TKV chuyển đổi từ “cơ khí sửa chữa” sang “cơ khí chế tạo”

TKV xây dựng Quy hoạch phát triển cơ khí Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025 theo hướng chuyển đổi công nghệ sản xuất từ “cơ khí sửa chữa” thành “cơ khí chế tạo”.

Để đáp ứng các nhu cầu chế tạo thiết bị phục vụ khai thác, sàng tuyển than, khoáng sản trong tình hình mới, Tập đoàn TKV đã xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí, trong đó điểm mấu chốt là chuyển đổi mạnh mẽ từ “cơ khí sửa chữa” sang “cơ khí chế tạo”.

Theo đó, TKV xây dựng Quy hoạch phát triển cơ khí Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2025 theo hướng chuyển đổi công nghệ sản xuất từ “cơ khí sửa chữa” thành “cơ khí chế tạo”. Cụ thể, bên cạnh việc “hiện đại hóa cơ khí sửa chữa” là một ngành sản xuất chính, các đơn vị sẽ chế tạo ngày càng nhiều sản phẩm cơ khí có chất lượng phục vụ sản xuất.

Các chỉ tiêu đặt ra đối với chế tạo phụ tùng sản phẩm như: Cung cấp từ  60 - 65% nhu cầu phụ tùng cho toàn ngành Than - Khoáng sản; cung cấp từ 50 - 55% nhu cầu bổ sung và thay thế thiết bị của toàn ngành; ổn định, hoàn thiện công nghệ chế tạo đối với một số thiết bị hầm lò, thiết bị điện phòng nổ, sàng tuyển, chế biến than và khoáng sản đã chế tạo, tàu lớn đến 10.000DWT, các loại toa xe từ 30 - 50 tấn; đảm bảo cung cấp toàn bộ thép uốn vì lò; chế tạo một số thiết bị phục vụ cơ giới hóa mỏ hầm lò, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 50 - 60% vào năm 2020, đến nay đã có những sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 80%.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng đề ra nhiệm vụ mỗi nhà máy cơ khí phải xây dựng chiến lược phát triển riêng và có sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình.

Hùng Hải/TKV