[Truyền thống Công Thương] Năng lượng tái tạo: Những nghiên cứu đầu tiên ở thập kỷ 1980

Mặc dù khoa học kỹ thuật còn hạn chế, song những nghiên cứu đầu tiên về năng lượng tái tạo từ những năm 1980 đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hướng đi mới của Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng công suất nguồn của các dạng năng lượng sạch sau này, và tự tin tuyên bố đưa phát thải ròng về “zero” vào 2050.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch HĐBT nghe thuyết trình về động cơ gió phát điện cỡ nhỏ, quy mô gia đình do Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện thiết kế chế tạo. Đứng cạnh Đại tướng là Bộ trưởng Phạm Khai và Thứ trưởng Vũ Ngọc Hải.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch HĐBT nghe thuyết trình về động cơ gió phát điện cỡ nhỏ, quy mô gia đình do Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện thiết kế chế tạo. Đứng cạnh Đại tướng là Bộ trưởng Phạm Khai và Thứ trưởng Vũ Ngọc Hải.

 

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến 2030 năng lượng tái tạo (NLTT) nước ta chiếm khoảng 22% tổng công suất nguồn điện, đến 2045 chiếm gần 50%. Nhìn vào con số này, nhiều người nghĩ Việt Nam theo kịp được trào lưu là do được thừa hưởng thành quả nghiên cứu của thế giới trong lĩnh vực này.

Điều đó chỉ đúng một phần, bởi theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), ngay từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chúng ta đã bắt đầu nghiên cứu năng lượng mới (NLM), NLTT.

Thời điểm quy hoạch Tổng sơ đồ-1 (1981-1985), khi nguồn điện Việt Nam chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện than, Bộ Điện lực đã đề xuất và được Chính phủ cho phép nghiên cứu NLM, NLTT bằng một Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, mang mã số 10-A. Chủ nhiệm Chương trình là kỹ sư Vũ Đình Bông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện; Tổng thư ký Chương trình là Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật - Bộ Điện lực, TS. Ngô Đức Lâm.

Năm 1986, Bộ Điện lực tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình, do Bộ trưởng Phạm Khai chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch HĐBT tới dự. Tại Hội nghị, TS. Ngô Đức Lâm báo cáo kết quả nghiên cứu NLM và NLTT trên 3 mặt.

Thứ nhất, về nghiên cứu cơ bản. Viện cùng với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đã tập hợp kết quả đo đạc tại nhiều địa phương, lập được bản đồ về tiềm năng NLTT gió và mặt trời ở một số địa phương chính. Qua đó đánh giá Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đây là tài liệu quý cho việc nghiên cứu phát triển NLTT sau này. Tuy nhiên, theo TS. Ngô Đức Lâm, do kinh phí có hạn, nhất là công nghệ đo đạc lạc hậu nên số liệu chưa thật chính xác.

Thứ hai, về công nghệ. Đối với năng lượng gió, kỹ sư Đinh Hùng đã thiết kế chế tạo thành công động cơ gió phát điện cỡ nhỏ, quy mô gia đình, thích hợp với các vùng xa xôi, chưa có lưới điện. Thực tế đã lắp đặt thí điểm ở một số địa phương, được hoan nghênh.

Động cơ gió phát điện được lắp tại nơi xa lưới điện
Động cơ gió phát điện được lắp tại nơi xa lưới điện

 

Với năng lượng mặt trời, kỹ sư Lê Văn Khánh và đồng sự đã nghiên cứu thành công quy trình lắp ráp tấm panel quang điện - P.V. Tuy nhiên chưa chế tạo được mà phải nhập P.V. Trên thực tế đã triển khai lắp ráp đươc nhiều mô đun P.V cho gia đình ở nông thôn và miền núi dùng cho thắp sáng, nghe đài và cũng để thắp sáng cho đường sá cũng như các phao dẫn đường cho tầu bè vùng biển Hải Phòng.

Thứ ba, về đào tạo, hợp tác quốc tế. Sản phẩm nghiên cứu của Chương trình 10-A được phổ biến, đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số địa phương. Chương trình cũng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện có quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mới, NLTT.

Năm 1987, TS. Ngô Đức Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kỹ thuật, kiêm Tổng thư ký Chương trình 10-A được điều động về làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện, tiếp tục đảm nhiệm việc nghiên cứu NLM, NLTT. Năm 1990, Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện hợp nhất với Viện Quy hoạch Điện thành Viện Nghiên cứu Năng lượng. TS. Trần Quốc Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Năng lượng quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu NLM-NLTT, giao cho TS. Ngô Đức Lâm, Phó Viện trưởng làm Giám đốc Trung tâm. Đây là Trung tâm đầu tiên nghiên cứu về NLM và NLTT ở Việt Nam.

Năm 1991, Chương trình 10-A chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, mang mã số mới 52-C, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân làm Chủ nhiệm.

Kỹ sư Nguyễn Văn Nhung và TS. Ngô Đức Lâm trao đổi với đối tác Nhật Bản về tấm pin năng lượng mặt trời
Kỹ sư Nguyễn Văn Nhung và TS. Ngô Đức Lâm trao đổi với đối tác Nhật Bản về tấm pin năng lượng mặt trời

 

Mặc dù khoa học kỹ thuật còn hạn chế, song những nghiên cứu đầu tiên về NLM, NLTT từ những năm 1980 đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hướng đi mới của Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng công suất nguồn của các dạng năng lượng sạch sau này, và tự tin tuyên bố đưa phát thải ròng về “zero” vào 2050.

Theo hồi ức của TS. Ngô Đức Lâm, những năm 1980, một bộ phận nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc tin vào “Vua” Mèo tự xưng, không hợp tác với chính quyền địa phương. Viện Nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật Điện cử kỹ sư Lê Văn Khánh và đồng sự lên vùng đó lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, tặng kèm theo một tivi đen trắng. “Vua” Mèo tự xưng không thể tin được chỉ sau 4 tiếng đồng hồ lắp đặt, đã có thể xem tivi nhờ năng lượng mặt trời. Bà con tập trung xem tivi đông như hội. Từ đó, “Vua” Mèo tự xưng, bà con dân tộc và chính quyền địa phương vui vẻ, tin tưởng nhau, những mâu thuẫn trước kia cũng được gỡ bỏ.

[Quảng cáo]

 

Đông Triều