Triển khai mô hình trường học thông minh ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

ThS. TRẦN VĂN THỌ (Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trước tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, việc dạy học trực tuyến (online) không chỉ là biện pháp tình thế, mà còn là một xu hướng chủ đạo, nhằm hướng đến mô hình “trường học thông minh” của hệ thống giáo dục Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0. Ngành Giáo dục Việt Nam phải xem đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Bài viết nghiên cứu quá trình triển khai dạy và học online, đưa ra giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho đội ngũ nhà giáo, giảm tải các thủ tục hành chính. Để việc dạy học online thu hút được sự tập trung, hứng thú của người học đạt hiệu quả như lớp học truyền thống, ngành Giáo dục cần phải có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học online, sớm công nhận dạy học trực tuyến là phương thức dạy học chính thức.

Từ khóa: dạy học trực tuyến, dạy học online, E-Learning, trường học thông minh, giáo dục thông minh, giáo dục hiện đại.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục thông minh (GDTM) là một xu thế mới của giáo dục thế giới. Nhằm xây dựng quốc gia thông minh, nhiều quốc gia đã hướng đến xây dựng nền giáo dục thông minh để đào tạo các thế hệ công dân thông minh. Là mô hình trường học tiên tiến, trường học thông minh (THTM) tạo cơ hội và điều kiện để nhà trường tăng cường năng lực thích ứng, phát triển cân bằng trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội nói chung; người học được khám phá và kiến tạo tri thức, phát triển năng lực tự chủ và thích ứng, tư duy sáng tạo thông qua những hướng dẫn sư phạm có tính cá biệt hóa, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu cá nhân; tăng tầm quan trọng, độ tin cậy, tăng tính hữu ích, tính linh hoạt của nội dung chương trình giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông minh (CNTM) cho giáo dục nhà trường đã định hình lại cảnh quan giáo dục bằng cách chuyển đổi nội dung và phương thức tiếp nhận/cung cấp học tập cũng như cách thức các hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức, quản lý nhà trường. Ở Việt Nam, những yếu tố của mô hình THTM xuất hiện cách đây chưa lâu và còn khá mới mẻ nên thông tin về các nghiên cứu liên quan ở Việt Nam còn tản mạn. [6]

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu thì ngành Giáo dục Việt Nam đã cho triển khai việc dạy học online không chỉ là biện pháp tình thế, mà còn là một xu hướng chủ đạo hướng đến mô hình “trường học thông minh” của hệ thống giáo dục Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0. Việc dạy học online đã được nhiều trường học hưởng ứng và lựa chọn khi người học (học sinh, sinh viên) không đến lớp nhằm đảm bảo phần nào tiến độ học tập. Hình thức dạy học online được triển khai thông qua các ứng dụng phù hợp với từng đối tượng người học, các trường cũng đã tổ chức tập huấn cho người dạy (giáo viên, giảng viên) về cách sử dụng các phần mềm nhằm đạt hiệu quả tối đa trong quá trình dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, việc dạy học online trong thời gian qua tại một số trường vẫn chưa thu hút được sự tập trung, hứng thú của người học để đạt hiệu quả cao như lớp học truyền thống.

Một nghiên cứu để làm rõ các nội dung về dạy học trực tuyến (online), giáo dục thông minh (smart education), trường học thông minh (smart school) có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao năng lực thích ứng và chất lượng giáo dục nhà trường. Từ đó, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc phát triển THTM ở Việt Nam trong tương lai.

2. Phương pháp nghiên cứu

  • Dạy học trực tuyến

Dạy học trực tuyến (hay còn gọi dạy học online, e-learning) là phương thức giảng dạy thông qua các thiết bị điện tử có kết nối mạng (như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh,…) đến một máy chủ ở nơi khác. [12]

Trên máy chủ có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho người học tham gia học trực tuyến từ xa. Người dạy có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN). Từ đó, người học sẽ tiếp thu bài nhanh chóng và giờ học trở nên hấp dẫn, sinh động hơn.

Dạy và học trực tuyến là một hình thức đào tạo qua mạng có nhiều đổi mới hơn so với dạy và học truyền thống. Nó cung cấp cho người học sự kết hợp hài hòa giữa nhìn, nghe và sự chủ động tích cực trong hoạt động. Chính nhờ vào lợi ích đó, đào tạo qua mạng đã mang lại rất nhiều hiệu quả cho việc học tập. Điển hình như: thu hút được nhiều đối tượng người học trên phạm vi toàn cầu, cắt giảm được nhiều chi phí xuất bản, in ấn tài liệu. Người học trực tuyến có thể chủ động chọn những kiến thức phù hợp với mình, qua đó hiệu suất học có khi còn cao hơn so với hình thức tiếp thu thụ động trên lớp. Cùng với việc đánh giá được nhu cầu thực tế, học trực tuyến có thể áp dụng cho tất cả các nhu cầu cụ thể nhất.

Ngoài ra, dạy học online đồng bộ còn giúp cho người học có khả năng tự kiểm soát tốc độ học của mình sao cho phù hợp với bản thân, vẫn đảm bảo được chất lượng học tập mà không cần phải có những phần hướng dẫn.

Chính vì những đặc điểm trên, dạy học online đang là một giải pháp tối ưu nhất với sự thu hút đông đảo người dạy, người học về nhiều trình độ và cấp học khác nhau.

  • Giáo dục thông minh

GDTM là xu thế mới của giáo dục hiện đại. Nhằm xây dựng quốc gia thông minh, nhiều quốc gia đã hướng đến xây dựng nền GDTM để đào tạo các thế hệ công dân thông minh. Ở Việt Nam, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu. là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, do vậy, ngành Giáo dục ở Việt Nam đang rất quan tâm, đẩy mạnh mô hình trường học thông minh (THTM) nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội thông minh.

Thuật ngữ Giáo dục thông minh (Smart Education), không chỉ hàm ý một nền giáo dục ‘thông minh’, mà hơn thế nữa, SMART còn là từ viết tắt để diễn tả các đặc trưng của GDTM như sau: Self-directed (Tự định hướng), Motivated (Có động cơ), Adaptive (Có khả năng tương thích), Resource enriched (Có nguồn học liệu phong phú), và Technology embedded (Có áp dụng công nghệ).

Theo đó, giáo dục truyền thống khi dịch chuyển sang GDTM sẽ được hình dung như sau: 

Hình: Mô hình chuyển dịch

mo_hinh_chuyen_dich

Các nhà cải cách giáo dục và các nhà nghiên cứu nhìn nhận GDTM từ những góc độ tương đối khác nhau. Tikhomirov [3] hình dung GDTM là “việc hiện đại hóa tổng thể tất cả các quy trình đào tạo”, GDTM phải được thực hiện ở một mô hình đại học mới mà ở đó công nghệ thông tin truyền thông (ICT - Information and Communications Technology) phối hợp với các khoa chuyên môn sẽ tạo ra một chất lượng hoàn toàn mới trong quy trình, trong kết quả đào tạo, nghiên cứu, kinh doanh và trong các hoạt động khác của trường đại học. Tính ‘smart’ trong giáo dục phải được thể hiện ở việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như bảng thông minh, màn hình thông minh và truy cập Internet không dây ở bất cứ nơi nào. [1]

Trong khi đó, IBM [4] định nghĩa GDTM là “một hệ thống giáo dục đa ngành, lấy người học làm trọng tâm”. Hệ thống này kết nối các trường, các đại học và các cơ sở dạy nghề, sử dụng: (1) Các chương trình học và học bạ có tính tương thích cho người học; (2) Các công nghệ và nguồn học liệu có tính phối kết hợp cho cả người học và người dạy; (3) Máy tính hóa công tác quản trị, giám sát và báo cáo để duy trì người dạy đứng lớp; (4) Thông tin về người học được thu thập chính xác và đầy đủ hơn, và (5) Nguồn học liệu trực tuyến có sẵn để người học truy cập dễ dàng ở khắp mọi nơi.

Có thể nhận định rằng, dù trọng tâm của GDTM là vấn đề gì thì nền tảng cơ bản, thiết yếu của GDTM chính là các công nghệ mới lạ (novel technologies).

  • Trường học thông minh

Khi xem xét nguồn gốc THTM, các nghiên cứu quốc tế thường đề cập đến những yêu cầu chuyển đổi mô hình nhà trường là yếu tố cần thiết để giáo dục nhà trường theo kịp những thay đổi mới nhất của kỷ nguyên tin học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đào tạo công dân cho thời đại mới, thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự ra đời của Internet và ứng dụng ngày càng rộng rãi của Internet, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập nói chung đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự hợp nhất của các công nghệ, sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ của “trí tuệ nhân tạo - AI”, Internet kết nối vạn vật, hệ thống kết hợp thực - ảo,... làm mọi vật trong thế giới trong đó có con người có thể kết nối, tác động với nhau bằng các tương tác thông minh. [6]

  • Định nghĩa

THTM là mô hình trường học tiên tiến hướng tới đào tạo công dân thông minh nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập thông minh, hướng đến phát triển quốc gia thông minh.

THTM là hệ thống trường học tiên tiến được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, thỏa mãn các tiêu chí giáo dục 4.0 như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo; kết nối vạn vật thông qua Internet; chia sẻ nguồn thông tin, dữ liệu khổng lồ; điều khiển, quản lý bằng các thiết bị tự động. [13]

THTM được xem là mô hình trường học triển khai giáo dục thông minh gắn với các dạng thức hiện đại hóa cơ sở vật chất và tận dụng tối đa công nghệ hướng tới một nền giáo dục chất lượng cao. [3]

THTM là “trường học linh hoạt theo đặc điểm và khả năng của người học”. [4]

THTM là “một cơ sở giáo dục thông qua các quy trình giảng dạy và thực hành quản lý giáo dục nhằm thúc đẩy những thay đổi có tính hệ thống, giúp người học khắc phục được những thách thức đặt ra từ kỷ nguyên công nghệ thông tin” [5; tr 3]. THTM được nhấn mạnh là mô hình mà các quá trình và hoạt động của nhà trường được tối ưu hóa nhờ sử dụng và khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại. Nhà trường bên cạnh việc tập trung kích thích suy nghĩ, sáng tạo và chăm sóc người học còn quan tâm đến việc xem xét những khác biệt cá nhân và phong cách học tập của cá nhân người học. [9]

Mặc dù các tiếp cận để định nghĩa THTM ở các góc độ nghiên cứu có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên, nội dung nổi bật được thống nhất cho thấy: THTM là trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho người học nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong đào tạo thế hệ trẻ. [6]

  • Nền tảng

Một THTM sẽ được hình thành và quản lý dựa trên 3 nền tảng: Hệ thống quản trị tổng thể trường học thông minh, Hệ thống thư viện điện tử thư viện thông minh và Hệ thống đào tạo trực tuyến Smart Elearning. [13]

- Hệ thống quản trị tổng thể trường học thông minh: Hệ thống này sẽ quản lý toàn diện mọi hoạt động bên trong THTM từ cơ sở vật chất, tài chính, lịch giảng dạy, nội dung đào tạo cho đến hoạt động tuyển sinh, công tác học sinh - sinh viên hay phúc lợi, tiền công cho nhân sự… Hệ thống còn là công cụ hỗ trợ kết nối Nhà trường - Phụ huynh - Học sinh, sinh viên.

- Hệ thống thư viện điện tử, thư viện thông minh: Hệ thống dựa trên nền tảng hiện đại đi từ thiết kế mang tính cách nhân hóa phù hợp với văn hóa từng khu vực, từng địa phương cho hệ thống thư viện, các khu học liệu, phòng ban, tra cứu, giải trí đến các trang thiết bị và nội thất được thiết kế riêng, thoải mái nhất cho người dùng. Hệ thống được kết nối giữa phần mềm điện tử và thư viện số - một nền tảng quản lý hệ thống thư viện với các trang thiết bị an ninh thư viện.

- Hệ thống đào tạo trực tuyến Smart Elearning: Hệ thống này cung cấp các khóa học trực tuyến với khối lượng kiến thức khổng lồ, phong phú, được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên, chuyên gia có chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm. Đặc biệt, chỉ cần có thiết bị kết nối Internet, người học có thể học tập bất cứ đâu, bất cứ khi nào và không giới hạn số lần học.

Bên trên là 3 nền tảng chung để hình thành một THTM. Trong số đó, có một mắc xích tuy khá nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành một THTM, đó là Phòng học thông minh (PHTM) sẽ được trình bày ở phần sau của bài viết.

  • Đặc điểm

Mặc dù có sự khác nhau nhưng những mô tả về THTM được nhấn mạnh ở những nội dung sau:

- Mục tiêu của THTM nhằm chuẩn bị và thúc đẩy lực lượng lao động - chủ nhân của thế kỷ XXI có những kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu và thách thức của xã hội công nghệ hiện đại;

- Người học là trung tâm, được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại và chất lượng; được học phù hợp theo nhu cầu và tốc độ, đặc điểm và hoàn cảnh cá nhân;

- THTM cung cấp môi trường giáo dục thông minh cho người học.

- CNTM đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh đó. Công nghệ gồm phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần cứng phần lớn là các thiết bị giúp người học học tập hiệu quả và dễ dàng, phần mềm đề cập đến tính linh hoạt và thích ứng với các công nghệ học tập như điện toán đám mây, big data, học tập phân tích, công cụ thích ứng,... tạo nên tính hấp dẫn, mở rộng cơ hội phát triển và cung cấp các dịch vụ của nhà trường.

THTM có sự hội tụ của các yếu tố: sư phạm thông minh, học tập thông minh, môi trường giáo dục thông minh. Trong sự tương tác của các yếu tố đó, vai trò và phương thức hoạt động của người học, người dạy, của lãnh đạo và quản lý nhà trường đã có sự thay đổi, khác biệt so với trường học truyền thống. Người học là trung tâm và được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển học tập thông minh. Nhà trường trở thành một tế bào, một mắt xích quan trọng trong thế giới kết nối với các trường học, với các tổ chức học tập khác và với cộng đồng nói chung.

  • Phòng học thông minh

Tương tự như trường học thông minh, phòng học thông minh (PHTM) cũng phải đáp ứng các tiêu chí của giáo dục 4.0. PHTM hay lớp học thông minh (LHTM) là hướng đến cho người học, người dạy, người làm công tác trong môi trường giáo dục có đầy đủ những ứng dụng, trang thiết bị của thời đại mới - thời đại của ngành CNTT phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách thời gian giảng dạy của người dạy nhưng vẫn đảm bảo được nội dung với lượng kiến thức truyền đạt nhiều hơn cho người học.

PHTM tích hợp đầy đủ các công cụ dạy và học có được từ việc kết nối các thiết bị như máy vi tính, màn hình tương tác, bục giảng thông minh, hệ thống âm thanh, máy chiếu vật thể…, máy tính được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết như: sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo đúng với sách giáo khoa chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và một phần mềm quản lý, phần mềm giúp cho người dạy thực hiện tổ chức toàn bộ quá trình dạy và học trong một giờ dạy - bao gồm các hoạt động tương tác giữa thầy và trò thông qua việc sử dụng các thiết bị đã tích hợp trong PHTM.

Với các giải pháp toàn diện chia theo từng cấp độ như trên, PHTM sẽ là các tế bào, những giá trị cốt lõi trong việc hình thành THTM. Nhiều công ty và tổ chức giáo dục đang nỗ lực từng bước để cung cấp các giải pháp về THTM và PHTM, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giảng dạy và học tập của tất cả mọi người học.

  • Những bài học kinh nghiệm để Việt Nam triển khai mô hình trường học thông minh

Việt Nam có nhiều cơ hội để triển khai mô hình THTM và dạy học online. Hiện nay, nhiều tỉnh/thành phố đã xây dựng các đề án hoặc đang thí điểm triển khai mô hình này như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng,... Những khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ mô hình trường học truyền thống bình thường sang mô hình THTM với những thách thức về ứng dụng công nghệ hiện đại là điều không thể tránh khỏi trong điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay. Từ những nghiên cứu về THTM và thực tiễn thành công chuyển đổi, phát triển THTM của một số nước trên thế giới, một số bài học kinh nghiệm hữu ích giúp định hướng cho Việt Nam là: [1]

  • Xây dựng chiến lược phát triển mô hình trường học thông minh ở Việt Nam

Chiến lược phát triển THTM là căn cứ quan trọng để định hướng hệ thống giáo dục và cộng đồng quan tâm tích cực đối với mô hình này. Đó là cơ sở để có sự đầu tư về tài chính, chuẩn bị các điều kiện sư phạm cần thiết cho THTM. Từ đó, thống nhất ý chí, niềm tin, định hướng và thúc đẩy hành vi cho các nhà quản lý, người dạy, người học, phụ huynh và cộng đồng đối với mô hình THTM. Do vậy, để phát triển mô hình THTM ở Việt Nam, cần có sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để cùng với ngành Giáo dục hiện thực hóa mô hình THTM.

  • Triển khai các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phát triển trường học thông minh trong điều kiện Việt Nam hiện nay

Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục giữ vai trò quan trọng. Các nghiên cứu về THTM trên phương diện lý luận và thực tiễn cần được đầu tư và triển khai nhằm xác định đúng đắn bản chất, đặc điểm, yêu cầu để phát triển THTM. Những nghiên cứu, phân tích về mô hình trường học hiện tại, xác định khoảng cách giữa điều kiện và trình độ của Việt Nam so với yêu cầu, đặc điểm của THTM, từ đó tìm kiếm các con đường, phương thức thực hiện khả thi cho Việt Nam.

  • Xây dựng và thiết kế chưong trình giảng dạy thông minh

Nhằm tạo ra môi trường tương tác thông minh cho người học, THTM cần có chương trình giảng dạy thông minh có tính tổ hợp cao, linh hoạt và có tính mở. Nội dung chương trình đáp ứng yêu cầu cung cấp kiến thức nền tảng, phát triển năng lực người học đáp ứng yêu cầu của người lao động trong xã hội hiện đại với bối cảnh ứng dụng sâu rộng công nghệ hiện đại. Chương trình phải được xây dựng theo hướng làm tăng hứng thú học tập, tăng khả năng học tập cho người học, tăng tính hiệu quả của chương trình. Trên cơ sở đó, THTM tạo ra môi trường học tập tích cực, người học có thể học với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu và tốc độ cá nhân.

  • Chuẩn bị chu đáo đội ngũ giảng dạy đáp ứng yêu cầu của trường học thông minh

Đội ngũ giảng dạy thông minh là yếu tố quyết định thành công của THTM. Vấn đề đào tạo và phát triển đội ngũ giảng dạy đáp ứng yêu cầu THTM được đặt ra một cách tất yếu. Việc tiến hành tập huấn, bồi dưỡng và phát triển năng lực người dạy theo nhiều giai đoạn kế tiếp có tính đến đặc điểm về trình độ người dạy, văn hóa bản địa,... Cần thiết phải có đánh giá thực trạng người dạy về số lượng, chất lượng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí dạy học trong THTM; xác định nhu cầu và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Để dạy học hiệu quả trong lớp học thông minh, người giảng dạy cần phải: có chuyên môn vững vàng, có năng lực sư phạm hiện đại, năng lực công nghệ để sử dụng, phối hợp các thiết bị thông minh trong giảng dạy và hỗ trợ người học học tập tốt nhất. Người dạy phải xây dựng các chiến lược giảng dạy và hỗ trợ học tập phù hợp với từng đối tượng người học để các em có thể được học theo tốc độ và nhu cầu phù hợp với các hình thức học tập rộng mở. Người dạy học cần có phương pháp giảng dạy đa dạng, ưu tiên các phương pháp dạy học tăng tính trải nghiệm, khám phá cho người học. Bên cạnh đó, người dạy cần có ý tưởng sáng tạo và luôn khuyến khích người học sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có kỹ năng cộng tác và truyền thông tốt. Đặc biệt là có khả năng thúc đẩy và thu hút người học học hỏi, khám phá và sáng tạo. Và như thế, người dạy phải có ý thức và không ngừng phát triển nghề nghiệp liên tục.

  • Phát triển lãnh đạo, quản lý trường học thông minh

Lãnh đạo và quản lý nhà trường có vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, thực hiện chia sẻ tầm nhìn và dẫn dắt, hỗ trợ cho các thành viên nhà trường chuyển đổi từ sư phạm truyền thống sang sư phạm thông minh. Thực hiện chuyển đổi mô hình trường học đòi hỏi lãnh đạo, quản lý nhà trường phải công nhận và sử dụng “sức mạnh của công nghệ” để nâng cao hiệu quả học tập của người học; đồng thời “sử dụng thời gian, tài chính và nhân viên hiệu quả hơn”. Bên cạnh đó, cần làm rõ mô hình nhân cách của lãnh đạo, quản lý trường học thông minh; lập kế hoạch trong đó xác định cụ thể mục tiêu và lộ trình cụ thể cho đào tạo và bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý THTM.

Lãnh đạo, quản lý THTM cần phát triển hệ thống năng lực như: (1) Năng lực lập kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường theo các giai đoạn của mô hình THTM; (2) Năng lực lãnh đạo, điều hành người dạy tiếp cận với các nguồn lực để phát triển liên tục nghề nghiệp; (3) Năng lực kết nối và tạo lập mối liên hệ giữa các thành viên, tổ chức trong và ngoài nhà trường; (4) Năng lực hỗ trợ và cố vấn cho người dạy, cán bộ nhà trường; (5) Năng lực thích ứng và sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và lãnh đạo nhà trường; (6) Năng lực huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển THTM; (7) Năng lực phân tích và giải quyết vấn đề, hóa giải kịp thời những khó khăn phát sinh trong hoạt động của nhà trường; (8) Năng lực chia sẻ, tạo động lực tham gia hoạt động sư phạm thông minh cho các thành viên nhà trường. Các cán bộ lãnh đạo và quản lý nhà trường cần có nhận thức đúng đắn và xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cho mình một cách phù hợp.

  • Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh

Đây là các yếu tố điều kiện quan trọng, ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động sư phạm thông minh, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy của người dạy, người học, cũng như công tác quản lý các nhà trường. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh phục vụ hoạt động sư phạm thông minh của nhà trường cần được nghiên cứu, kế hoạch hóa hoạt động đầu tư, xác định và lựa chọn các hạng mục đầu tư để đảm bảo các yếu tố đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Hệ thống máy tính có nối mạng Internet, bảng tương tác, bục giảng thông minh, máy tính bảng cá nhân cho người học, hệ thống băng thông rộng chất lượng cao, hệ thống các phần mềm dạy và học, hệ thống các phần mềm quản lý, hệ thống camera giám sát và điều khiển các hoạt động của nhà trường,... là những hạng mục cần được xem xét để đầu tư cho nhà trường.

  • Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển trường học thông minh

Chính sách hỗ trợ phát triển THTM là hữu ích cho quá trình chuyển đổi, duy trì và phát triển bền vững các yếu tố của THTM. Sự chuyển đổi sang THTM là quá trình chuẩn bị về nhân lực, vật lực, tài lực để đáp ứng những yêu cầu mới. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ về pháp lý, chính sách khuyến khích phát triển THTM; chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ nhà trường thông minh, chính sách hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giảng dạy THTM, chính sách huy động cộng đồng hỗ trợ và giám sát THTM, chính sách phát triển quản lý thông minh trường học.

3. Kết luận

THTM là mô hình trường học phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại, là mô hình trường học thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống xã hội và đáp ứng những yêu cầu đào tạo công dân thông minh để xây dựng quốc gia thông minh, khởi nghiệp. Chuyển đổi từ trường học bình thường sang THTM là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và cần được thực hiện đồng bộ. Quá trình này phải trải qua nhiều giai đoạn tương ứng với những đầu tư về cơ sở hạ tầng, trình độ cán bộ quản lý, trình độ của đội ngũ giảng dạy nhận thức về xã hội và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các bài học kinh nghiệm rút ra qua nghiên cứu quá trình chuyển đổi của một số quốc gia là những gợi ý, tư liệu tham khảo để phát triển THTM ở Việt Nam hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Văn Long, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Ngọc Anh (2018). Tổng quan về giáo dục thông minh và đại học thông minh. Trường Đại học Giao thông Vận tải.
  2. Colleen, H. & Vladimir L. Uskov. (2018). Smart Innovation, Systems and Technologies. In chapter 2,  Smart Innovation, Systems and Technologies. UK: Springer International Publishing AG.
  3. Tikhomirov, V. & Dneprovskaya (2015). Development of strategy for smart university. Open Education Global International Conference, Banff, Canada. 22-24 April.  Norway: Open Praxis.
  4. IBM. (2018). Smart Education. https://www.ibm.com/smarterplanet/global/file/au_en_uk_cities/ibm_smarter_education_now.pdf
  5. Coccoli, M., Guerico, A., Maresca, P., Stanganelli, P. (2014). Smarter University: A vision for the fast changing digital era. Journal of Visual Languages & Computing, 25, 1003-1011.
  6. Học viện Cảnh sát Nhân dân (2020). Trường học thông minh: Nguồn gốc, định nghĩa và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/tong-quan-ve-giao-duc-thong-minh-va-dai-hoc-thong-minh-6631
  7. Alireza Ghonoodia - Ladan Salimi (2011). The study of elements of curriculum in smart schools. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 28, 6871.
  8. Mohammad Attarana, Norlidah Aliasb & Saedah Sirajc. (2012). Learning Culture in a Smart School: A Case Study. International Educational Technology Conference IETC2012, 11-13 July, Taiwan. Procedia - Social and Behavioral Sciences, Vol. 64, pp. 417-423, Netherlands: Elsevier Ltd.
  9. Tuệ Anh (2018). Đổi mới để đáp ứng nền giáo dục 4.0. Bản tin của ĐH Quốc gia Hà Nội. https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N21806/doi-moi-de-dap-ung-nen-giao-duc-4.0.htm
  10. S-U-F.org. (2018). What is a Smart University. Retrieved from: https://www.youtube.com/watch?v=Km_XrO_zwYE
  11. Bakken, J.P., Uskok, V.L., Penumatsa, A., Doddapaneni, A. Smart Universities (2018). Smart Classrooms and Students with Disabilities. Smart Education and E-learning 2016, pp 15-27..
  12. Đào tạo nội bộ (2020). E-learning trong doanh nghiệp. http://daotaonoibo.vn/blog/day-hoc-truc-tuyen/
  13. Đào tạo nội bộ (2021). Mối quan hệ mật thiết giữa phòng học thông minh và trường học thông minh. https://saomaiedu.com/.

 

THE IMPLEMENTATION OF SMART SCHOOL MODEL IN VIETNAM IN THE CONTEXT OF THE COVID-19 PANDEMIC

Master. TRAN VAN THO

Faculty of Information Technology, Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

In the midst of the Covid-19 pandemic, online teaching is not a temporary teaching method any more as it becomes a mainstream trend of Vietnam’s education sector to apply the model of smart school in the context of the Industry 4.0. Vietnam’s education sector should take advantage of this opportunity to accelerate its digital transformation. This paper examines the implementation of online teaching and learning, thereby proposing some solutions to improve the education quality of e-learning model. In order to make e-learning more interactive and effective, Vietnam’s education sector should have solutions to improve the quality of online teaching and soon recognizing that online teaching is a formal teaching method.

Keywords: online teaching, e-learning, smart school, smart education, modern education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]