Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ YẾN (Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Doanh nghiệp là một tổ chức được thành lập thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Mục tiêu kinh tế là đặc điểm phân biệt doanh nghiệp với các tổ chức xã hội và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Kinh tế phát triển có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp, nhưng xã hội phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, như: sự biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường, thiên tai, dịch bệnh, cũng như tình trạng khoảng cách giầu nghèo ngày càng rộng… Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang là vấn đề nóng bỏng, càng được đề cao và được coi là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ đóng góp của doanh nghiệp đối với xã hội của mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có các cấp độ khác nhau. Trong bài viết này, tác giả chỉ xin được đề cập đến trách nhiệm xã hội ở khía cạnh pháp lý theo Pháp luật Việt Nam được quy định trong Luật Doanh nghiệp.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp.

1. Khái quát về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN) là một khái niệm quen thuộc ngày nay được nhiều người nhắc tới. Nhưng sự ra đời và phát triển của thuật ngữ này lại kéo dài trong thời gian dài với xuất phát điểm từ thế kỷ XIX và tiếp tục được bàn luận, hoàn thiện vào những năm thế kỷ 20 với nhiều khái niệm được đưa ra như năm 1973, Keith Davis đưa ra khái niệm “TNXHDN là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn đề vượt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”. Khái niệm về TNXHDN vẫn được các nhà nghiên cứu tiếp tục phát triển, năm 1999, Archie Carroll đã đưa ra khái niệm khác về TNXHDN “Là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời điểm nhất định. Theo đó, TNXHDN sẽ bao gồm trách nhiệm kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện. Năm 2004, Matten và Moon đã đưa ra khái niệm “TNXHDN là một khái niệm chùm bao gồm nhiều khái niệm khác như đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù”.

Ủy ban Kinh tế Thế giới về Phát triển bền vững đưa ra khái niệm “TNXHDN là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử một cách có đạo đức và góp phần cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung”. Nhiều quan điểm cho rằng, với tư cách là một chủ thể kinh tế trong xã hội, doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn lực của xã hội, khai thác các nguồn lực tự nhiên,… Vì vậy, ngoài việc đóng thuế, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm đối với môi trường, cộng đồng, người lao động.

Tuy có nhiều khái niệm khác nhau về TNXHDN, nhưng nhìn chung chúng ta nhận thấy trong mô hình hệ thống cấp bậc TNXHDN của Archie Carroll (1999) một phần quan trọng trong trách nhiệm cơ bản của doanh nghiệp đó chính là tuân thủ các yêu cầu pháp lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tuân các quy định của pháp luật, tức là họ đã vi phạm pháp luật và như vậy đã không thực hiện được TNXHDN. Vì vậy, tuần thủ pháp luật là một vấn đề quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào khi nói tới TNXHDN.

2. Quy định về TNXHDN trong Luật Doanh nghiệp Việt Nam

Các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp xuất hiện ở các văn bản pháp luật khác nhau tùy vào tững lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Quy định này được chia thành quy định pháp luật chung, quy định pháp luật chuyên ngành. Nguyên tắc áp dụng các quy phạm pháp luật được quy định ngay tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Theo đó, Luật Doanh nghiệp chính là văn bản pháp luật chung áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp chính là các quyền và nghĩa vụ được luật quy định cho doanh nghiệp khi thành lập và thực hiện hoạt động kinh doanh.

Quyền của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được quy định tại điều Điều 7, Luật Doanh nghiệp 2014, với các quy định đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như: “Tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô, ngành, nghề kinh doanh; tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng…”. Cùng với các quyền doanh nghiệp được hưởng, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp phải nói tới các nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện theo yêu cầu của Nhà nước đối với xã hội. Các nghĩa vụ chung nhất cơ bản nhất của doanh nghiệp được quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp. Đây chỉ là những nghĩa vụ tối thiểu mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi kinh doanh. Ngoài các nghĩa vụ chung ra, trong từng lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các nghĩa vụ do luật chuyên ngành quy định. Nghĩa vụ của doanh nghiệp là nội dung chính cần tìm hiểu khi nói về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trong kinh doanh. Nghĩa vụ được trình bày thành các khoản khác nhau tại Điều 8, khi tìm hiểu chúng ta có thể phân chia thành các nhóm trách nhiệm pháp lý sau đây:

- Nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp tuân thủ về điều kiện kinh doanh bao gồm các nghĩa vụ sau đây:

“Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Khi kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật, công bố công khai các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, như: Vốn điều lệ, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, trụ sở kinh doanh cũng như các thông tin liên quan đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp… và các thông tin khác về doanh nghiệp nhằm đưa thông tin tới công chúng và đảm bảo sự quản lý của nhà nước về doanh nghiệp.

“Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”. Trong trường hợp các thông tin về doanh nghiệp như đã nói ở trên có sự thay đổi, doanh nghiệp cần phải thông báo kịp thời tới khách hàng và những chủ thể có liên quan, điều này đảm bảo nguyên tắc trung thực của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh tránh việc gây nhầm lẫn gây thiệt hại cho khách hàng, xã hội.

“Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh nghành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của luật đầu tư và đảm bảo duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trinh hoạt động kinh doanh”. Ngành nghề kinh doanh hiện nay ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm chính, đó là: Ngành nghề cấm kinh doanh doanh nghiệp sẽ không được kinh doanh, danh mục các ngành nghề này được Chính phủ quy định cụ thể; Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện luật định. Các điều kiện kinh doanh có thể là: Điều kiện về giấy phép kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Điều kiện về chứng chỉ hành nghề; Điều kiện về vốn pháp định; Ngành nghề tự do kinh doanh doanh nghiệp được kinh doanh mà không phải thực hiện việc xin phép bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

- Nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng bao gồm:

“Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố”. Đăng ký chất lượng hàng hóa không những nâng cao uy tín và lòng tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp mà còn là một trong những điều kiện pháp lý cần và đủ để một sản phẩm của doanh nghiệp được lưu thông trên thị trường. Để đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, có 2 dạng công bố là công bố hợp tiêu chuẩn và công bố hợp quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn. Đối tượng của công bố hợp chuẩn là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong tiêu chuẩn tương ứng. Công bố hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện. Việc công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn. Còn công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc.

“Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng”. Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh là một dạng đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh có tính đặc thù của hoạt động kinh doanh - do kinh doanh là hoạt động gắn liền với lợi ích kinh tế, do vậy ứng xử hoàn toàn khác với các hoạt động xã hội khác. Các nguyên tắc quan trọng của đạo đức kinh doanh, như: Tính trung thực có nghĩa là không dùng các thủ đoạn gian dối, xảo trá để kiếm lời; Giữ lời hứa; giữ chữ tín trong kinh doanh. Trung thực trong chấp hành luật pháp của Nhà nước, không làm ăn phi pháp như trốn thuế, lậu thuế, không sản xuất, buôn bán những hàng quốc cấm, thực hiện những dịch vụ có hại cho thuần phong mỹ tục… Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, coi trọng hiệu quả gắn với trách nhiệm xã hội.

- Nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế, tài chính đối với Nhà nước:

Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê. Hiện nay, công tác lập báo cáo tài chính của Doanh nghiệp được thực hiện theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Theo đó, Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính (BCTC) phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về: Tài sản; Nợ phải trả; Vốn chủ sở hữu; Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác; Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; Các luồng tiền. Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày BCTC.

Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Nộp thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp, khi thành lập để kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đóng các loại thuế, như: Thuế môn bài được nộp theo năm theo các bậc thuế, phụ thuộc vào mức vốn Điều lệ của doanh nghiệp; Thuế Giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp… Doanh nghiệp phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế với cơ quan thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế. Đối với loại thuế khai theo tháng, quý hoặc năm, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc doanh nghiệp đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế. Đối với loại thuế khai theo tháng hoặc khai theo quý, kỳ tính thuế đầu tiên được tính từ ngày bắt đầu hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế đến ngày cuối cùng của tháng hoặc quý.

- Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động:

“Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.”

Lao động là nguồn lực đầu vào quan trọng của doanh nghiệp, tạo ra giá trị thặng dư của doanh nghiệp. Trong mối quan hệ với doanh nghiệp, người lao động luôn ở thế yếu do sự mất cân bằng về cung cầu trên thị trường lao động. Tôn trọng nhân phẩm của người lao động chính là một trong những yêu cầu về đạo đức kinh doanh. Hiện tượng bóc lột lao động thông qua việc sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức làm việc trong môi trường và điều kiện không đảm bảo vẫn diễn ra, nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cùng đó, vấn đề về quyền lợi của người lao động liên quan đến tiền lương, thưởng và các chính sách về bảo hiểm hiện nay không ít doanh nghiệp vi phạm. Các quy định của Luật Lao động đưa ra nhằm bảo về quyền lợi của người lao động theo hướng lợi ích đặt ra doanh nghiệp phải đáp ứng cho người lao động ở mức tối thiểu, trách nhiệm nghĩa vụ ở mức tối đa. Doanh nghiệp cần thực hiện các quy định về mức lương tối thiểu vùng cũng như các quy định về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đảm bảo quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thể thương lượng với doanh nghiệp thông qua việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể làm căn cứ cùng với quy định của Bộ luật Lao động bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuân thủ quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cũng là một vấn đề cần được thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng buộc người lao động hoặc chấp nhận cho người lao động làm thêm quá giờ quy định của Luật Lao động Việt Nam. Thực hiện tốt trách nhiệm đối với người lao động cũng chính là doanh nghiệp đang thực hiện tốt nguyên tắc về đạo đức trong kinh doanh đó chính là tôn trọng con người.

- Trách nhiệm của doanh nghiệp với trật tự chung của xã hội:

“Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh”. Kinh doanh vì mục đích lợi nhuận nhưng phải trong khuôn khổ giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, tạo ra sự phát triển ổn định và bền vững. Vấn đề về môi trường đang là bức xúc hiện nay ở Việt Nam. Kinh doanh của các doanh nghiệp có tác động rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng tới điều kiện sống của xã hội. Chúng ta không thể sống tốt được chỉ với điều kiện vật chất tốt nhưng môi trường lại bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện một cách nghiêm túc nghĩa vụ pháp lý. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm an toàn lao động, sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường. Các sản phẩm của Việt Nam nhưng thực chất là lắp ráp ở Việt Nam từ các linh kiện nhập từ Trung Quốc. Vụ cháy Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, trách nhiệm của nhà máy đối với người dân? Vụ nước sạch Sông Đà nhiễm dầu thải vẫn cấp cho hàng vạn người dân Hà Nội sử dụng. Các vụ sản xuất thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người, như nước tương có chứa chất 3-MCPD gây ung thư, bánh phở chứa phormol, thực phẩm chứa hàn the, sữa có chứa melamine. Mới đây nhất, chính là vụ ngộ độc thực phẩm đối với sản phẩm pate Minh Chay khiến nhiều người tiêu dùng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch phản ánh trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm hiện nay của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về lương, chế độ bảo hiểm,... Vấn đề an toàn lao động cho người lao động cũng không còn là hiện tượng hiếm thấy, đã và đang gây bức xúc cho xã hội. Tất cả những vi phạm đó đều vi phạm về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Tuân thủ pháp luật mới chỉ là mức độ cơ bản của trách nhiệm xã hội. Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm trách nhiệm pháp lý còn phổ biến như trên, việc nâng cao TNXHDN trước hết phải nâng cao trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh, tối thiểu nhất là tuân thủ các quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp chính là nền tảng để xây dựng TNXHDN ở Việt Nam. Thực tế trên thế giới đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp nào thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì lợi ích của họ không những không giảm đi, mà còn tăng thêm. Những lợi ích mà doanh nghiệp thu được khi thực hiện trách nhiệm xã hội bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới.

3. Kết luận và kiến nghị

Quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân Việt Nam theo Hiến pháp 2013 đó là “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Doanh nghiệp là tổ chức thành lập thực hiện hoạt động kinh doanh và hiện thực hóa nội dung của quyền tự do kinh doanh của công dân. Theo đó, doanh nghiệp được quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận và tăng số lượng việc làm, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để kinh doanh phát triển bền vững và ổn định, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, với cộng đồng. Trong các khía cạnh của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, trách nhiệm tuân thủ pháp luật chính là một phần của bản “cam kết” giữa doanh nghiệp và xã hội. Chính vì vậy, tuân thủ pháp luật chỉ được coi là sự đáp ứng những đòi hỏi, chuẩn mực tối thiểu mà xã hội đặt ra để doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ pháp luật một cách công bằng và đáp ứng được các chuẩn mực và giá trị cơ bản mà xã hội mong đợi ở họ. Trách nhiệm kinh tế và pháp lý là hai bộ phận cơ bản và có tính định lượng rõ ràng hơn so với trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm từ thiện (nhân văn). Thực hiện trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý là yêu cầu bắt buộc của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, nó được đo lường bởi tiêu chí cụ thể mà xã hội có thể nhìn nhận được. Trong quá trình tìm hiểu về TNXHDN dưới góc độ pháp lý được quy định trong Luật Doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn đưa ra kiến nghị sau đây nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp cần quy định cụ thể về các trách nhiệm pháp lý mà doanh nghiệp phải gánh chịu khi không thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Khi kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp, văn bản pháp luật đầu tiên nhà đầu tư cần tìm hiểu đó chính là Luật Doanh nghiệp. Ngoài việc tìm hiểu các mô hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cũng chính là văn bản mà những người kinh doanh tiếp xúc tìm hiểu về các nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp phải thực hiện khi tiến hành kinh doanh. Các quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp càng cụ thể về nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với Nhà nước, các loại thuế mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp khi kinh doanh. Quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp về đảm bảo chất lượng sản phẩm, các trách nhiệm pháp lý doanh nghiệp phải gánh chịu khi có sự vi phạm về chất lượng sản phẩm, vi phạm về môi trường,… Trách nhiệm pháp lý mà doanh nghiệp bị áp dụng là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, hoặc trách nhiệm dân sự và đó chính là biện pháp có hiệu lực nhất trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Từ các quy định của Luật Doanh nghiệp về biện pháp cưỡng chế doanh nghiệp gánh chịu khi không thực hiện nghĩa vụ, những nhà đầu tư có thể hình dung ra trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở mức tối thiểu là chấp hành, tuân thủ các nghĩa vụ của doanh nghiệp, biết được các trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu khi không thực hiện các nghĩa vụ đó. Những quy định ban đầu này cũng là một bước sàng lọc, loại bỏ những kẻ lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh kiếm lợi nhuận một cách bất chấp.

Thứ hai, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hiện pháp luật đối với doanh nghiệp, trước hết là những người chủ, quản lý doanh nghiệp. Hiểu biết về pháp luật sẽ hình thành nên ý thức về pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi phù hợp với quy định của pháp luật. Trách nhiệm xã hội không phải là chỉ đi làm từ thiện một cách đơn thuần, mà nó phải trên nền tảng cơ bản là kinh doanh đúng pháp luật. Người làm chủ, quản lý doanh nghiệp có thể nói họ là tấm gương sáng, là nhân tố quan trọng trong việc hình thành triết lý kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Khi họ được trang bị kiến thức, hiểu biết về pháp luật, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi kinh doanh,... sẽ dẫn dắt doanh nghiệp kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, mà trước hết là trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với Nhà nước cũng như xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp.
  2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
  3. Nguyễn Ngọc Thắng (2015). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Phạm Văn Đức (2010). Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách. Tạp chí Triết học, số 2 (213), tháng 2/2009. http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Chinh-tri-Xa-hoi/Trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-o-Viet-Nam-Mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-cap-bach-621.html.
  5. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Kinh nghiệm một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam <http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-kinh-nghiem-mot-so-quoc-gia-va-khuyen-nghi-cho-viet-nam-302704.html>
  1. Công ty Luật PLF (2013), Hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa <https://doanhnhansaigon.vn/tu-van/huong-dan-dang-ky-tieu-chuan-chat-luong-hang-hoa-1051151.html>

THE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITIES

ACCORDING TO VIETNAM’S LAW ON ENTERPRISES

• Master. NGUYEN THI YEN

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

An enterprise is an established organization that does activities to generate profits. The goal of profit is an characteristic that distinguishes enterprises from social organizations and this goal also demonstrates the responsibility of enterprises to society. Enterprises greatly contribute to the economic development but society faces many problems such as climate change, environmental problems, natural disasters, epidemics as well as the gap between the rich and the poor. Corporate social responsibility is one of the most concerning issues and is viewed as the most important criteria for evaluating the contribution of businesses to society, especially in developing countries like Vietnam. There are different levels in the corporate social responsibility and this paper only presents the Corporate social responsibility in terms of legal aspects according to Vietnam’s laws including Law on Enterprises.

Keywords: Social responsibility, enterprises, corporate social responsibility, Law on Enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]