGENCY OF SOLUTIONS FOR VIETNAM’S ECONOMY AFTER THE COVID-19 PANDEMIC

Master. Tran Thi Bich Dung

Van Lang University

Master. Tran Ba Tho 

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The economy is sensitively affected by external events such as wars, natural disasters and pandemics. The ongoing Covid-19 pandemic which is spreading in many countries in the world not only has claimed many lives but has greatly hindered the economic growth of many countries. Due to the Covid-19 pandemic, the unemployment situation has worsened while the income of labourers has fallen. The urgent issue for the leaders of countries is to quickly tackle the Covid-19 pandemic as well as recover the economy with macro and micro economic solutions.

Keywords: Covid-19, impacts of the Covid-19 pandemic, economic solutions.