Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp  - Qua thực tiễn thi hành tại Hà Nội

PGS.TS. DOÃN HỒNG NHUNG (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) và ThS. LƯU TRẦN PHƯƠNG THẢO (Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam)

TÓM TẮT:

Trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện pháp luật bảo vệ môi trường và thực tiễn tại Thủ đô Hà Nội. Do đó, tại bài viết này, nhóm tác giả nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp qua thực tiễn thi hành tại Hà Nội. Qua đó, đánh giá những điểm tích cực, hạn chế của thực trạng pháp luật trong lĩnh vực này, và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn.

Từ khóa: Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, khu công nghiệp.

I/ MỞ ĐẦU

          Khu công nghiệp là nơi tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh với mật độ lớn. Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, pháp luật trong lĩnh vực này và quá trình thực thi tại thành phố Hà Nội còn gặp một số khó khăn. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ những nội dung đó.

II/ NỘI DUNG

1. Khái niệm và phân loại trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp

          Theo từ điển tiếng Việt: “Trách nhiệm là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải đảm bảo làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả” [1]. Như vậy, trách nhiệm là công việc phải làm dù chủ thể có muốn hay không muốn. Bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp là trách nhiệm của doanh nghiệp. Bởi vì, khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp sẽ tác động tới các yếu tố của môi trường. Và để đảm bảo công bằng với các chủ thể khác trong xã hội, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khu công nghiệp là nơi tập trung sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với mật độ lớn thì khả năng gây ô nhiễm môi trường sẽ cao hơn và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp ở khu vực này cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình và để hậu quả ô nhiễm xảy ra sẽ phải gánh chịu các hậu quả bất lợi.

          Từ phân tích nói trên, chúng ta có thể định nghĩa: Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp là phần việc doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải làm nhằm bảo vệ môi trường, nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu hậu quả bất lợi.

Ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp được biểu hiện dưới nhiều hình thức, khía cạnh khác nhau, nhưng vấn đề nổi bật nhất vấn là ô nhiễm do nước thải, khí thải và chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải nguy hại.  [i]

          Việc phân loại trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp dựa theo các tiêu chí như sau:

          Thứ nhất, phân loại theo nhóm doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, chúng ta có:

- Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

          - Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp.

          Thứ hai, phân loại theo tiến trình xây dựng, hoàn thiện, phát triển của khu công nghiệp, chúng ta có:

- Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

- Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong giai đoạn triển khai xây dựng khu công nghiệp.

- Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong giai đoạn khu công nghiệp đi vào hoạt động;

 Đánh giá khái quát nội dung quy định pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. “Bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp cũng phải tuân theo các nguyên tắc chung về bảo vệ môi trường. Các nguyên tắc bảo vệ môi trường được quy định tại điều 4 Luật Bảo vệ môi trường, trong đó nguyên tắc bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức hộ gia đình và cá nhân được đặt lên hàng đầu…”[ii]

2. Thực trạng pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp qua thực tiễn thi hành tại Hà Nội

2.1. Các quy định của pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp

Các quy định pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Có nhiều nội dung tuân thủ theo các quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, có nhiều nội dung mang tính đặc thù của riêng doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... Chúng ta có thể chia vấn đề trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp thành các nhóm quy định như sau:

          Thứ nhất, các quy định pháp luật về trách nhiệm bảo môi trường của doanh nghiệp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

Ở giai đoạn này, pháp luật tập trung chủ yếu điều chỉnh vấn đề về bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp và nghĩa vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường (trước đây là cam kết bảo vệ môi trường) của doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được quy định cụ thể như sau [2]:

- Quy hoạch các khu chức năng trong khu công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

- Các dự án trong khu công nghiệp có khoảng cách an toàn môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến các cơ sở khác trong khu công nghiệp và các đối tượng kinh tế - xã hội xung quanh khu công nghiệp.

- Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong khu công nghiệp, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh.

- Diện tích cây xanh trong phạm vi khu công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, pháp luật quy định chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có nghĩa vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Chủ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường[3].

          Thứ hai, các quy định pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong giai đoạn triển khai xây dựng khu công nghiệp.

Trong giai đoạn này, trách nhiệm bảo vệ môi trường khu công nghiệp chủ yếu thuộc về doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Song song với quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trong khu công nghiệp, các hạng mục về bảo vệ môi trường phải được xây dựng. Các hạng mục đó gồm: hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (gồm hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn (nếu có), hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác. Đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa phải hoàn thành trước khi khu công nghiệp đi vào hoạt động.

          Ngoài những nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói trên, cùng với tổ chức cá nhân giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp còn phải thực hiện thêm một số nghĩa vụ quan trọng trong giai đoạn này, gồm:

- Quản lý chất thải rắn:

Chủ thể giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đất xây dựng khu công nghiệp có trách nhiệm thu gom và xử lý tất cả các chất thải rắn phát sinh theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn. Đối với chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng có trách nhiệm bố trí địa điểm tạm lưu giữ và trung chuyển chất thải rắn.

- Quan trắc môi trường

Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật phải thực hiện nghĩa vụ quan trắc môi trường theo những cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Sau mỗi đợt quan trắc môi trường, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật phải báo cáo kết quả quan trắc môi trường cho Ban quản lý khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường và phải chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo đó.

          Ở thời điểm cuối của giai đoạn này, nghĩa vụ bảo vệ môi trường khu công nghiệp còn thuộc về chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp. Theo đó, chủ thể này có các nghĩa vụ:

- Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc lập kế hoạch bảo vệ môi trường và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký.

- Ký văn bản thỏa thuận điều kiện đấu nối nước thải với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; đấu nối nước thải của cơ sở vào hệ thống thu gom nước thải của nhà máy xử lý nước thải tập trung dưới sự giám sát của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc phải có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, các quy định pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong giai đoạn khu công nghiệp đi vào hoạt động

          Một là, doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp [4]:

- Vận hành thường xuyên, liên tục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện chương trình quan trắc môi trường khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổng hợp, báo cáo kết quả quan trắc môi trường và công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp gửi Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Hai là, chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có trách nhiệm:

- Đảm bảo toàn bộ chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải vào môi trường. Chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có thể tự mình hoặc ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện để xử lý chất thải theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện chương trình quan trắc môi trườngbáo cáo theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả quan trắc cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

 Ba là, Thực hiện xử lý kết quả quan trắc môi trường.

-  Kiểm tra kết quả: kiểm tra tổng hợp về tính hợp lý của kết quả quan trắc và phân tích môi trường. Việc kiểm tra dựa trên hồ sơ của mẫu (biên bản quan trắc tại hiện trường, biên bản giao và nhận mẫu, biên bản đo tại hiện trường, biểu ghi kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm,...). kết quả mẫu QC (mẫu trắng, mẫu lặp, mẫu chuẩn,...).

-  Xử lý thống kê: Căn cứ theo lượng mẫu và nội dung của báo cáo, việc xử lý thống kê có thể sử dụng các phương pháp khác nhau nhưng tối thiểu phải có các số liệu thống kê về giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất, giá trị trung bình, số giá trị vượt chuẩn.

- . Đánh giá kết quả: So sánh, đối chiếu các kết quả quan trắc đã được kiểm tra, xử lý thống kê với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. [iii]

2.2. Đánh giá ưu điểm, hạn chế trong quy định pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp

Hiện nay, chủ thể có trách nhiệm quản lý trực tiếp vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp là Ban quản lý khu công nghiệp. Tuy nhiên, ở nhiều khu công nghiệp Ban quản lý khu công nghiệp đồng thời là chủ thể kinh doanh cơ sở hạ tầng. Điều đó dẫn tới sự thiếu khách quan trong quản lý môi trường khu công nghiệp nhất là trong trường hợp Ban quản lý khu công nghiệp được ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

          Công tác thực thi pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp tại Hà Nội có những ưu điểm và hạn chế như sau:

          Về ưu điểm:

          - Các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội hầu hết thực hiện nghiêm túc các nội dung của pháp luật bảo vệ môi trường về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản kế hoạch bảo vệ môi trường (trước đây là cam kết bảo vệ môi trường).

bảo vệ môi trường
Nguồn: Nhóm tác giả thống kê từ Báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, tháng 3/2014.

- Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cũng như chủ các cơ sở, sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đã quan tâm hơn đến yêu cầu bảo vệ môi trường, đầu tư công nghệ tốt trong sản xuất và xử lý chất thải. Nhiều chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để giám sát liên tục các nguồn thải và kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố.

          Về hạn chế:

          - Công nghệ xử lý chất thải không được đầu tư đồng bộ. Nhiều khu công nghiệp có công trình bảo vệ môi trường nhưng không được vận hành thường xuyên và kết quả vẫn là xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

          - Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa thực thiện đấu nối hoặc không xây dựng nhà máy xử lý chất thải riêng dẫn tới xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, điển hình là các khu công nghiệp: Quang Minh I, Nội Bài, Sài Đồng B, Thạch Thất - Quốc Oai… [6].

          - Nhiều Ban quản lý khu công nghiệp vẫn đồng thời là đơn vị kinh doanh cơ sở hạ tầng đã tạo ra sự thiếu khách quan; Công nghệ xử lý nước thải trong nhiều khu công nghiệp tại Hà Nội còn lạc hậu; Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp không đấu nối vào hệ thống xử lý chất thải tập trung và cũng không xây dựng nhà máy xử lý chất thải riêng.

3. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn

Thứ nhất, để đảm bảo tính khách quan trong quản lý vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp, pháp luật cần có quy định rõ ràng Ban quản lý khu công nghiệp chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, không được đồng thời là chủ thể kinh doanh trong khu công nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải là đơn vị độc lập, không kiêm nhiệm thêm các vai trò quản lý nhà nước trong khu công nghiệp.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiên quyết không cho phép các khu công nghiệp chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật đi vào hoạt động. Trường hợp khu công nghiệp đã đi vào hoạt động mà chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải bắt buộc phải hoàn thiện ngay. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý chất thải mới và hiệu quả.

Thứ ba, cơ quan nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp phải đấu nối với hệ thống xử lý chất thải tập trung. Nếu không đấu nối vào hệ thống xử lý chất thải tập trung, phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải riêng đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Trường hợp, doanh nghiệp cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm, có thể cho tạm đình chỉ hoạt động bắt buộc cho đến khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp. Việc thanh tra, kiểm tra có thể báo trước, có kế hoạch hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong công tác này, trước hết cần phát huy vai trò của các Ban quản lý khu công nghiệp. Việc phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường cần được coi là một trong những trách nhiệm quan trọng của Ban quản lý khu công nghiệp.

III. KẾT LUẬN

      Hiện nay, pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp luôn được bổ sung và hoàn thiện. Tuy nhiên, còn một số bất cập trong quy định pháp luật ở lĩnh vực này và quá trình thực thi gặp khó khăn. Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp và nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn cần phải triển khai từng bước, đánh giá, rút kinh nghiệm. Các  vấn đề cần  lưu tâm:

Một là, không để Ban quản lý khu công nghiệp kiêm chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp;

Hai là, kiên quyết không cho các khu công nghiệp chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường đi vào hoạt động;

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường khu công nghiệp.

Thông qua những phân tích, đánh giá nói trên chúng ta có thể khẳng định hệ thống các quy phạm pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường khu công nghiệp tương đối đầy đủ. Các quy định đã hướng tới bảo vệ môi trường khu công nghiệp ngay từ khâu lập quy hoạch khu công nghiệp cho tới khi triển khai xây dựng khu công nghiệp và khi khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i] Xem:  PGS.TS. Doãn Hồng Nhung và ThS. Nguyễn Thị Bình (2016)  Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp ở Việt Nam. ISBN: 978-604-82-1870-6.  Nhà Xuất bản Xây dựng, Trang 22

[ii] Xem: PGS.TS.GVCC. Doãn Hồng Nhung (chủ biên), Pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp ở Việt Nam, Sách chuyên khảo. Cuốn sách được nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Đại học quốc gia Hà Nội. Mã số QG.15.61, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 2017.  ISBN 978-604-62-7695-1, trang 50

[iii]  Xem:  Điều 8 Thông tư số 24/2017/tt- BTNMT ngày 01 tháng 09 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường  về quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.1020.
  2. Điều 7 Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  3. Điều 19. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
  4. Điều 15. Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  5. Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, tháng 3/2014.
  6. Linh Giang (2019), Nước thải xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy, website: http://nangluongsachvietnam.vn, truy cập: Thứ ba, 6/8/2019 | 14:00 GMT+7, xem: 7:59 ngày 2/11/2019, http://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Nuoc-thai-xa-thang-ra-moi-truong-gay-o-nhiem-song-Nhue-Day-6-1953-4400.

 

ENVIRONMENTAL PROTECTION RESPONSIBILITIES OF ENTERPRISES LOCATED IN INDUSTRIAL PARKS THROUGH THE PRACTICE IN HANOI

Assoc.Prof. Ph.D DOAN HONG NHUNG

School of Law, Vietnam National University - Hanoi

Master. LUU TRAN PHUONG THAO

Faculty of Law, Vietnam Women’s Academy

ABSTRACT:

Responsibilities of construction, infrastructure development enterprises and production - service enterprises in industrial parks play an important role in the implementation of environmental protection laws and practices in Hanoi. Therefore, this article is to study, analyze and assess the current situation of legal provisions on environmental protection responsibilities of enterprises in industrial parks through the practice in Hanoi to assess positives and limitations of laws in this field. Based on assessments, this article proposes some solutions to improve the effectiveness of law on environmental protection responsibilities of enterprises in industrial parks.

Keywords: Environment proctection, business, industrial park.