[Tọa đàm trực tuyến] “Thực trạng ngành Mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại”

Tọa đàm “Thực trạng ngành Mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương tổ chức, phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 14h30 giờ ngày 30/12/2021.

Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước để phát huy tối đa nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, đặc biệt đang trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội đi kèm những thách thức rất lớn cho các ngành, doanh nghiệp khi áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất trong nước trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.   

Mía đường là ngành có liên quan tới đời sống của nhiều người dân nên nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ trong quá trình đàm phán hội nhập với lộ trình cắt giảm thuế quan dài nhất. Riêng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đường là mặt hàng có thời hạn cắt giảm thuế lâu nhất, thậm chí Việt Nam xin lùi thời hạn cắt giảm thuế thêm 2 năm so với cam kết ban đầu. 

Năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường với thuế nhập khẩu ở mức 5%. Từ đó, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu từ Thái Lan, đã tăng nhanh chóng. Năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330% so với năm 2019.

Đường nhập khẩu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ đã gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước. Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trước khi ngành đường thực thi ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến năm 2020 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động, 11 nhà máy đã buộc phải đóng cửa.

Trong 30 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ. Khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân. Có những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan.

Trước tình hình đó, 06 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội mía đường Việt Nam đã nộp Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15 tháng 6 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế PVTM là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.

Do bị áp dụng biện pháp PVTM, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 giảm tới 75%. Điều này làm giảm tác động cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan đối ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá đường sản xuất trong nước tăng lên, giá thu mua mía của nông dân cũng tăng thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn.

Đây được ví như biện pháp hiệu quả giúp “hồi sức” cho ngành mía đường nước ta, từng bước phục hồi vùng nguyên liệu của người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đồng thời giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Tọa đàm “Thực trạng ngành Mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất đường và nông dân trồng mía trao đổi, chia sẻ về thực trạng ngành mía đường trong quá trình hội nhập, đặc biệt là thực thi cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); những khó khăn, thách thức mà ngành gặp phải khi đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ sản phẩm nhập khẩu cũng như những tác động của biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam áp dụng đối với một số sản phẩm đường mía Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.

Tham dự Tọa đàm có các khách mời:

  1. Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương
  2. Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam
  3. Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương - công ty thành viên Tổng Công ty Mía đường I
  4. Ông Võ Văn Út - Đại diện các hộ nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên

Nội dung Tọa đàm tập trung vào các vấn đề: (i) Những khó khăn của ngành mía đường khi phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh của sản phẩm đường nhập khẩu trong quá trình thực hiện cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); (ii) Tác động của biện pháp PVTM đến ngành mía đường, người nông dân trồng mía và người tiêu dùng trong nước; (iii) Những đề xuất, giải pháp để các doanh nghiệp mía đường tận dụng tốt hơn các biện pháp PVTM cũng như cơ hội từ quá trình hội nhập.

Hy vọng những trao đổi và đề xuất của các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ là những gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách và các hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân trồng mía nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức song hành của ngành mía đường Việt Nam trong tiến trình hội nhập cũng như vai trò của PVTM trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming: Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn; Website Tạp chí Công Thương http://tapchicongthuong.vn; và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655. 

 

Hoàng Phương