[TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN] Những bài học kinh nghiệm từ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam

Tọa đàm “Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA: Nhìn từ vụ việc Mê-hi-cô điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam”  được Cục Phòng vệ Thương mại và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức, phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9 giờ 30  ngày 13/12/2021.

Tháng 10 năm 2021, Mê-hi-cô đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên của Mê-hi-cô nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cũng là vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên một nước thành viên Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra Việt Nam sau khi Hiệp định này có hiệu lực, với quãng thời gian điều tra khá dài, khoảng 10 tháng (tương đương 210 ngày), có thể gia hạn thêm theo quy định của Mê-hi-cô.

Mê-hi-cô là thị trường xuất khẩu thép mạ mới nhưng rất tiềm năng của Việt Nam và là thị trường chủ lực mặt hàng này ở châu Mỹ. Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế, trong năm 2020, Mê-hi-cô nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Bởi vậy, xuất khẩu thép vào Mê-hi-cô rất thuận lợi, trong 10 tháng đầu năm 2021, thép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp đôi về giá trị và sản lượng. 

Trong bối cảnh thép bị điều tra phòng vệ thương mại gần như tại hầu hết các thị trường thì Mê-hi-cô được coi là thị trường xuất khẩu thép mạ rất tiềm năng của Việt Nam. Do đó, nếu bị Mê-hi-cô áp thuế chống bán phá giá, ngành thép mạ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh kinh tế Á - Âu…  Đặc biệt trong khoảng 2 năm trở lại đây, thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhìn rộng ra, trong bối cảnh nhiều FTA Việt Nam tham gia và ký kết có hiệu lực, rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại cũng gia tăng theo.

Để có những góc nhìn chính xác, đầy đủ về về những rủi ro về các vụ kiện phòng vệ thương mại, Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại tổ chức tọa đàm với chủ đề: Rủi ro phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA - Nhìn từ vụ việc Mê-hi-cô điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam. Tọa đàm được phát trực tuyến vào 9 giờ 30 sáng thứ Hai, ngày 13 tháng 12 năm 2021 trên các nền tảng của Tạp chí Công Thương.

Tọa đàm có sự tham gia của 3 chuyên gia:

- Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương);

- Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam;

- TS. Hoàng Ngọc Thuận, Trưởng Ban Quản lý đào tạo các Chương trình tiên tiến và Chất lượng cao, Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương.

Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề: (i) Xu hướng của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại thời gian gần đây; (ii) Năng lực pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các vụ kiện cũng như bảo vệ chính mình; (iii) Cách thức phản ứng, khả năng điều chỉnh sản xuất và điều chỉnh thị trường của doanh nghiệp trước vụ kiện; (iv) Cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia có thể hỗ trợ, khuyến cáo hữu ích nào cho doanh nghiệp trong trường hợp cụ thể này; và (v) Các nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp khi đối mặt với một vụ kiện phòng vệ thương mại.   

Thông qua tọa đàm, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn những thách thức và rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt khi xuất khẩu vào các thị trường; doanh nghiệp có thể làm gì để chủ động bảo vệ mình trước những hàng rào phi thuế trong quá trình thực thi các FTA.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming:

Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt: https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn;

Tạp chí Công Thương điện tử: http://tapchicongthuong.vn;

Kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655. 

Tạp chí Công Thương