Trực tiếp từ Hội nghị: Bắc Giang kịp thời chuyển trạng thái, thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn mới

Tại Hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra từ các giải pháp giữ vững chuỗi cung ứng và sản xuất của tỉnh, xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp với thực tế tình hình mới.
hàng việt
Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang

 

Theo Phó giám đốc Phạm Công Toản, từ cuối tháng 4/2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước (cùng với tỉnh Bắc Ninh vào thời điểm đó). Trong bối cảnh hết sức khó khăn, cân nhắc toàn diện các yếu tố, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động của 4 KCN để phòng, chống dịch; điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, làm gián đoạn sản xuất và đứt gãy chuỗi sản xuất.

Đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi sản xuất, thậm chí đã sử dụng lao động ở mức nhiều hơn so với thời điểm trước dịch (số lượng lao động trong các KCN đã tăng 42 nghìn lao động so với trước khi bùng phát dịch). Một số doanh nghiệp lớn trong KCN đang bố trí tăng ca tất cả các ngày trong tuần, mở rộng dây chuyền sản xuất để bù lại các đơn hàng bị chậm trong thời gian nghỉ dịch. Đã có nhiều doanh nghiệp mới được chấp thuận đầu tư, đi vào hoạt động (thu hút đầu tư đạt trên 1,26 tỷ USD).

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã dần sôi động, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng và đang dần phục hồi. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, giá cả ổn định. Hoạt động vận tải nội tỉnh hoạt động bình thường, phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế (quý I năm 2021 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP đạt 17,9%; do ảnh hưởng của dịch Covid 19 quý II tăng trưởng âm 6,8%. Sau khi dịch được kiểm soát từ cuối tháng 7/2021, tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội và đã quay trở lại chu kỳ tăng trưởng từ đầu tháng 8; GRDP quý III tăng 10,43%, quý IV tăng tốc đạt 14,1% đã góp phần đưa GRDP cả năm tăng 7,82%).

Đến nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trong nước còn diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động được hướng dẫn thích ứng linh hoạt với tình hình mới, tạo mọi điều kiện và tâm lý cho người lao động yên tâm làm việc; không để doanh nghiệp nào phải ngừng hoạt động vì dịch Covid-19. Có thể thấy đây làm một thành công của tỉnh Bắc Giang khi thực hiện “Mục tiêu kép”; cho thấy hình ảnh Bắc Giang năng động, thân thiện và là điểm đến hấp dẫn đầu tư.

Kết quả trên, theo Phó Giám đốc Phạm Công Toản, xuất phát từ một số kinh nghiệm từ thực tiễn, gồm:

Thứ nhất là: Nhất quán tinh thần, phương châm chỉ đạo là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy quyền lợi của doanh nghiệp là mục tiêu, trách nhiệm chính trong chỉ đạo, thực hiện của chính quyền tỉnh. Tỉnh Bắc Giang đã thành lập 35 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp nhằm kịp thời đánh giá nguy cơ lây nhiễm, từ đó có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn toàn phòng dịch; thành lập các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, tuyển dụng lao động, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thứ hai là: Chuyển trạng thái nhanh, thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn phòng chống dịch. Ngay sau khi bước đầu khống chế, kiểm soát được dịch, tỉnh đã sớm thành lập, kiện toàn BCĐ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất công nghiệp; giai đoạn đầu, BCĐ tập trung cao hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các KCN; tiếp đến hỗ trợ tất cả các lĩnh vực sản xuất, hoạt động thương mại dịch vụ để phù hợp với trạng thái mới.

Thứ ba là: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản, chủ lực đặc trưng của tỉnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nông sản của tỉnh Bắc Giang (nhất là vải thiều) được tiêu thụ thuận lợi, lưu thông ổn định. Tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết các giải pháp như: (1) Giải pháp bảo vệ vùng sản xuất vải thiều tập trung an toàn với Covid-19; (2) Sớm đề xuất với Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản được thuận lợi; (3) Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với quy mô quốc tế; (4) Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã sớm kết nối tiêu thụ với hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, thương nhân để tiêu thụ trong nước; (5) Đưa vải thiều quảng bá, giới thiệu, bán trên các sàn thương mại điện tử.

Tháng 11 vừa qua, tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh với mục tiêu mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến thời điểm này, cam bưởi của tỉnh đang được tiêu thụ thuận lợi, với giá bán bình quân tương đương, thậm chí cao hơn năm 2020 (15-25 nghìn đồng/kg), cùng với đó các sản phẩm nông sản khác như thịt lợn, thịt gà... cũng đang được tiêu thụ ổn định, 100% tiêu thụ trong nước.

Thời gian tới, dự báo tình hình dịch Covid- 19 có thể biến đổi phức tạp, nguy hiểm hơn. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn, rủi ro lạm phát gia tăng, cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng cao.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh chưa cao; sức chống chịu và nguồn lực của tỉnh, doanh nghiệp và người dân giảm sút do dịch kéo dài; thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục đặt ra những thách thức lớn. Cần có kịch bản, giải pháp căn cơ, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới. Đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo các giải pháp vĩ mô từ Trung ương.

Đồng Văn