Toàn cầu hóa thông tin và phát triển truyền thông đại chúng

Nhiều thế kỷ qua, báo chí luôn là công cụ hữu hiệu phản ánh thông tin xã hội. Trong xu toàn cầu hóa, những hạn chế của báo in và chiều hướng ngày càng mở rộng của báo mạng đã tăng thêm thách thức đối



Hoạt động nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

1. Phát triển thông tin đại chúng qua những chặng đường
Toàn cầu hóa thông tin được coi là quá trình chuyển tải liên tục, nhiều chiều ở khắp mọi nơi. Đó cũng là khái niệm miêu tả những thay đổi kinh tế-xã hội tạo ra bởi mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức và các cá nhân. Nhờ khả năng kết nối Internet tốc độ ngày càng cao, tiện ích thân thiện, xu hướng của người tiêu dùng đã nhanh chóng thay đổi cùng với lượng thông tin tràn ngập trên nhiều phương tiện có thể biến đổi từng phút, từng giờ.

Toàn cầu hóa thông tin liên quan đến truyền bá mô hình có sự tham gia của công chúng với nội dung văn hóa cốt lõi, là bộ phận cấu thành để chuyển đến người thụ hưởng. Một mô hình văn hóa có thể được chấp nhận theo nhiều phương thức, nó phụ thuộc vào bản chất nền văn hóa cũng như khả năng tiếp cận và biến đổi thông tin. Theo đó, toàn cầu hóa không đồng hóa hoặc làm cho từng nền văn hóa nghèo đi mà ngược lại, có thể tiếp nhận theo những cách riêng thông qua tiến trình lai tạo. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chìa khóa toàn cầu hóa văn hóa là sự tồn tại của hệ thống truyền thông đại chúng để tạo cảm giác đồng thời với khả năng xuất hiện ở rất nhiều nơi (Phan Quang 2005).

Vào thế kỷ thứ XIX, nhân loại từng chứng kiến hiện tượng toàn cầu hóa thông tin với sự ra đời của hàng loạt báo viết ở các quốc gia. Nhờ báo chí truyền tải các môn khoa học, các sự kiện,... hình thành xu hướng, tinh thần của thời đại bao gồm đời sống chính trị, kinh tế, văn học, hội họa, âm nhạc, thời trang, du lịch... đã quay theo nhịp của các phương tiện truyền thông, phát triển tư duy và phong cách mới.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, báo in luôn được coi là công cụ phản ánh thông tin xã hội, giữ vai trò trung tâm đưa tin. Thế kỷ thứ VII sau công nguyên, người Trung Quốc đã dùng chữ khắc gỗ in trên giấy và công nghệ in gốm đã ra đời vào thế kỷ thứ IX. Nửa đầu thế kỷ XV (năm 1448), con chữ kim loại ra đời, nhân loại đã vượt qua được hạn chế của công nghệ in khắc gỗ.

Theo đà phát triển, năm 1911, Boris Rosing chế tạo thành công hệ thống truyền hình sử dụng gương phát hướng tới ống cathode ở đầu nhận hình. Từ nửa sau thế kỷ XX, ti vi dần chiếm ưu thế trong chuyển tải thông tin đã đẩy báo in phải cạnh tranh vất vả với phát thanh và truyền hình (thời gian từ 1940 đến hết thập niên 1990, lượng báo in phát hành ở nhiều nước phát triển đã giảm từ 2 đến 3 lần). Mặc dù chương trình phát thanh và truyền hình ngày càng phong phú, song nhiều phân tích cũng đã chỉ ra, những phương tiện truyền thông này chưa thể thay thế được hẳn báo in; Hiệp hội báo chí toàn cầu (WAN) cho biết, trên thế giới còn trên 1 tỉ người vẫn đọc báo in hàng ngày.

Từ sự phát triển máy tính cá nhân, những thập niên cuối thế kỷ XX loài người cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc của truyền thông qua Internet. Theo đó, báo mạng (điện tử) đã hội tụ đầy đủ lợi thế của báo viết, báo nói và báo hình. Nhờ khả năng kết nối với tốc độ lan tỏa rất cao, không ít dự báo cho rằng sẽ đến lúc không còn người thu thập thông tin bằng đọc tài liệu trên những trang giấy viết.

2. Báo mạng xu thế và động thái phát triển 




Báo mạng ngày càng phát triển (Ảnh minh họa)

Sau tờ Internet đầu tiên của Đại học Florida (Hoa Kỳ) công bố tháng 10 năm 1993; trong năm 1994, nhiều phiên bản online của tạp chí Hotwired và hàng loạt báo khác đã ồ ạt đưa ra website, mở ra thời đại thông tin trực tuyến. Do đáp ứng nhu cầu thông tin ở bất cứ thời điểm nào, hệ thống báo mạng đã làm thay đổi nhanh chóng thói quen tiếp nhận thông tin của đông đảo công chúng.

Từ ưu thế hội tụ, báo mạng có sức chứa rộng lớn cả về không gian và thời gian, đồng nghĩa với dung lượng thông tin gần như không hạn chế. Nhờ báo mạng, người đọc không chỉ cập nhật thông tin dưới dạng chữ viết mà còn có thể nghe phát thanh và xem truyền hình ngay trên trang web. Nhờ khả năng tương tác nhiều chiều, ban biên tập có thể tiến hành những giao lưu trực tuyến vấn đề được nhiều độc giả quan tâm; đây cũng là ưu thế mà phát thanh, truyền hình bị hạn chế và càng khó khăn gấp bội đối với báo in.

Với lợi thế chuyển tải nhanh, sức chưa thông tin khổng lồ và khả năng tương tác nhiều chiều; mạng Internet đã giảm nhẹ rào cản của những phương tiện truyền thông truyền thống và làm cho bản tin trên mạng trở nên đa dạng hơn. Cùng lúc nghe bình luận, người dùng internet còn có thể tham khảo được nguồn tin thu thập, hình ảnh ghi lại từ hiện trường hoặc kết nối thêm những tư liệu có liên quan trên những đường link. Một lợi thế khá quan trọng khác của báo điện tử là có thể giảm được đến 75% chi phí sản xuất và phát hành.

Trước đòi hỏi xử lý và phát triển thông tin đại chúng mang tính toàn cầu, báo mạng được coi là giải pháp thích hợp để tìm lại dấu ấn hoàng kim của báo chí song cũng gặp không ít khó khăn. So với lịch sử hàng thế kỷ của ngành báo chí, với trên 10 năm hoạt động báo mạng tuy mới phát triển nhưng đã thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc. Khảo sát ở các nước phát triển cho thấy, trên 70% người Mỹ nhận xét, báo chí truyền thống chưa phản ánh đầy đủ thông tin; ở nhiều quốc gia đã có trên 50% dân cư dùng internet để cập nhật thông tin. Theo nhiều nhà phân tích, ngày nay, mạng thông tin điện tử đã trở thành công cụ không thể thiếu trong hình thành cách làm việc của con người và tiến bộ công nghệ đã giúp để những nguồn thông tin hiện đại ngày càng trở nên hữu ích hơn (NCEIF 2010).

Trên nguyên tắc coi trọng sự thật và mức độ chính xác của các nguồn tin, mục tiêu của báo mạng là đem đến độc giả công cụ để có thể tham gia hiệu quả vào những giao tiếp cộng đồng. Công chúng thực sự chào đón những gì thuộc về tập hợp tin tức, sản xuất và xuất bản thông tin đã tạo động lực để mở ra thời kỳ phát triển đầy năng động của báo chí. Phần lớn tên tuổi lớn trong công nghệ thông tin toàn cầu đều kinh doanh bằng cách cung cấp thông tin miễn phí cho người sử dụng internet và bán quảng cáo cho khách hàng là những nhà cung cấp sản phẩm, quảng bá hàng hóa hoặc thương hiệu. Tuy nhiên, doanh số quảng cáo trên internet hiện còn khiêm tốn (vào năm 2007, tại Mỹ, nguồn thu này mới chiếm chừng 7,5% doanh số quảng cáo). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phải qua nhiều năm nữa mức tăng trưởng quảng cáo trên báo mạng mới vượt qua được báo in.

Phân tích khó khăn trong thu phí internet, chuyên gia của Paid Content từng chỉ ra, thông tin là lĩnh vực phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất, lượng cung đang lớn hơn cầu dẫn đến không ai có thể bán thứ đang quá dư thừa (NCEIF 2010). Mặt khác, khó đảo ngược được thói quen không phải trả phí truy cập và trở ngại khác đó là, muốn thu được phí truy cập đòi hỏi ngành công nghệ truyền thông toàn cầu phải cùng đồng loạt tiến hành; về phía các nhà quảng cáo, họ không tán đồng thu phí bởi sẽ bị mất đi đáng kể lượng người đọc quảng cáo.

Từ những lý do trên đây, giới phân tích cho rằng, các nhà xuất bản còn phải tiếp tục cung cấp thông tin miễn phí và thu lợi nhuận qua quảng cáo; việc cần làm là có chính sách mềm dẻo để điều tiết và thu được lợi nhuận kinh doanh. Giải pháp được đề cập đã tập trung vào tăng tính năng mới và xây dựng mô hình thanh toán hữu hiệu (NCEIF 2010). Độc giả đăng ký tài khoản trên website là một cách làm để thu phí nhưng không dễ được chấp nhận; do vậy, cần có hệ thống giao diện giản đơn cho phép trao đổi thông tin dễ dàng với người sử dụng và quan trọng là đảm bảo cung cấp những bài viết có chất lượng cao.

3.Vấn đề đối với Việt Nam
So với nhiều nước,Việt Nam phát triển công nghệ thông tin và nhất là mạng internet với nhịp độ khá nhanh. Đến nay, người Việt đã tiếp cận và sử dụng internet trên diện rộng (ước gần 30 triệu người sử dụng); báo mạng trong đời sống xã hội có tác động rất đáng kể và đang chuyển dần từ máy tính để lan sang điện thoại di động. Nhiều dự báo cho rằng, dịch vụ tổng hợp tin tức sẽ ngày càng đa dạng và hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau (NCEIF 2010).

Trong xu thế phát triển hiện đại, một bài viết hay trên báo in sẽ nhanh chóng được hiển thị trên trang tin tổng hợp và từ đây, nội dung bài viết sẽ được chia sẻ đến nhiều độc giả của từng trang mạng. Xu thế này sẽ phát triển nhanh vì nó tiết kiệm công sức, thời gian và tiền bạc của những nhóm người liên quan. Tuy nhiên, vấn đề nan giải lại là quyền tác giả và lợi ích của những tổ chức làm dịch vụ cung cấp thông tin. Báo chí nước ngoài có thể buộc người đọc phải trả tiền, nhưng báo điện tử ở Việt Nam lại rất khó làm; một bài được đăng tải ở đâu đó có thể nhanh chóng bị hàng chục trang khác tải về, cắt dán rồi biến thành ấn phẩm của riêng mình, không để tên tác giả nguồn gốc. Mặt khác, các trang cá nhân, diễn đàn phát triển như nấm sau mưa, chèo kéo bạn đọc, làm môi trường thông tin “nhiễu, rác”, phân tán người đọc.

Thực tế từng diễn ra là, một trang web tổng hợp, bỏ tiền đọc, lọc tuyển thông tin, sau đó xử lý thành sản phẩm của mình tiềm ẩn nguy cơ làm đổ vỡ mô hình tính tiền qua mạng của một tờ báo khác. Rõ ràng là không bảo vệ nổi bản quyền tin bài trên mạng đã dẫn đến rất khó tiến hành được giải pháp thế giới đã làm trong quá trình thử nghiệm. Cho đến nay, khảo sát thói quen đọc của người Việt cũng đã rút ra, số đông chuộng báo in; song do mức độ phổ cập của báo mạng, một bộ phận đáng kể đã thay đổi cách ứng xử (giới trẻ, cán bộ văn phòng, người dùng điện thoại). Thay vì phải mua nhiều tờ báo in, họ lựa chọn một tờ nhất định đọc kỹ, sau đó tìm cách bổ sung thông tin truy cập được từ những tờ báo mạng. Nhìn chung, người Việt cần tin vẫn muốn đọc báo, xã hội vẫn cần những nhà báo tác nghiệp, săn lùng để kịp thời cập nhật thông tin và phương tiện internet vẫn là công cụ tìm kiếm nhanh nhất những gì diễn ra trong đời sống xã hội

4. Thay cho lời kết

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa thông tin, đã báo hiệu một cuộc cách mạng về phong cách làm báo và chuyển tải cả về nội dung và hình thức trình bày.

Cũng như người làm báo, độc giả ngày nay không chỉ là người tiếp nhận thụ động mà còn tham gia vào quá trình phân tích và bình luận thông tin. Chính vì điều này, người làm báo không thể áp đặt quan điểm chủ quan trong những bài viết, cũng không thuần túy sao chép thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc chạy theo thông tin câu khách, mà cần tạo ra được đối thoại bình đẳng, định hướng dư luận, cùng bạn đọc và gây dựng cho họ niềm tin khách quan về sự phát triển. Muốn vậy, nhà báo cần thâm nhập được vào trung tâm của những trao đổi, đối thoại để có cách nhìn, suy nghĩ thấu đáo và sự sáng tạo về phương thức phát triển những dịch vụ hấp dẫn công chúng chứ không cứng nhắc theo như cách làm truyền thống lâu nay./.

  • Tags: