Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khí LNG, dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng khí LNG ở mức cao

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết việc Trung Quốc vừa qua đã tăng cường ký các hợp đồng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) mới với Hoa Kỳ cho thấy tăng trưởng nhu cầu sử dụng khí LNG trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, ở mức cao.
khí tự nhiên hoá lỏng
 Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông sắp tới đang khiến nhiều bên trên thị trường đẩy mạnh gom mua các lô khí LNG giao ngay trong những tháng vừa qua bất chấp giá khí ở mức cao kỷ lục (Ảnh: Financial Tribune)

Dữ liệu cho thấy có ít nhất 8 doanh nghiệp của Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp thuộc Chính phủ Trung Quốc, đã ký mới hàng chục hợp đồng nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) với tổng khối lượng nhập khẩu lên đến 25 triệu tấn/năm kể từ hồi đầu năm đến nay, tương đương 30% tổng lượng khí LNG được Trung Quốc nhập khẩu hàng năm.

Trong đó, hơn một nửa số hợp đồng này được ký trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 vừa qua mặc dù đây là giai đoạn giá khí LNG giao ngay trên toàn cầu ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, hầu hết các hợp đồng này đều có thời hạn từ 15 – 20 năm, dài hơn đáng kể so với thời hạn của các hợp đồng nhập khẩu khí thông thường.

Điều này phản ánh nhu cầu sử dụng khí LNG của Trung Quốc trong tương lai sẽ ở mức cao và nước này muốn tránh sự biến động mạnh của giá khí LNG trên thị trường giao ngay. Ông Jeff Moore, trưởng ban phân tích thị trường khí LNG khu vực Châu Á của S&P Global Platts, cho biết “Việc Trung Quốc tăng cường ký mới các hợp đồng nhập khẩu khí LNG với thời hạn hợp đồng dài phản ánh mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng khí LNG của nước này ở mức cao trong thời gian tới. Đồng thời, khí LNG có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này”.

Trung Quốc cũng đang có xu hướng đa dạng hoá nguồn cung khí LNG khi đẩy mạnh ký mới các hợp đồng với Hoa Kỳ. Trong 10 tháng đầu năm nay, Australia là quốc gia cung ứng khí LNG lớn nhất cho Trung Quốc (25,9 triệu tấn). Tuy nhiên, thị phần cung ứng khí của Australia tại Trung Quốc lại giảm từ mức 43% trong năm 2020 xuống hiện còn 39,7%. Trong khi đó, thị phần cung ứng khí của Hoa Kỳ tại Trung Quốc tăng thêm 3% lên mức 11%. Hoa Kỳ hiện là quốc gia cung ứng khí LNG lớn thứ hai của Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh ký thêm các hợp đồng nhập khẩu khí LNG lớn với Hoa Kỳ, Nga và Qatar trong thời gian tới.

Trong đầu tuần này, giá khí LNG giao tháng 1/2022 đến khu vực Đông Bắc Á đã giảm 1,6% xuống mức 36,1 USD/mmBtu khi thị trường lo ngại biến chủng Covid-19 mới Omicron có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu sử dụng. Giá khí LNG giao tháng 2/2022 hiện neo quanh mức 35 USD/mmBtu.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định giá khí LNG sẽ tiếp tục neo ở nền giá cao do nhu cầu sử dụng để sưởi ấm trong mùa đông ở mức cao và các thách thức trong hoạt động vận tải biển khiến việc vận chuyển hàng gặp nhiều khó khăn.

Duy Quang