Tình người Si Ma Cai

Qua thị xã Lào Cai cách Hà Nội 350 km, từ lối rẽ đi Bắc Hà phải thêm hơn 80 cây số mới đến huyện Si Ma Cai xa xôi nằm ở độ cao trung bình hơn 1.500 mét. Con đường uốn lượn quanh co lên cao xuống thấp,

Si Ma Cai đầu tháng 10 đã trở lạnh. Sáng có sương mù khá dày,  trưa trời nắng, còn từ chiều đã lạnh. Gần trưa mới đến Đồn Biên phòng Si Ma Cai, chúng tôi được các chiến sĩ mời cơm. “Mâm cỗ lính” giữa miền núi heo hút  mà không thiếu thứ gì, có đủ cả rau tươi, thịt, cá - anh em cho biết, họ tự trồng rau, nuôi lợn và gia cầm. Các anh kể về nhiệm vụ quản lý 3 xã biên giới là Si Ma Cai, Nàn Sán và Sán Chải – những địa danh đậm chất H’mông, mà ngay cái tên đã đủ gợi lên những khó khăn của 30 thôn bản gồm 8.948 nhân khẩu, chủ yếu là người H’mông làm nương rẫy. Anh Hà, Chỉ huy phó đồn Si Ma Cai nói: “Nhiều khi đến nhà bà con mà không cầm lòng nổi, trong nhà chẳng có gì ngoài mấy cái nồi cũ kỹ và mấy bao ngô, gần đây có thêm chiếc radio Chính phủ cấp cho. Bà con khổ lắm, giường ngủ thường chỉ là tre nứa đập giập xếp vào thành giường, nhưng có gì cũng đòi cho biên phòng (BP). Bộ đội BP tới là dân cứ đòi thịt gà để mời, dù có khi cả năm chẳng dám ăn. Anh em bọn tôi cũng chẳng có gì cho họ nhiều, chỉ là nhường cơm sẻ áo, nhưng cố làm sao hướng dẫn bà con tự làm ăn, tự lo được cuộc sống ổn định lâu dài”. Các chiến sĩ BP đã chia thành các tổ công tác giúp dân xoá mù chữ, phổ biến kiến thức, dạy dân cách cải thiện vệ sinh ăn ở trong thôn bản. Công tác dài ngày là thường xuyên. Anh Trần Bá Tiên kể rằng, tổ 5 người của anh đã căng võng ngủ ngay bên đường biên giữa trời mưa. Nghe nơi nào có vụ việc gì xảy ra là các anh đến ngay, như vụ hoả hoạn ở Phố Cũ (Si Ma Cai) dịp Tết 2002, các chiến sĩ BP đã đến giúp dân chữa cháy, khắc phục hậu quả và còn quyên góp 500 nghìn đồng giúp dân. Năm 2002, đồn BP đã quyên góp 3 tạ gạo cho dân thôn Lùi Dì Sán, xã Sán Chải chống đói, tặng quần áo cho dân nhiều thôn bản. Thiếu uý Nguyễn Trọng Tuệ kể : “Xuống bản, thấy người dân làm gì là chúng tôi lập tức làm cùng, vừa làm vừa nhẹ nhàng vận động, phổ biến kiến thức cho người dân để rồi họ nghe ra mà tự động làm”. Bám trụ lại nơi sơn cước này, trong số 60 cán bộ, chiến sĩ đã có 18 người lập gia đình với các cô giáo bản. Chúng tôi đến thăm nhà cô giáo Tiên, giáo viên Trường Tiểu học Si Ma Cai thì bắt gặp một cảnh tượng thật đáng yêu. Cô đang soạn bài giảng, hai cô bé song sinh mới hơn 6 tháng tuổi đang nằm chơi với nhau, thấy chúng tôi hỏi chuyện, chúng đã biết hóng hớt và cười toe toét. Bố Đông của chúng là chiến sĩ trinh sát đồn BP Si Ma Cai đang đi làm nhiệm vụ. Cô giáo Tiên cho biết cô 6 giờ sáng đã dậy đi gõ cửa từng nhà để gọi các em học sinh đi học. Nơi vùng cao, những cô giáo xoá mù chữ cho học sinh lớn tuổi hơn mình, thương yêu trò rồi lập gia đình với học trò không phải là hiếm. Không thiếu những chị vợ cán bộ chiến sĩ BP đã chuyển hoặc bỏ công tác ở miền xuôi, lên đây đoàn tụ với chồng. Si Ma Cai đã trở thành quê hương thứ hai của họ.

Phó Chủ tịch Huyện, Đỗ Minh Lương khoảng 40 tuổi, dáng cao, gầy, tất bật dẫn chúng tôi đi thăm hạ tầng cơ sở của huyện. Tất cả đang bắt đầu xây dựng, khó khăn bộn bề, nhưng người dân đều tin tưởng rằng, tương lai của họ sẽ tốt đẹp hơn. Anh Lương kể : “Bà con đều tự làm đường để đi lại, Nhà nước chỉ hỗ trợ về kinh phí. Họ không nề hà hiến đất, hiến cả ruộng nương làm đường vì lợi ích chung”. Hỏi anh có cách gì để khuyên bà con “sẵn sàng” như thế, anh kể: “Chúng tôi giải thích cho bà con hiểu, làm đường là để có đường đi đến nhiều nơi và nơi khác đến được với mình, để có người đến mua ngô của bà con làm ra. Lúc đó bà con mới có tiền để mua hàng hoá, đời sống sẽ khá hơn…”.

   Là một huyện mới được tái lập, tách ra từ huyện Bắc Hà từ 9-2000, Si Ma Cai nằm ở thượng nguồn sông Chảy với diện tích 23.454 ha. Địa hình hiểm trở, đất nông nghiệp chỉ chiếm 28, 54% tổng diện tích, mà phần lớn chỉ thích hợp trồng ngô, Si Ma Cai hiện là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai. Huyện có 13 xã, trong đó có 3 xã biên giới, 90 thôn bản. Dân tộc H’mông chiếm phần lớn số dân của huyện (82%), còn lại là dân tộc Nùng và một số dân tộc khác. Đến nay, huyện có 4.116 hộ với 25.325 nhân khẩu sống tập trung trên 13 xã. Từ chỗ không có đường đến nay, đường cho xe ô tô và xe máy vươn đến hầu hết các thôn bản. Tỷ lệ đói nghèo nhìn chung đã giảm hơn so với trước. Tháng 9-2000, tỷ lệ đói nghèo là 46%, đến 31-12-2002 chỉ còn 32,7% (1349/ 4116 hộ), và đến thời điểm này chỉ còn 1149 hộ đói, nghèo. Đời sống tinh thần của nhân dân trong Huyện cũng được nâng lên rõ rệt, đã có 3 trạm truyền thanh truyền hình, hầu hết nhân dân đã được xem  ti vi, chỉ còn vài xã chưa có điện đến thôn, bản. Dự kiến đến năm 2005, tất cả các xã sẽ đều có điện. Nhiều gia đình đã có xe máy để đi lại, hầu hết các gia đình đều có đài để nghe, tiện nghi sinh hoạt đã nhiều hơn, nhà nào cũng có một bộ bàn ghế để uống nước, có giường để nằm. Vệ sinh thôn bản đã tốt hơn. Hầu hết con em trong Huyện đều được đến trường. Trường cấp  I, II đã được xây dựng kiên cố 2 tầng, trên lợp ngói. Vừa qua, Huyện đã có thêm trường cấp III, học sinh cấp III không phải đi học ở huyện khác nữa. Bí thư huyện uỷ Phạm Khắc Sương vui vẻ kể: “Mới đây huyện đã xin được một dự án của nước ngoài đầu tư cho giáo dục trị giá 6 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ cố gắng để con em đồng bào ai ai cũng đựơc đến trường”. Tuy đã 51 tuổi, nhưng trông ông Sương vẫn rất trẻ, khoẻ mạnh, người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, khuôn mặt lúc nào cũng hồ hởi, và có một “thú vui” khá “lạ” là đi … tuần tra cùng với anh em chiến sĩ, cũng như vào thôn bản để thăm hỏi dân. Lính biên phòng kể, đã nhiều lần ông Sương ngủ lại trên đường biên  cùng với họ.

Tới Si Ma Cai mà không vào chợ thì thật tiếc, và không thể  hiểu được nét văn hoá chợ của đông bào dân tộc H’mông. Chợ Si Ma Cai họp vào ngày chủ nhật hàng tuần khá sầm uất. Có cả dân các huyện khác đến, cả người Trung Quốc sang bán vải vóc, kim chỉ, chăn đệm, một số hàng tạp hoá … Nếu bạn đứng ở trên cao nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh khu chợ tấp nập đồng bào dân tộc, rực rỡ trong trang phục truyền thống đủ màu sắc. Nhiều chị địu con đi bán hàng, có chị cũng địu em đi chợ. Vào chợ, bạn không thể bỏ qua thắng cố - món đặc sản truyền thống của dân tộc H’mông, được nấu kỹ trong một cái chảo to có đầy đủ bộ xương và toàn bộ nội tạng con bò. Người nấu kể rằng, để có một mẻ thắng cố họ phải dậy từ 2 giờ sáng đi mua thực phẩm  về làm sạch và ninh lên, thêm vào một ít thảo quả cho thơm. Đến 8-9 giờ sáng, chảo thắng cố mới tạm “xong”, toả mùi thơm khắp chợ. Ăn thắng cố phải ngồi ở chợ, bên những chiếc bàn gỗ cũ kỹ hơi đen, khói bếp thắng cố quẩn quanh cay xè mắt, đợi cô gái dân tộc múc vào bát của mình mấy muôi cái món có vị ngọt ngọt, mùi nồng nồng, chậm rãi ăn rồi thỉnh thoảng làm một ngụm thứ rượu nấu từ ngô nặng tới 50o đậm đà, êm như ru mà say lúc nào chẳng biết, xung quanh là những chàng trai dân tộc ngất ngưởng đánh chén thì mới cảm nhận hết được cái ngon không đâu có của thắng cố Si Ma Cai, để rồi ra về mà nhung nhớ nơi này. Người dân ở đây cũng lạ, có khi xuống chợ chỉ bán một con ngan, vài cân ngô, mua mấy thứ kim chỉ lặt vặt, nhưng mua bán xong bao giờ cũng vào hàng thắng cố đánh chén no say rồi quá trưa mới ra về. Trên đường về, rất có thể bạn sẽ gặp cảnh chị vợ người H’mông đang quạt cho anh chồng say rượu, ngủ lăn bên cạnh con ngựa đang thản nhiên gặm cỏ.

Cảm nhận tình người nơi đây, chúng tôi không ngạc nhiên khi anh Lương kể : “Trước tôi ở Sở NN &PTNT Tỉnh, từ  khi được về đây, gắn bó với bà con, nếu đi thì nhớ lắm. Mình thấy như vẫn còn nợ bà con cái gì đó. Lúc đầu cũng buồn, nhưng ở rồi cũng thấy vui, ngày thường thì làm việc ở Huyện, có khi xuống thôn bản hướng dẫn bà con làm ăn, chủ nhật có rỗi thì ra chợ ngồi uống rượu. Đã năm năm rồi, Tết vừa qua tôi mới đưa được vợ con về thăm quê nội đấy”. Các anh lãnh đạo Huyện lúc nào cũng lo nghĩ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì, vốn - giống ở đâu, và làm thế nào để bà con vốn quen quảng canh chịu nghe hướng dẫn mà nuôi, mà trồng giống mới. Anh Lương thêm : “Huyện bắt đầu đi lên từ cây ngô, trước đây là giống địa phương, hiện nay đã đưa thêm giống ngô lai vào, chúng tôi quen nay gọi là “ngô hàng hoá”. Năng suất 5 tấn/ha, có xã lên tới 8 tấn/ha đã đưa sản lượng ngô của Huyện lên đến 6.000 tấn/năm. Ngoài cây ngô “chủ lực”, người dân cũng đã trồng lúa 2 vụ, năng suất khá”. Cây trồng vật nuôi khác cũng được chú trọng phát triển, các giống gà đen, ngan Pháp, lợn lai được đưa về nuôi ở nhiều hộ gia đình. Huyện đã áp dụng mô hình khuyến nông ở các xã Sín Chéng, Lùng Xui và Bản Mế, hiện đang thử nghiệm nuôi cá rô phi và đưa tôm càng xanh “lên núi”. Dự kiến sẽ thành lập HTX, trước mắt là ở hai xã Sín Chéng và Bản Mế vào năm 2004. Vừa qua, Huyện đã tiến hành khởi công mới 13 công trình thuỷ lợi kiên cố, tổng vốn đầu tư hơn 2,219 tỷ đồng, với kỳ vọng sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho 223 ha đất nông nghiệp.

Đất và người Si Ma Cai đang bừng tỉnh, vươn mình. San đồi, bạt núi, làm đường, đưa giống cây mới, con mới vào nuôi trồng thâm canh, bắt đầu chuyển mình từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá. Còn một vài xã chưa có đường ô tô tới, điện, nước, trường học, trạm xá còn thiếu. Huyện mới tái lập 3 năm, đến nay huyện lỵ vẫn đang ngổn ngang xây dựng. Phương tiện giao thông chủ yếu của người dân vẫn là … đôi chân, dù ngựa không phải là ít. Mang gùi hạt ngô giống lên trồng nơi hốc đá thật khó, nhưng còn đỡ mệt hơn gùi bắp ngô vừa thu hoạch về nhà. Chỉ huy trưởng đồn BP Si Ma Cai, Đỗ Văn Minh nói: “Nếu đồn có thêm hai chiếc xe máy tốt làm phương tiện đi lại, giải quyết kịp thời khi có sự cố xảy ra thì công việc của chúng tôi sẽ tốt hơn”.  “Xe máy tốt” ở đây là xe Minck (Min-khơ như bà con vẫn quen gọi) – loại duy nhất khoẻ bền mà lại rẻ, thích hợp với đồi núi. Còn nhiều khó khăn chưa khắc phục ngay được, như còn có cán bộ không nói được tiếng dân tộc, khi đi tuyên truyền bà con có người không hiểu. Toàn huyện có mười mấy dân tộc anh em cùng sinh sống, mong ước của bà con là được Nhà nước đầu tư thêm thiết bị máy móc, giống cây trồng, giống vật nuôi để phát triển sản xuất. Đã xuất hiện những người Si Ma Cai làm kinh tế giỏi như anh Giàng Seo Pao người H’mông, 38 tuổi, ở xã cũng mang tên Si Ma Cai. Vụ vừa qua chỉ riêng cây bắp cải đã đem lại thu nhập 4 triệu đồng cho gia đình anh. Anh Pao được xã cho vay 2 triệu đồng để đầu tư nuôi gà đen, và còn mong muốn “vay thêm vài triệu mua cái máy xát gạo để có cám nuôi gà, lợn, để xát gạo cho bà con xung quanh”. Còn ông Lý Páo Lềnh, dân tộc Nùng (xã Xín Chéng) làm trang trại với ao thả cá rô phi, cá chép, cá chim trắng, trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả, chăn nuôi lợn nái, gà, ngan, có thu nhập một năm khoảng 50 triệu đồng. Tình người Si Ma Cai giống như men rượu, đậm, êm mà chóng say lòng người. Họ đồng cam cộng khổ, nhà nào muốn bán hàng mà chưa có tư thương lên mua thì nhà hàng xóm sẵn sàng mua giúp đợi tư thương lên bán lại hoà vốn. Tư thương ở đây cũng tài, với những chiếc Min-khơ, họ lên thu gom hàng bất kể nhiều ít, mỗi nhà một con ngan, một cân ngô cũng mua, và hầu như không bao giờ ép giá. Chia tay chúng tôi, ông Sương khẳng định: “Vài năm nữa, các bạn sẽ thấy, Si Ma Cai phát triển mạnh hơn. Chúng tôi luôn trăn trở để khắc phục sớm những khó khăn. Trước tiên phải làm sao để dân tin mà tự giác tham gia thì sẽ thành công. Hiểu người dân, biết đoàn kết họ lại thì việc gì cũng không khó”./.

  • Tags: