An ninh lương thực và năng lượng đã từ lâu là mối quan tâm trọng yếu của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn có diện tích canh tác lương thực hữu hạn và luôn tìm kiếm nguồn cung năng lượng để duy trì guồng máy kinh tế. Sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng thực phẩm và năng lượng khi hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả và hạn chế di chuyển để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã chỉ ra điểm yếu chí tử của các chuỗi cung ứng và khiến lo ngại đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ngày càng tăng, bao gồm Trung Quốc.

Trong thời gian vừa qua, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã liên tục nhắc đến chủ đề an ninh lương thực và năng lượng và đưa chủ đề này thành mối quan tâm hàng đầu. Các cơ quan điều hành như Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia và Cơ quan quản lý Lương thực và Dự trữ Chiến lược Quốc gia Trung Quốc đã ban hành các chính sách và chỉ đạo về việc đảm bảo lương thực và năng lượng.

Trên thực tế, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các chuỗi cung ứng thực phẩm trên toàn cầu bị đứt gãy. Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực đảm bảo lương thực ngày càng tăng khi giá thực phẩm tại nước này tăng vọt trong năm ngoái.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra lo ngại đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nguồn cung thực phẩm khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát hiệu quả, tiếp tục lan rộng tại nhiều nơi trên thế giói và nguy cơ xảy ra sự bùng phát dịch bệnh lần 2.

Ông Arlan Suderman, trưởng ban thị trường hàng hoá của tập đoàn dịch vụ tài chính INTL FCStone, cho biết “Người dân ở đó (Trung Quốc) đang trở nên hoảng loạn với lo ngại sự lây lan của đại dịch Covid-19 sẽ khiến các cảng trên thế giới phải đóng cửa, khiến họ không thể nhập khẩu được hàng hoá. Người tiêu dùng đang bắt đầu tích trữ các sản phẩm khi nguồn cung còn có sẵn và giá rẻ. Nỗi lo sợ (an ninh lương thực) có tác động mạnh mẽ và là nhân tố chi phối chính các chính sách của Trung Quốc hiện nay trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh tạo lập nguồn dự trữ lương thực”.

Giá thực phẩm tăng vọt

Nhập khẩu đậu tương
 Bốc dỡ đậu tương nhập khẩu tại một cảng của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới và thịt lợn là nguồn thực phẩm chính đối với đa phần người tiêu dùng nước này. Dữ liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, lượng thịt được Trung Quốc nhập khẩu, bao gồm thịt lợn, thịt bò và thịt gia cầm, đã chạm mức 3,03 triệu tấn, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá thực phẩm tại Trung Quốc đã liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Trong tháng 4/2020, chỉ số giá thực phẩm tại nước này đã tăng 14,8% so với tháng 4/2019; tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng tới 18% trong tháng 3/2020. Trong đó, giá thịt lợn tại Trung Quốc trong tháng 4/2020 đã tăng 97% so với tháng 4/2019; giá thịt lợn tại đây đã liên tục có xu hướng tăng cao kể từ đầu năm 2019 dưới các tác động của dịch tả lợn Châu Phi với thiệt hại ước tính lên đến 40% tổng đàn lợn của Trung Quốc. Trong khi đó, giá của các mặt hàng phi thực phẩm tại Trung Quốc chỉ tăng 0,4% trong tháng 4/2020.

Ông Kaho Yu, chuyên gia phân tích rủi ro cấp cao khu vực Châu Á thuộc hãng tư vấn chiến lược Verisk Maplecroft, nhận định xu hướng tích trữ thực phẩm tại Trung Quốc, đặc biệt là tại các khu vực, thành phố dễ bị đứt gãy nguồn cung hàng hoá, sẽ còn tiếp tục diễn ra trong vòng 6 tháng tới đây; đồng thời, sự xuất hiện đồng thời của tình trạng thất nghiệp gia tăng, giá thực phẩm tăng cao và kinh tế suy yếu có thể khiến những bất ổn xã hội tại Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn.

Chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm các nguồn cung lương thực trên toàn cầu nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, theo ông Kaho Yu. Hãng Verisk Maplecroft hiện đánh giá Trung Quốc trong nhóm “nguy cơ rủi ro cao” về an ninh lương thực nhập khẩu, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đối mặt với nguy cao cao về việc đứt gãy các nguồn cung thực phẩm đến từ nước ngoài.

Trong số các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, đậu tương vốn được sử dụng chủ yếu là thức ăn chăn nuôi gia súc và dầu ăn được đánh giá là mặt hàng khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào nguồn cung chủ yếu đến từ Brazil và Hoa Kỳ. Trong tháng 4/2020, lượng đậu tương cập cảng Trung Quốc đã giảm mạnh 12% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tình trạng thời tiết bất lợi đã khiến các lô hàng từ Brazil bị đình trệ.

Đối với mặt hàng gạo, Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng gạo lớn nhất thế giới và hầu hết lượng gạo được thu hoạch là phục vụ thị trường nội địa nước này. Tuy nhiên, các quan ngại ngày càng tăng về nguồn cung gạo đã dẫn đến tình trạng đổ xô tích trữ của người tiêu dùng Trung Quốc và buộc Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường thu mua gạo cho các kho dự trữ quốc gia. Trong tháng 4/2020, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo sẽ đảm bảo nguồn cung gạo trên thị trường và cho biết đang đẩy mạnh việc thu mua tích trữ.

Hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Trung Quốc đang yêu cầu các doanh nghiệp giao dịch và chế biến thực phẩm tăng cường dự trữ các loại ngũ cốc và hạt có dầu bao gồm ngô và đậu tương trong bối cảnh lo ngại nguy cơ đại dịch Covid-10 có thể bùng phát lần hai, đồng thời, số ca nhiễm bệnh mới tại một số quốc gia đang tăng trở lại khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu có thể tiếp tục bị đứt vỡ nghiêm trọng.

Tích trữ dầu thô

Tàu chở dầu thô
Tàu chở dầu thô cập cảnh tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: AP Images)

Bên cạnh việc tăng cường tích trữ lương thực, Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc thu mua dầu thô trong quý 1/2020 trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu suy giảm khiến giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục trong 30 năm trở lại đây.

Dữ liệu cho thấy lượng nhập khẩu dầu thô trong tháng 4/2020 của Trung Quốc đạt 9,84 triệu thùng/ngày, thấp hơn đang kế so với mức 10,64 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn cao hơn so với mức 9,68 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2020. Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu thô để mở rộng quy mô quỹ dự trữ dầu chiến lược khi giá dầu thô vẫn ở mức thấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng cho biết  năng lực dự trữ giới hạn của Trung Quốc khiến nước này có ít dư địa hơn để đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô như đã từng làm hồi năm 2018 khi giá dầu thô sụp giảm mạnh 20%.

Chuyên gia Kaho Yu dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tái khởi động và đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và nâng cao năng lực dự trữ dầu thô. Trong suốt giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã thúc giục các doanh nghiệp khai thác và phân phối than đảm bảo duy trì nguồn cung than trên toàn cầu.