Tổng công ty điện lực - TKV: Hướng tới công nghệ sản xuất sạch hơn

Hiện nay hầu hết các nhà máy nhiệt điện do TKV làm chủ đầu tư đều đã được tính toán đưa công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn giúp bảo vệ môi trường.
Nhiệt điện đều áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường
Trong lộ trình phát triển điện năng của Tổng công ty Điện lực - TKV, do có sự chuẩn bị kỹ càng nên hiện nay hầu hết các nhà máy nhiệt điện do TKV làm chủ đầu tư đều đã được tính toán đưa công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn giúp bảo vệ môi trường. Công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) được coi là giải pháp hữu ích cho sản xuất sạch hơn tại các nhà máy nhiệt điện hiện nay. Là công nghệ đốt với đặc tính phát thải thân thiện với môi trường so với các công nghệ đốt lò cũ, nhiệt độ buồng đốt của loại lò hơi này khá thấp nên có khả năng tận dụng được than xấu để đốt lò phát điện. Công nghệ này còn có ưu thế là giúp giải quyết triệt để lượng than xấu, sản phẩm sau sản xuất có thể tận dụng để làm gạch không nung, phụ gia cho ngành xi măng… Đặc biệt, công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn không cần sử dụng thiết bị để giảm lượng khí thải mà chỉ cần dùng đá vôi, lượng khí thải sau khi sử dụng lò ước tính giảm từ 5-6 lần so với sử dụng công nghệ lò hơi cũ.
Với những ưu điểm trên, việc tìm kiếm các công nghệ này còn nhằm tận thu than xấu. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện của TKV hiện nay đều áp dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn, sử dụng hoàn toàn than cám 6b cho phát điện, đồng thời sử dụng phương pháp đốt đá vôi cùng than để khử lưu huỳnh và sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện nhằm kiểm soát khí thải, giúp bảo vệ môi trường.
Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, cả nước cần đầu tư khoảng 52 dự án nhiệt điện chạy than, công suất 36.000MW, chiếm 48% công suất nguồn điện toàn hệ thống, nhu cầu than khoảng 67,3 triệu tấn. Đến năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than sẽ tăng lên mức 75.748MW (chiếm 51,6% công suất điện toàn hệ thống). Việc sử dụng lò hơi tầng sôi tuần hoàn cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than chất lượng thấp không chỉ mở một hướng đi mới cho việc phát triển các dự án nhiệt điện, tận dụng triệt để nguồn tài nguyên trong nước, mà còn hướng đến sản xuất sạch hơn.Đầu tư nhà máy điện năng lượng mặt trời đầu tiên
Theo chiến lược phát triển các Dự án điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với tổng mức công suất phát điện là 1.730 MW, đến năm 2020 Tông Công ty Điện lực - TKV cần sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tối thiểu khoảng 50 MW, tức ở mức trên 3%. Chính vì vậy, hiện nay Tổng công ty Điện lực - TKV đã được Tập đoàn chỉ đạo phối hợp với Trung tâm năng lượng tái tạo - Viện năng lượng Bộ Công Thương tổ chức khảo sát các địa điểm để tiến tới phát triển tăng dần hệ thống điện năng lượng sạch theo lộ trình.
Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực - TKV cho biết, Tổng công ty đã có báo cáo Tập đoàn và các cấp thẩm quyền để trước mắt triển khai Dự án điện năng lượng mặt trời đầu tiên có công suất 15MW và sẽ tiếp tục tăng dần cho các năm sau. Vị trí được khảo sát tại mặt các bằng đang trong sự quản lý của Tổng công ty và Tập đoàn nhằm không phải giải phóng mặt bằng, tiết kiệm chi phí đầu tư. Các khu vực được đánh giá có tiềm năng phát triển các Dự án điện năng lượng mặt trời, bao gồm khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 và các địa điểm khai thác bauxit của TKV trên địa bàn hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông. Trong đó phương án cho nhà máy đầu tiên là vị trí lòng hồ Thủy đện Đồng Nai 5. Theo đánh giá của Trung tâm năng lượng tái tạo - Viện năng lượng Bộ Công Thương thì khu vực này có cường độ bức xạ trung bình hàng năm rất tốt, dao động từ 4,97 đến 5,13 kWh/mét vuông-ngày. Ngoài ra, khu vực này cũng có lợi thế là tận dụng được các cơ sở hạ tầng của Nhà máy Thủyđiện Đồng Nai 5 như: Phòng điều khiển trung tâm; Trạm phân phối điện 220kV. Đồng thời tận dụng được nguồn nhân lực quản lý vận hành sẵn có tại phòng Điều khiển trung tâm để cùng vận hành chung cho cả Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 và Nhà máy điện Năng lượng mặt trời. Do đó, rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản cũng nhưđào tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành...
Một lợi thế nữa là vị trí của Trạm phân phối, truyền tải điện của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5 nằm ngay cạnh lòng hồ nên việc đấu nối thêm Nhà máy Năng lượng mặt trời với công suất lắp đặt dưới 50MW vào Trạm phân phối hiện tại không ảnh hưởng đến Trạm và đường dây truyền tải, hoàn toàn có thể truyền tải 100% công suất của cả hai nhà máy vào Hệ thống lưới điện quốc gia thông qua đường dây 220KV-AC400 hiện có. Cũng theo tính toán, trong trường hợp triển khai đồng thời các bước cũng như nhận được sự quan tâm của chính quyềnđịa phương, Tập đoàn và Bộ Công Thương... thì tiến độ dự kiến xây dựng chỉ từ 12-15 tháng.
Hà Anh