Tổng công ty Giấy Việt Nam: Tiết kiệm hàng trăm tấn giấy thải bỏ mỗi năm nhờ cải tiến kỹ thuật

Với vị thế là đơn vị dẫn đầu ngành giấy về quy mô, sản lượng và chất lượng sản phẩm, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất và áp dụng các công cụ cải tiến nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.

giay viet nam

Chi tiết các mô hình điểm tham gia Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất Chất lượng ngành Công Thương năm 2020 

 

Trong suốt những năm qua, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã triển khai nhiều phong trào thi đua lao động, tổ chức các chương trình huấn luyện áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, tạo điều kiện cho các cán bộ công nhân viên phát huy tinh thần sáng tạo, thúc đẩy đơn vị phát triển bền vững và tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn.

Điển hình như CẢI TIẾN CHUYỂN ĐỔI BÁNH TỲ LÔ CUỘN MÁY XEO 1 được triển khai tại Phân xưởng Giấy, Nhà máy Giấy (H.Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Trước đây, do sự sai khác của đường kính các cuộn lô giấy cùng với sự chênh lệch với đường kính bánh tỳ của lô cuộn máy Xeo dẫn đến giấy bị nhăn nhiều, lượng giấy bị xả bỏ lớn, gây lãng phí trong hoạt động sản xuất.

Nhà máy Giấy đã thành lập nhóm cải tiến nhằm triển khai các cải tiến kỹ thuật với mục tiêu khắc phục 100% tình trạng nhăn giấy, giảm lượng giấy bị xả bỏ, qua đó tiết giảm các chi phí có liên quan trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Nhóm cải tiến đã bám sát thực tế sản xuất, phân tích chi tiết từng công đoạn, lập giả định và tiến hành kiểm tra nhiều tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành máy thông qua các mô phỏng trên máy tính. Nhóm cải tiến cũng liên tục hoàn thiện giải pháp, khắc phục các vấn đề mới phát sinh khi áp dụng các cải tiến vào thực tế. Từ đó, nhóm cải tiến đã tìm ra giải pháp hiệu quả, giúp hệ thống máy vận hành đơn giản nhưng vẫn giảm lượng lớn giấy phải xả bỏ, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Việc cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy XEO 1 đã giúp Nhà máy Giấy giảm được 703 tấn giấy xả bỏ mỗi năm, giảm các công đoạn dư thừa, giúp tiết kiệm các chi phí sản xuất liên quan lên đến 1,8 tỷ đồng/năm.

Nhóm cải tiến chia sẻ, bên cạnh những khó khăn về mặt kỹ thuật thì khó khăn lớn nhất là tâm lý ngại thay đổi và thói quen lao động của người lao động. Điều này khiến nhóm cái tiến mất nhiều thời gian để hướng dẫn và phân tích, giúp người lao động dần quen với các thay đổi mới.

Trong suốt quá trình triển khai cải tiến, Ban lãnh đạo, Tổng Công ty Giấy Việt Nam luôn sát sao, tạo điều kiện và ghi nhận những đóng góp của nhóm cải tiến, góp phần lan toả tinh thần luôn cải tiến, nâng cao năng suất – chất lượng đến toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên.

Quang Đặng