Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, năm 2018, mặc dù tình hình thiên tai năm 2018 có nhiều diễn biến phức, các cơ sở ngành công thương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 09 cơn bão, nhưng toàn ngành Công Thương đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai đã đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng điểm trong suốt mùa mưa lũ năm 2018. Thiệt hại về tài sản đối với các đơn vị ở mức thấp, chủ yếu tập trung tại các đơn vị ngành điện lực.

Để chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương trong năm 2019, ngày 7/5/2019 Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 06/CT-BCT về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành công thương. Chỉ thị yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức để chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; củng cố nguồn lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai; tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai; Xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu; Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập và vận hành hồ chứa thủy điện theo đúng quy trình được duyệt.

Điện lực Bến Tre tập huấn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Toàn ngành Công Thương đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị và ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và công trình trọng điểm trong suốt mùa mưa lũ năm 2018

 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, năm 2018, các đơn vị trong ngành Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cụ thể như rà soát cập nhật và xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phù hợp với đặc thù của đơn vị, bố trí phương tiện, vật tư dự phòng, ứng trực xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra đảm bảo an toàn cho người và công trình, đảm bảo cung cấp điện an toàn, đặc biệt là việc cấp điện kịp thời cho công trình phòng chống thiên tai góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Công tác lập kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu, ổn định giá cả hàng hóa tại các vùng bị thiên tai được các Sở Công Thương chú trọng thực hiện nên trong mùa mưa lũ năm 2018 không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, giá cả hàng hoá ổn định.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương
Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương

 

Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn, trong năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 07/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019.

2. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), tập trung vào những việc sau:

- Kiện toàn tổ chức, lực lượng về PCTT&TKCN tại đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong công tác PCTT&TKCN;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2019;

- Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống thiên tai;

- Tổ chức tốt công tác diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố.

- Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

3. Đối với Sở Công Thương

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị ngành Công Thương trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTT&TKCN;

- Triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời cho mọi nhu cầu sử dụng, đặc biệt là phương án cung cấp đến các vùng có nguy cơ bị cô lập, chia cắt do thiên tai;

4. Đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện

- Chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, tập trung vào các quy định về: Vận hành hồ chứa, cảnh báo và an toàn cho vùng hạ du, kiểm định đập, phối hợp giữa các chủ sở hữu đập với chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện.

- Kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có) trước mùa mưa, lũ.

- Rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; thông báo tình hình vận hành hồ chứa đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định.

5. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này;

- Chỉ đạo các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điệntrực thuộc rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra.

6. Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị khai thác khoáng sản

- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng chống thiên tai; dự án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt xong trước mùa mưa.

- Kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ khai thác than, khoáng sản, kho chứa, nhà xưởng, bến cảng, hệ thống đê chân bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất... chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn.

- Tổ chức diễn tập phương án ứng phó chống ngập lụt mỏ, sạt lở bãi thải ảnh hưởng đến các khu dân cư trong vùng; huấn luyện nghiệp vụ cấp cứu mỏ tại các đơn vị.

7. Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Rà soát cập nhật hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ứng phó sự cố tràn dầu, ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí.

8. Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch dự trữ nhiên liệu, sẵn sàng phục vụ các vùng bị thiên tai; rà soát, cập nhật phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập các công trình, cửa hàng xăng dầu, chống trôi nổi các bồn chứa xăng dầu khi bị ngập nước.