Sau khi triển khai thí điểm thành công mô hình Điện mặt trời áp mái tại trụ sở Công ty Điện lực Kon Tum, mới đây Công ty Điện lực Kon Tum phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Trung hỗ trợ lắp đặt hệ thống Điện năng lượng mặt trời áp mái cho Trường Tiểu học Lê Văn Tám, huyện Đăk Hà.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là trường duy nhất của tỉnh Kon Tum được Công ty Thiết bị Điện lực miền Trung kết hợp với Công ty Điện lực Kon Tum tài trợ mô hình điện mặt trời áp mái và chính thức đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1 năm nay.

Sau 2 tháng đi vào hoạt động, mô hình điện mặt trời áp mái tại trường Tiểu học Lê Văn Tám bước đầu đã cho những tín hiệu tích cực. Sản lượng điện cung cấp đủ cho tất cả các thiết bị chiếu sáng, quạt, hệ thống máy tính, các công trình phụ, toàn bộ phòng học và phòng hiệu bộ nhà trường.

điện mặt trời áp mái
Mô hình điện mặt trời áp mái tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã đem lại nhiều lợi ích cho nhà trường và học sinh

Trước đây, khi chưa sử dụng điện mặt trời, mỗi tháng nhà trường phải chi trả hơn 1,2 triệu đồng tiền điện nhưng từ khi được sử dụng mô hình điện năng lượng mặt trời áp mái, nhà trường tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.

Ghi nhận tại công tơ đo đếm 2 chiều, từ khi đi vào hoạt động mô hình điện mặt trời áp mái tại Trường tiểu học Lê Văn Tám đến ngày 21/2/2019 hệ thống điện mặt trời phát ra trên 1.400 kWh điện. Nhà trường đã sử dụng 1.140 KWh, số dư còn lại gần 300 kW được phát lên lưới điện của Điện lực Đắk Hà.

Cô giáo Vũ Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, “Số tiền thu được từ nguồn điện mặt trời áp mái phát lên lưới điện Đắk Hà đã giúp nhà trường có thêm kinh phí cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất bàn ghế cho học sinh học tập và bổ sung vào nguồn kinh phí hỗ trợ thêm cho hơn 100 em học sinh dân tộc thiểu số đang học tập tại trường, giúp các em có đầy đủ đồ dùng học tập”.

Ngoài việc tiết kiệm chi phí trả tiền điện lưới quốc gia, việc sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời áp mái giúp cho nhà trường không còn phải lo lắng, thấp thỏm về tình trạng điện không đủ tải mỗi khi tổ chức các sự kiện lớn hay chương trình ngoại khóa.

Cô giáo Đặng Thị Ánh Huệ, giáo viên nhà trường cho biết thêm, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tham gia nấu ăn cho học sinh lớp 5, khi các em đang thực hành nấu ăn thì có hiện tượng mất điện do không đủ tải. Sau khi có hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, các em dùng điện được thoải mái trong các giờ học, bật điện, bật quạt đảm bảo ánh sáng cũng như làm mát...

Mô hình điện mặt trời áp mái được thi công tại trường Tiểu học Lê Văn Tám có công suất hệ thống là 4,3 kWp, với sản lượng bình quân là 18 kWh/ngày. Hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái bao gồm thiết kế 12 tấm pin, mỗi tấm pin có diện tích là 2m2, 12 tấm là 24m2 kết nối với nhau thành tấm pin lớn và kết nối dây DC một chiều để hấp thu năng lượng mặt trời, chuyển từ nhiệt năng thành điện năng một chiều qua hệ thống Solar thành điện xoay chiều để sử dụng. Các tấm pin được sản xuất tại Nhật Bản, do Tổng Công ty Điện lực miền Trung nhập về và lắp đặt; riêng hệ thống điều khiển Solar được sản xuất tại Isarel.

Anh Hoàng Trần Hiếu, nhân viên Điện lực Đắk Hà cho biết: “Thiết kế của hệ thống năng lượng mặt trời có hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là phải có ánh nắng mặt trời và phải có hòa chung với điện lưới, cung cấp nguồn cho Solar để Solar mở nguồn lấy năng lượng từ các tấm pin xuống để sử dụng. Khi có nắng nó ưu tiên sử dụng toàn bộ điện năng phát từ năng lượng mặt trời. Khi hết nắng vào buổi chiều tối thì Solar sẽ tự đóng nguồn điện năng lượng mặt trời và lấy điện lưới để sử dụng”.

Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái hiện nay tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho thấy phù hợp tất cả các vùng miền, đặc biệt là Tây Nguyên - nơi thời tiết gần như có ánh nắng mặt trời quanh năm. Với những lợi ích mang lại từ nguồn năng lượng mặt trời, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một vài hộ gia đình đăng ký lắp đặt hệ thống này.

Theo xu hướng phát triển điện năng không gây hại đến môi trường trái đất, năng lượng mặt trời là lĩnh vực hứa hẹn nhất, có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được. Sử dụng nguồn năng lượng điện mặt trời áp mái không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn hướng đến thông điệp “thân thiện với môi trường”.