Toàn cảnh sản xuất công nghiệp - thương mại 9 tháng đầu năm 2020

Giữa bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương với điểm sáng là đóng góp của khu vực kinh tế trong nước, trong khi đó sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc và thị trường trong nước đang được kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ trở lại.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay (16/10/2020), kinh tế thế giới 9 tháng năm 2020 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của thế giới, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm.

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ chiều nay (16/10/2020)
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ chiều nay (16/10/2020)

Tín hiệu khởi sắc trong sản xuất công nghiệp

Bộ Công Thương nhận định, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 bắt đầu có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Tính chung 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%); ngành khai khoáng giảm 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2020 tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2020 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đạt 75,6%, tăng nhẹ so với mức 72,1% của cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước

Điểm sáng xuất khẩu giữa bóng đen Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt 51,3 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,57 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (đạt 4,1%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,8%).

Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%.

Xuất khẩu của Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ các FTA đã tham gia
Xuất khẩu của Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ các FTA đã tham gia

Đặc biệt, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU.

Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng khoảng 14,4% so với cùng kỳ.

Cùng với EVFTA, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP vào cuối năm 2020.

Kích cầu tiêu dùng trở lại

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Công Thương nhận định thị trường trong nước đã sôi động trở lại với các hoạt động kích cầu, khuyến mại theo các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương và các địa phương phát động từ tháng 7. Tình hình tiêu thụ hàng hóa dần được cải thiện, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động bất thường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 ước tính đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6%.

Đặc biệt, căn cứ tình hình thị trường và tác động của dịch Covid-19, lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt trên 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng, bao gồm cả các vi phạm trên thương mại điện tử.

Thị trường trong nước đang sôi động trở lại với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại
Thị trường trong nước đang sôi động trở lại với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại

5 giải pháp chính trong 3 tháng cuối năm

Trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, với 5 nhóm giải pháp lớn.

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng, để vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Hai là, triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, đặc biệt chú trọng thị trường trong nước góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua kích cầu tiêu dùng; bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ba là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Bốn là, thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng hiệu quả các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.

Năm là, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Thy Thảo