TÓM TẮT:

Trong thời gian qua, nhiều chủ thể đã thực hiện các hành vi tội phạm với các thủ đoạn tinh vi trong lĩnh vực công chứng, chứng thực (CT, CT). Điều đó gây hoang mang cho cả người dân và các cơ quan chức năng. Bài viết đặt ra vấn đề để phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công chứng, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ khóa: Tội phạm sử dụng công nghệ cao, công chứng, chứng thực.

1. Các hành vi chủ yếu sử dụng công nghệ cao để phạm tội trong lĩnh vực công chứng, chứng thực

1.1. Khái quát về tội phạm sử dụng công nghệ cao

Khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa được quy định chính thức, đầy đủ trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm của học giả Hoàng Việt Quỳnh về khái niệm này. Theo đó: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.

Với quan điểm như trên, bản chất của tội phạm có sử dụng công nghệ cao được xác định như sau:

- Tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm vào trật tự an toàn thông tin, tác động trực tiếp đến 3 thuộc tính của an toàn thông tin đó là tính bảo mật, tính toàn vệ, tính khả dụng.

- Tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao.

- Tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự. Người đó có tri thức và kỹ năng cần thiết.

- Tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý.

1.2. Sử dụng công nghệ cao để phạm tội trong lĩnh vực công chứng, chứng thực

Thứ nhất, công chứng, chứng thực là gì?

Hoạt động CT, CT là hai hoạt động khác nhau được quy định cụ thể trong các văn bản luật. Cụ thể, hoạt động công chứng là “việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch); tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng” (Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014).

Khái niệm chứng thực được quy định như sau: “Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính; Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch…” (Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ).

Thứ hai, hành vi cụ thể của người phạm tội được mô tả:

Một là: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định (trong đó có phương pháp sử dụng công nghệ cao) để làm và coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể). Điều luật không yêu cầu việc “làm” giả này phải nhằm sử dụng hoặc đã sử dụng vào mục đích gì.

Hai là: Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật. Ví dụ: Sử dụng bằng tốt nghiệp giả để đi xin việc, được bổ nhiệm, được tăng lương.

Thứ ba, tùy từng trường hợp mà tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý về các tội danh khác nhau và hình phạt khác nhau.

Một là, hành vi giả mạo chữ ký gây nguy hiểm cho xã hội nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh tương ứng sau đây:

- Nếu người giả mạo chữ ký thực hiện các giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản; di sản thừa kế; thực hiện các hợp đồng mua bán, tặng cho một cách gian dối, chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc bên thứ ba... thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác theo Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- Nếu một người có chức vụ và quyền hạn lợi dụng chức vụ và quyền hạn giả mạo chữ ký thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hai là, đối với hành vi làm giả con dấu, giấy tờ bị truy cứu theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nếu hành vi “lừa dối” đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm này.

2. Những khó khăn trong việc phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT

          Thứ nhất, hành vi phạm tội với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Ví dụ các trường hợp phạm tội tinh vi: Cán bộ ngân hàng giả mạo chứng từ chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Đặc biệt trong các giấy tờ này đều thể hiện có thể hiện chữ ký giả mạo các thành viên sở hữu thửa đất của gia đình, trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như một số giấy tờ khác như tờ khai nộp thuế đất, biên bản kiểm tra và sơ đồ thửa đất... Tất cả các hợp đồng mua bán này đều đã được cơ quan chức năng xác nhận, đóng dấu (con dấu giả) để chiếm đoạt tài sản là bất động sản. Khi chứng nhận các giao dịch công chứng viên không thể phát hiện được và có tranh chấp kiện tụng xảy ra. Để làm rõ vụ việc, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tới phòng kỹ thuật hình sự bằng các phương pháp nghiệp vụ mới phát hiện được giấy tờ, hồ sơ giả mạo gây mất thời gian, tiền của cho công dân và các tổ chức hành nghề công chứng viên.    

Giả mạo chữ ký, chữ viết cũng xảy ra nhiều ở các giao dịch liên quan đến ngân hàng như chứng minh thư nhân dân, hồ sơ nhà đất, di chúc, sổ tiết kiệm... Các đối tượng trà trộn giấy tờ giả mạo trong hồ sơ để lừa đảo cầm cố, thế chấp vay tiền, rút tiền với số lượng lớn. Các đối tượng sử dụng nhiều phương pháp giả mạo chữ ký, chữ viết như: Ký giả theo trí nhớ (quan sát trước chữ ký thật của người bị làm giả, sau đó nhớ lại các đặc điểm để ký theo); Cố ý thay đổi chữ ký của mình (cố tình ký khác chữ ký của mình một phần hoặc toàn phần nhằm mục đích không thừa nhận chữ ký đó); Tự tạo ra chữ ký của người khác (tự sáng tác ra chữ ký của người khác theo ý chủ quan của mình) và tô đồ lại chữ ký.

Trong các thủ đoạn giả mạo chữ viết, chữ ký trên thì nổi lên trong thời gian gần đây là thủ đoạn tô đồ, thường gắn với những vụ làm giả tài liệu hoặc lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức đa dạng như: tô đồ theo nét hằn, tô đồ theo nét chì, giấy than; tô đồ qua ánh sáng ngược, sử dụng dung dịch làm trong giấy sau đó đặt lên bản mẫu rồi tô lại.

          Thứ hai, việc phát hiện cần phải người có trình độ cao và cần có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Có thể khẳng định, nếu không có sự thẩm định của khoa học kỹ thuật thì khó có thể phát hiện ra các hành vi vi phạm trong lĩnh vực CT, CT.

           Thứ ba, thiếu dữ liệu, quy chế chưa đủ mạnh, phối hợp chưa chặt chẽ.

Hiện các đơn vị CT, CT đều chia sẻ rất cần có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, dễ dàng truy cập trong tất cả các lĩnh vực như đất đai, giáo dục, hay các tổ chức cấp văn bằng, chứng chỉ, các phôi giấy… dễ dàng truy cập, lấy thông tin để nhận diện thật, giả của các giấy tờ. 

         Thứ tư, cơ quan nhà nước chưa nhận thức đầy đủ và chưa quyết liệt trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT. Cá biệt, có trường hợp cơ quan nhà nước còn bao che, dung túng cho các hành vi sai phạm đó.

3. Đề xuất một số giải pháp nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công chứng, chứng thực

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật để phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT với các nội dung cơ bản:

- Hoàn thiện khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao. Việc hoàn thiện khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao có ý nghĩa rất lớn trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT nói riêng. Bởi đây là cơ sở đầu tiên để xây dựng và thực thi các quy định của pháp luật về tội phạm công nghệ cao. Nếu không xác định được “hình hài” của tội phạm sử dụng công nghệ cao thì chúng ta không thể xây dựng được khung pháp lý cơ bản liên quan đến tội phạm ấy.

- Xác định khái quát hành vi phạm tội và xác định khung hình phạt cho từng hành vi đó.

Thứ hai, cần sự phối hợp và quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT. Các giải pháp cụ thể gồm:

- Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức của cán bộ có thẩm quyền về tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT.

- Xử lý nghiêm những trường hợp cơ quan có thẩm quyền bao che, dung túng cho các hành vi tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT.

Thứ ba, người dân cần cảnh giác, nâng cao hiểu biết nhằm tự bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, phòng ngừa thủ đoạn giả mạo chữ viết, chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản trong các giao dịch dân sự về nhà đất và các tài sản có giá trị khác. Trong mọi trường hợp, giao dịch nên được lập ít nhất 2 bản để lưu làm đối chứng khi cần, hoặc có thể gạch chéo các phần trống, đề phòng việc đối tượng xấu có thể điền thêm chữ trên văn bản.

Để hạn chế rủi ro vì giấy tờ bị giả mạo, những người có nhu cầu chuyển nhượng nhà, đất chỉ nên cung cấp bản photo sổ đỏ cho người có nhu cầu tìm hiểu; hạn chế cung cấp quá nhiều giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng làm giả. Đối với người bị mất sổ đỏ thì cần trình báo ngay cho cơ quan Công an và cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt thông tin, ngăn chặn hành vi giả mạo chủ nhà để giao dịch nếu có.

Đối với người mua nhà, đất thì cần tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ đất, đến tận nơi tìm hiểu chứ không nên chủ quan mua bán trên giấy, thậm chí cần đến văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện để tìm hiểu tình trạng thửa đất chuẩn bị giao dịch...

4. Kết luận

          Bài viết trên đã phân tích, luận giải những hành vi tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT. Những hành vi chủ yếu gồm: giả mạo chữ ký, làm và sử dụng giấy tờ giả, bằng cấp giả… Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CT, CT gặp nhiều khó khăn do các hành vi vi phạm rất tinh vi, chúng ta còn thiếu các phương tiện kỹ thuật, cơ sở dữ liệu hỗ trợ và chưa có sự quyết liệt từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm trong lĩnh vực CT, CT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2015), Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
  2. Quốc hội (2014), Luật Công chứng.
  3. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
  4. Hoàng Việt Quỳnh (2016), Một số trao đổi về tội phạm sử dụng Công nghệ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học Cảnh sát nhân dân, Số 79 tháng 8/2016.

 

  HIGH-TECH CRIMES IN THE FIELD OF NOTARIZATION AND AUTHENTICATION

Master. LUU TRAN PHUONG THAO

Faculty of Law - Vietnam Women's Academy

ABSTRACT:      

In recent years, several subjects have committed crimes with sophisticated tricks in the field of notarization and authentication. These crimes make people and authorities anxious. In order to detect and timely handle high-tech crimes in the field of notarization and authentication, it is necessary to implement multiple solutions synchronously.

Keywords: High-technology criminals, notarization, authentication.