Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực hiện tự chủ tài chính đạt hơn 70%.

Sáng ngày 23/10/2015, Bộ Trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng đã dự lễ khai giảng năm học 2015 - 2016 và trao Quyết địn thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Trong nhiều năm qua, Trường
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu chỉ đạo

Quyết định số 769/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/2015 về việc thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt May Thời trang Hà Nội có địa chỉ tại xã Lệ Chi, (Gia Lâm- Hà Nộị). Theo đó, vào sáng ngày 23/10/2015, Nhà trường đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và chính thức Khai giảng năm học mới 2015 – 2016. 

Theo quyết định số 769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ hoạt động theo cơ chế thí điểm tự chủ tài chính theo nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ. Nhưng trên thực tế, Nhà trường đã khẳng định, trong nhiều năm trở lại đây, đơn vị hầu như tự chủ hơn 70% kinh phí và sẽ nỗ lực để tự chủ hoàn toàn kinh phí theo lộ trình của Chính phủ. Phấn đấu năm 2016 sẽ tự chủ thêm 10% về tài chính, đưa mức tự chủ đạt 80% so với chi phí hoạt động của trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng 

 trao Quyết định thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội 

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Việt Nam đang là một trong năm nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, trung bình mỗi năm ngành dệt may thu hút khoảng 80.000 lao động công nghiệp mới. Việc thành lập Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là quyết định đúng đắn của Chính phủ, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành dệt may Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cáo sự nỗ lực phát triển của Nhà trường trong suốt 48 năm qua và hy vọng trong giai đoạn phát triển mới dựa trên cơ sở thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, đổi mới các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 của Chính phủ, Nhà trường sẽ xây dựng và ban hành được quy chế tổ chức hoạt động đảm bảo được công khai, minh bạch phát huy dân chủ của cán bộ viên chức, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Lãnh đạo các Cục , Vụ Viện  thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các ban ngành Trung ương và Hà Nội; Cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam Ban Giám hiệu và các giảng viên, sinh viên trong Nhà trường.

Về chiến lược đào tạo trong giai đoạn mới, T.S Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nhấn mạnh, Trường sẽ tập trung mở ngành, tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học cho 3 ngành cốt lõi thuộc lĩnh vực ngành dệt may là, công nghệ sợi dệt, công nghệ may, quản trị kinh doanh chuyên ngành dệt may. Tổ chức đào tạo 6 lớp giám đốc doanh nghiệp dệt may, 3 lớp cán bộ quản lý chất lượng, 3 lớp merchandiser cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và ngành Dệt May Việt Nam.

TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Hiện nay Nhà trường có tổng số 276 giảng viên cơ hữu, trong đó hơn 50% có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ, ngoài trình độ trên, 40% giảng viên của trường đã có kinh nghiệm công tác từ 3 – 5 năm tại doanh nghiệp. Trường có cơ sở vật chất hiện đại với hơn 2.500 thiết bị may, thiết kế thời trang, cơ khí, tin học, điện… được bố trí trong các toà nhà tiện nghi từ 5 – 11 tầng. Ngoài ra Trường còn có nhà máy sản xuất với quy mô 600 lao động, sản xuất và kinh doanh nhiều ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 tỷ đồng/năm.

Về chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, Nhà trường sẽ tiếp tục cử 5 – 7 giảng viên đi học tiến sĩ và 105 giảng viên đi thực tế tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo theo mô hình trường đại học ứng dụng, gắn với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ hội nhập. Trong thời gian tới, Trường sẽ hoàn thành 5 đề tài NCKH cấp bộ, cấp Tập đoàn và cấp trường. Đăng ký mới để triển khai 2 đề tài NCKH cấp bộ, 5 – 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

Trường sẽ duy trì quy mô tuyển sinh 2500 sinh viên chính quy/năm trong đó bậc đại học là 500. Tiếp tục tuyển sinh vào đào tạo 1000 cán bộ kỹ thuật, chuyền trưởng, tổ trưởng sản xuất theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp. Đặc biệt sẽ tổ chức tuyển sinh và đào tạo 150 nhà thiết kế thời trang công nghiệp theo chương trình liên kết với trường Harrow Vương quốc Anh.

Nhà trường thực hiện ký kết đào tạo với các đối tác ngay tại lễ khai giảng năm học mới 2015 - 2016

Cũng theo TS Hoàng Xuân Hiệp, cùng với công tác đào tạo vả giảng dạy, đơn vị tiếp tục phát triển sản xuất và từng bước ứng dụng mô hình sản xuất ODM vào khu vực sản xuất với mục tiêu đạt doanh thu 65 tỷ đồng và tạo môi trường thực tập mô hình sản xuất ODM cho giảng viên và sinh viên nhà trường. Hiện Nhà trường đang có một nhà máy sản xuất với quy mô 600 lao động, sản xuất và kinh doanh nhiều ngành hàng xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 tỷ đồng/năm.

Tự hào về chất lượng đào tạo của Nhà trường, TS. Hoàng Xuân Hiệp đã khẳng định, trong tổng số gần 2000 học sinh sinh viên tốt nghiệp năm 2015 của Nhà trường thì có tới 95,7% sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên môn ngay sau lễ tốt nghiệp. Kết quả khảo sát sinh viên sau 3 tháng tốt nghiệp cho thấy mức thu nhập của sinh viên đa số nằm trong khoàng 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.