Tổng kết thực tiễn từ những chuyến đi cơ sở: Từ bài học điều hành tới mở rộng không gian phát triển

Những chuyến đi cơ sở không chỉ hỗ trợ địa phương giải quyết những bài toán phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, mà còn rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về công tác điều hành, mở rộng không gian phát triển.

Từ bài học điều hành…

Dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương trong buổi làm việc mới đây với TP. Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những chuyến đi cơ sở như thế này không chỉ gắn kết hoạt động thông suốt của ngành Công Thương với các địa phương, khơi dậy nguồn mạch sáng tạo, chủ động của các địa phương trong phát triển công nghiệp thương mại trên địa bàn, mà còn giúp đánh giá những bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những bài học về điều hành trong gắn tăng trưởng với phát triển bền vững.

Hải Phòng đã mở ra một bài học sống động trong tận dụng được lợi thế là địa phương duy nhất miền Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không; trong tăng tốc đầu tư vào hạ tầng kinh tế gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống chợ; nhưng nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bao quát hơn cả là sự năng động, đổi mới trong tư duy, nhận thức, và điều hành hành động của Thành phố, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nhiều dự án công nghiệp, thương mại lớn như LG Electronics; LG Display; LG Innotek;Vinfast; Trung tâm thương mại Aeon...

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cũng cho rằng, sự bứt phá mạnh mẽ của Hải Phòng 3 năm qua có một phần rất lớn đến từ sự điều phối, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Bộ Công Thương đã giúp Thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch phát triển điện lực; thực hiện các dự án công nghiệp, thương mại trọng điểm. Điểm nổi bật là sự điều hành đồng bộ trong phối hợp ngang (Bộ Công Thương và Thành phố) với phối hợp dọc (các đơn vị quản lý thuộc Bộ và các sở, ngành của Thành phố) đã giúp dự án Nhà máy Sản xuất Ô tô Vinfast được triển khai với tốc độ kỷ lục.

Còn nhớ cách đây hơn 1 tháng, trong chuyến công tác tới 3 tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Phước, câu chuyện về hoạt động thương mại và công nghiệp của tỉnh được thẳng thắn mổ xẻ: Giá trị gia tăng công nghiệp còn thấp, sản phẩm chủ yếu là sơ chế; thương mại phát triển nhưng còn gặp khó khăn về liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trên cơ sở đó, Bí thư Nguyễn Văn Lợi đề nghị Bộ Công Thương tham mưu hỗ trợ về cơ chế chính sách để “giải quyết một cách căn cơ vấn đề trên không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn cả nhiệm kỳ tới”, thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cùng với cơ chế, chính sách, công tác điều hành đóng vai trò hết sức quan trọng: “Ngay tại hội trường này, nếu chỉ có chúng ta nói và thỏa thuận với nhau về cơ chế chính sách vẫn là chưa đủ. Chính sách cần mạnh mẽ hơn, công tác điều hành cần được quan tâm hơn nữa để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đến với tỉnh. Phải coi phát triển của tỉnh cũng là việc của doanh nghiệp. Các sở, ngành của Bình Phước phải vào cuộc, tham mưu cho tỉnh tạo môi trường thuận lợi để tối đa hóa hoạt động thu hút đầu tư”.

Ở Đăk Nông, bài học điều hành là sự nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp thương mại. Điển hình là dự án Nhà máy Điện phân Nhôm Đăk Nông do Cty TNHH Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư đã cùng với nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư, đã kết thành chuỗi công nghiệp khai thác, chế biến alumin, luyện nhôm và các ngành phụ trợ đang dần hình thành, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên để phục vụ phát triển toàn diện và bền vững khu vực Tây Nguyên.

vinfast

Các kỹ sư và kỹ thuật viên đang làm việc bên cạnh thân vỏ của mẫu xe LUX SUV

 

… đến mở rộng không gian phát triển

Những chuyến đi cơ sở cũng cho thấy những băn khoăn, trăn trở ở địa phương rất lớn. Đối với Bình Phước là làm sao tự cân đối được ngân sách; Đăk Nông nung nấu với chiến lược phát triển thành trung tâm công nghệ khai thác bô xít- nhôm, luyện kim màu của Việt Nam và xây dựng chuỗi sản phẩm alumin - nhôm thành sản phẩm chiến lược quốc gia; vấn đề bức bách của Lâm Đồng là cơ cấu kinh tế, hiện nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ cột khi chiếm tới 45%; tiếp theo là dịch vụ 37%; cuối cùng là công nghiệp xây dựng chỉ chiếm 18%, làm sao dịch chuyển nhanh sang công nghiệp, dịch vụ?

Đối với Hải Phòng, có lẽ 11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng đều muốn có được những con số “trong mơ” của Thành phố cảng: năm 2018 tăng trưởng GDP 16,25%, gấp 2,4 lần bình quân chung của cả nước; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 25,01%, cao gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 5/63 cả nước; kết cấu hạ tầng thương mại đứng thứ 3 sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; kim ngạch xuất khẩu gần 12 tỷ USD, tăng 41,4%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước…

Mặc dù Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho rằng trong 3 năm gần đây, nhiều chỉ tiêu kinh tế của Thành phố tăng trưởng tốt, đặt nền tảng cho sự phát triển trong những năm về sau, nhưng hiện nay, điều băn khoăn, lo lắng nhất của Thành phố là, theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trong vòng 7 năm Hải Phòng phải nâng tỷ lệ đóng góp lên gấp 2 lần, từ 3,53% hiện nay lên 6,4% trong GDP toàn quốc vào năm 2025 là một sức ép rất lớn. Trong khi đó, trong 15 năm, từ 2003 đến 2017, tỷ lệ đóng góp trong GDP toàn quốc của Hải Phòng mới nâng lên được 1,1 lần, từ 2,97% lên 3,3%. Một chỉ tiêu khác là thu ngân sách trên địa bàn tăng gần gấp 3 lần, từ 80 ngàn tỷ đồng hiện nay lên 180.000 đến 190.000 tỉ đồng năm 2025.

Vậy thì Hải Phòng phải tiếp tục tạo ra những điều kiện nào tạo ra sự tăng trưởng bứt phá như những năm qua để đạt được yêu cầu của Nghị quyết 45?

Theo Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh, muốn tăng trưởng phải tạo ra những không gian bứt phá. Không gian bứt phá của Hải Phòng là gì? Đó là tăng trưởng logistics mới đạt 4-5% mỗi năm là thấp, nhưng cho thấy dư địa cho phát triển còn rất rộng; và hơn nữa đem lại hiệu quả cao vì logistics chiếm bình quân 20% trong cơ cấu sản phẩm.

Một không gian khác là giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng các mặt hàng dệt may, da giày của Thành phố đạt khoảng 30%-40%; nhưng điện tử, một ngành công nghiệp mũi nhọn, có doanh thu cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, chỉ đạt khoảng 10%. Dư địa ở đây theo Bộ trưởng chính là phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút các dự án công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Để tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, cần thêm một không gian nữa là nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 2016-2019 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố đã giảm từ 32,6% xuống còn 31,1%; phải bắt đầu vực dậy từ đây.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Hải Phòng thống nhất chủ trương, cách làm mang tính dài hạn về phát triển công nghiệp, thương mại; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, thương mại, và chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, các cấp, đội ngũ CBCC, viên chức và doanh nghiệp để tận dụng những lợi thế mà hội nhập mang lại.

Bộ Công Thương luôn ủng hộ và sẵn sàng phối hợp liên kết dọc và liên kết ngang với thành phố thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trước mắt, phối hợp với thành phố triển khai các chương trình thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Ngay trong thời gian tới, Bộ sẽ cử một nhóm công tác thương xuyên phối hợp, làm việc với các ngành thành phố, thống nhất các chương trình, kế hoạch cụ thể trong phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, tái cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển thương mại; hình thành trung tâm logistics; xúc tiến thương mại, đầu tư; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cả trong nước và nước ngoài; hỗ trợ đào tạo, phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế..., nhằm góp phần khai thác tối đa tiềm năng, vị thế của thành phố.

Những chuyến đi cơ sở không chỉ hỗ trợ địa phương giải quyết những bài toán phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, mà còn rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về công tác điều hành, mở rộng không gian phát triển, từ đó cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng thể hơn, từ thực tiễn tổng kết thành lý luận trong tham mưu xây dựng cơ chế chính sách.

Nguyễn Văn