TÓM TẮT:                                                                            

Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc. Trong 15 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nói chung, cơ chế chính sách thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói riêng để đạt được những kết quả quan trọng trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển con người, xóa đói, giảm nghèo. Bài viết phân tích những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản; phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp xây dựng; phát triển thương mại - du lịch dịch vụ sinh thái và phát triển kinh tế cửa khẩu. Những lợi thế đó cơ bản đã đưa Lai Châu thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Từ khóa: Lai Châu, tiềm năng, lợi thế, chính sách phát triển, kinh tế - xã hội.

1. Tiềm năng về nông - lâm nghiệp

Lai Châu có diện tích lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng nông - lâm nghiệp như: trồng rừng, cây lương thực, rau hoa màu và đặc biệt rất thuận lợi để phát triển một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: cao su, chè, thảo quả và các cây ăn quả ôn đới... Nhận rõ tiềm năng đó, Tỉnh đã có chủ trương và ban hành những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp đối với các nhà đầu tư trong việc phát triển vùng chè, cao su và thảo quả tập trung với quy mô lớn. Bên cạnh đó, Lai Châu vẫn còn nhiều diện tích đất trống chưa sử dụng có thể trồng, phát triển cây chè và nhiều loại cây trồng khác. Tỉnh cũng đã có chủ trương và ban hành chính sách phát triển diện tích cây chè đến năm 2015 với phương châm “phát triển tập trung không dàn trải, chú trọng trồng và chế biến chè chất lượng cao”.

Nhờ có chính sách phát triển phù hợp, nhiều công ty sản xuất chè đã chú trọng đầu tư công nghệ để sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, phục vụ hu cầu trong nước và xuất. Cùng với cây chè, chương trình phát triển cây cao su cũng đang trở thành hướng đi đột phá trong phát triển nông - lâm nghiệp của Tỉnh. Đặc biệt, Lai Châu đã quy hoạch được nhiều diện tích rừng kém hiệu quả để trồng cao su. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tỉnh phát triển các vùng cao su đại điền. Bên cạnh đó,thảo quả cũng được coi là cây trồng có nhiều triển vọng để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Cùng với diện tích đất trồng cây công nghiệp, tỉnh Lai Châu còn có tiềm năng lớn để phát triển cây lương thực theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiềm năng về đất đai cùng điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Lai Châu rất phù hợp để gieo trồng các giống lúa chất lượng cao và phát triển thành vùng thâm canh cây lương thực theo mô hình cánh đồng lớn, như: Mường Thanh, Bình Lư, Mường So,… Nhờ vậy, từ chỗ là tỉnh sản xuất lương thực mang tính tự cung tự cấp, đến nay, Lai Châu đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Ngoài ra, Lai Châu còn có nguồn tài nguyên rừng rất đa dạng và phong phú. Do có chính sách thu hút, ưu đãi hợp lý, đến nay, Lai Châu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia trồng và phát triển rừng kinh tế, rừng nguyên liệu phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Với hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc, Lai Châu có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản rộng hơn 740 ha và hơn 16.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, rất thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, thủy cầm. Đồng thời, Tỉnh cũng có nhiều nguồn nước sạch và lạnh có thể nuôi trồng thủy sản nước lạnh có giá trị kinh tế cao, như: cá hồi, cá tầm, tôm càng xanh,... tập trung chủ yếu ở các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Hiện nay, Lai Châu đã có chủ trương nuôi thử nghiệm cá tầm lấy trứng ở địa bàn huyện Tân Uyên. Những chính sách phát triển hợp lí đã góp phần đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Tỉnh ngày càng tăng cao, sản lượng thủy sản năm sau cao hơn năm trước.

2. Tiềm năng phát triển công nghiệp

Lai Châu có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Trên địa bàn toàn Tỉnh có hơn 120 điểm khoáng sản, với nhiều chủng loại khác nhau, như đất hiếm ở Nậm xe (huyện Phong Thổ), Đông Pao (huyện Tam Đường),... với trữ lượng khảo sát ban đầu khoảng 14 triệu tấn và nhiều điểm quặng kim loại màu, như: đồng, chì, kẽm, vàng,... ở khu vực các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên,… Ngoài ra, Lai Châu còn có 3 điểm mỏ đá lợp nhưng mới có điểm mỏ ở Hát Xum (Sìn Hồ) được đầu tư thăm dò và khai thác. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu còn có nhiều mỏ đá vôi, nhiều mỏ có hàm lượng canxi lớn, có thể khai thác để phát triển công nghiệp sản xuất xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng với đó, Lai Châu còn có mật độ sông suối lớn, từ 5,5 - 6 km/km2, trong đó có một số sông lớn có độ dốc cao, dòng chảy siết là một nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện vừa và nhỏ như: sông Đà, sông Nậm Mu, Nậm Na… .

3. Tiềm năng du lịch - dịch vụ - thương mại

Xây dựng dự án bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ và tham gia đầu tư của các cá nhân, tổ chức vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích, đồng thời xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh là mục tiêu mà Lai Châu tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả các danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch trong những năm tới.

Lai Châulà nơi sinh sống của hơn 20 dân tộc hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất với những phong tục tập quán độc đáo của người Thái, người Mảng, người Dao, người Lào, người Lự… là những tài sản tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Xác định được thế mạnh của tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc là du lịch cộng đồng nên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc để phát triển du lịch bền vững.

Lai Châu nằm giữa 2 điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ 4D, QL32 và QL12 nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc), có hệ thống đường thủy sông Đà và các hồ lớn tại các công trình thủy điện, như: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát. Lai Châu có nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng như: động Tiên Sơn và thác Tác Tình (Tam Đường), động Pusamcap (Thành phố Lai Châu), núi Đá Ô tại Sìn Hồ, các khu rừng trên sườn núi Hoàng Liên Sơn, cùng với đó là nhiều địa danh gắn liền với lịch sử, như: bản Lướt (ở Mường Kim), miếu Nàng Han, dinh thự Đèo Văn Long, bia Lê Lợi,... Ngoài ra, Lai Châu còn có những nét độc đáo của các phiên chợ vùng cao, như: San Thàng (Thành phố Lai Châu), Dào San và Mường So (Phong Thổ), cao nguyên Sìn Hồ (có độ cao trên 1.500m) có khí hậu mát mẻ. Đây là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, là điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể tận dụng khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm,.... Đặc biệt, khi công trình Thủy điện Lai Châu với công suất 1.200 MW đi vào hoạt động, tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn cùng với Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và là điểm du lịch sinh thái vùng lòng hồ hấp dẫn đối với du khách.  

4. Chủ trương, chính sách phát triển

Để phát huy những tiềm năng và lợi thế của địa phương, Lai Châu đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư như: Quyết định số 02/2004/QĐ-UBND ngày 10/3/2004 về việc Ban hành Quy chế quản lý và chính sách ưu đãi đối với Khu KTCK Ma Lù Thàng; Quyết định số 12/2008 của UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn Tỉnh; Quyết định số 8/2013/QĐ-UBND ngày 3/6/2013 của UBND Tỉnh về việc Ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định 1003/QĐ-UBND ngày 3/8/2010 và Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Các chính sách hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp tham gia trồng rừng; Quyết định số  23/2008 ban hành quy định tạm thời chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số 75/2006 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 441 của UBND Tỉnh về việc ban hành tạm thời chính sách hỗ trợ đầu tư và cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên địa bàn,….

Ngoài các chính sách, chế độ ưu đãi được hưởng theo pháp luật, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào Lai Châu còn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, bảo lãnh tín dụng,... Để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin và có lựa chọn đầu tư phù hợp, Tỉnh đã thành lập các trung tâm như: Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịchthực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án đầu tư.

Với nguồn tài nguyên phong phú và cơ chế, chính sách hợp lý,  Lai Châu đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Sau 15 năm chia tách và thành lập, Lai Châu đã thu hút được hơn 160 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng kí đạt gần 83.000 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản với tổng số vốn đăng kí gần 4.500 tỷ đồng. Về phát triển doanh nghiệp, tính đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn Tỉnh là 957 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 9.500 tỷ đồng và 253 hợp tác xã đang hoạt động. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang sản xuất có hiệu quả, đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước, điển hình như Công ty Cổ phần Trà Than Uyên.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, Trung ương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai châu đã không ngừng đoàn kết, nỗ lực vượt khó đi lên, khai thác nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương, trong đó tập trung vào các mục tiêu, lĩnh vực quan trọng, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút, khuyến khích đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao trình độ, năng lực nguồn nhân lực, các mục tiêu về đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo. Từ năm 2004 đến nay, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 93 chính sách về phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện. Đồng thời, cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, XII, XIII, các Nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, chỉ thị, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể: Ban hành 25 nghị quyết, 108 chỉ thị, 80 kế hoạch, 16 đề án, 40 chương trình hành động, 2 kết luận. Trong đó, trọng tâm là Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2015 và trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020".

Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả các chính sách như: Chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã hỗ trợ 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ là 14.004 triệu đồng. Tỉnh đã thu hút được 199 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 110.717 tỷ đồng, trong đó: Lĩnh vực nông - lâm nghiệp: 23 dự án với tổng vốn đăng ký 4.061 tỷ đồng; Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: 123 dự án, tổng vốn đầu tư 104.267 tỷ đồng; Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch: 53 dự án với tổng vốn 2.389 tỷ đồng. Đăng ký thành lập cho 1.404 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là 27.035 tỷ đồng và 317 hợp tác xã; tạo việc làm cho 18,8 nghìn người.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giá trị xuất khẩu hàng địa phương, tỷ lệ che phủ rừng... kinh tế Lai Châu phát triển chưa bền vững, quy mô nhỏ, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Văn hóa - xã hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống vật chất, tinh thần một bộ phận Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng có mặt còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số nơi, trình độ năng lực một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. (Trích Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020).

Thời gian tới,. Kinh tế trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, việc chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại… là cơ hội cho cả nước nói chung, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (TD&MNBB) và tỉnh Lai Châu nói riêng có điều kiện mở rộng thị trường, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, tham gia vào "chuỗi hàng hóaá" trên thị trường thế giới, tạo thế và lực mới cho Tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi, vùng TD&MNBB, nhất là các tỉnh Tây Bắc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội còn lớn, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn khó khăn; vấn đề biến đổi khí hậu hết sức phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,…

Với mục tiêu tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đi đôi với từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập, phát triển toàn diện, bền vững các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, Lai Châuphấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực TD&MNBB, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh TD&MNBB.

5. Kết luận

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, đặc biệt là lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, thủy điện cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, đội ngũ cán bộ, Đảng viên luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để Lai Châu  phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Cùng với hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp, tỉnh cũng như chính quyền các cấp, các ngành sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, đưa Lai Châu trở thành điểm đến lí tưởng, hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Xuân Cừ, Đỗ Nhất Hoàng (2015), Khuyến khích đầu tư vào Tây Bắc, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Sơn La.
  1. Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu, Nghị quyết về việc ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Nghị quyết số 91/2007/NQ-HĐND, ngày 20/7/2007.
  1. Tỉnh ủy Lai Châu, Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
  1. Tỉnh ủy Lai Châu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020
  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2014), Lai Châu - Tiềm năng và cơ hội đầu tư, xuất bản tháng 4/2014 tại Lai Châu.
  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2008), Quyết định về việc ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 6/5/2008.
  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2008), Quy định chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ngày 06/5/2008.
  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2013), Quyết định ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Quyết định số 08/2013/ QĐ-UBND ngày 3/6/2013.
  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (2013), Quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, (Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2013/ QĐ-UBND ngày 3/6/2013 của UBND tỉnh Lai Châu).

 

15 YEARS OF DEVELOPING LAI CHAU PROVINCE:

POTENTIAL AND ADVANTAGES

Ph.D TA VAN NAM

Ho Chi Minh National Academy of Politics

 

ABSTRACT:

Lai Chau province is a mountainous province in North Vietnam. After 15 years of re-establishing the province, the Provincial Party Committee, the People's Council and the People's Committee of Lai Chau province have had many guidelines, general development mechanisms and policies to effectively attract and use development capital sources for the province’s socio-economic development and gained achivements in the development of socio-economic infrastructure systems, human development, hunger eradication and poverty reduction. This paper analyzes the potential and strengths of Lai Chau province in agricultural, forestry, fishery, mining and construction fields, and also the provincial ecotourism industry and border gate economic development.

Keywords: Lai Chau province, potential, advantage, development policy, socio-economic development.