[Truyền thống Công Thương] Những ngày đầu đàm phán gia nhập WTO

Quy trình làm việc của Đoàn ta là, các bộ, ngành là thành viên Đoàn đàm phán cung cấp thông tin, Bộ Thương mại tổng hợp, dịch sang tiếng Anh, lập thành một bộ dày hơn 300 trang, gọi là “Bị vong lục về chế độ ngoại thương Việt Nam”.
Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh
Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh

 

Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh cho biết, năm 1992, Liên Xô tan rã. Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết tìm biện pháp mở rộng thị trường. Bộ Thương mại giao cho Phòng Các tổ chức quốc tế, thuộc Vụ 2, nghiên cứu.

Sau một thời gian, Phòng đề xuất Việt Nam xin gia nhập Tổ chức Thuế quan và Thương mại GATT. Năm 1994, Bộ trưởng Lê Văn Triết thừa lệnh Chính phủ ký, nộp đơn Việt Nam xin gia nhập GATT. Cuối năm 1995, GATT được thay thế bằng WTO - Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam làm đơn lần 2 xin gia nhập WTO. Các đơn này đều do Vụ Thương mại Đa biên, Bộ Thương mại soạn thảo, Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Lê Văn Triết ký.

Để phục vụ cho đàm phán, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 31/1998-QĐ-TTg, thành lập ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, với đại diện của các bộ, ngành. Chủ tịch Ủy ban là  Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Chủ tịch Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, một Thứ trưởng Bộ Thương mại làm Tổng Thư ký kiêm Trưởng đoàn Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại quốc tế.

Năm 1995, ông Trần Đức Minh làm trưởng đoàn Việt Nam đàm phán gia nhập WTO. Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh nhớ lại, việc đàm phán khá cam go. Một mặt ta chưa có kinh nghiệm, phải vừa học vừa làm, như cử đoàn sang Trung Quốc, LB Nga học hỏi, nhờ chuyên gia Arthur Dunkel làm cố vấn.

Chuyện chuyên gia Arthur Dunkel làm cố vấn xuất phát từ việc Việt Nam vận động được Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ cho một dự án mời chuyên gia Arthur Dunkel - nguyên Tổng giám đốc GATT hai nhiệm kỳ làm cố vấn cho đoàn đàm phán Việt Nam. Mỗi năm, chuyên gia Arthur Dunkel và một cộng sự sang Hà Nội 2 lần. Ta xây dựng phương án đàm phán và mời ông Arthur Dunkel ra Hạ Long đàm phán thử. Cứ như vậy cho đến khi ông qua đời tại Geneva năm 2005

Đàm phán WTO còn khó ở chỗ, về bản chất là mở cửa thị trường, thực hiện tự do hóa thương mại, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, sức cạnh tranh trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ còn hạn chế, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện.

WTO yêu cầu nước xin gia nhập phải giải trình, minh bạch, cụ thể mọi chính sách trong hệ thống thương mại của mình để các nước thành viên WTO biết và trả lời các câu hỏi mà họ đưa ra theo nguyên tắc “minh bạch hóa”. Quy trình làm việc của Đoàn ta là, các bộ, ngành là thành viên Đoàn đàm phán cung cấp thông tin, Bộ Thương mại tổng hợp, dịch sang tiếng Anh, lập thành một bộ dày hơn 300 trang, gọi là “Bị vong lục về chế độ ngoại thương Việt Nam”.

Ngày 31/5/2006, tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự ký Hiệp định gia nhập WTO với ông Karan Bhatia - Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ
Ngày 31/5/2006, tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự ký Hiệp định gia nhập WTO với ông Karan Bhatia - Phó đại diện thương mại Hoa Kỳ

 

Sau giai đoạn minh bạch hóa, Đoàn Việt Nam bắt tay đàm phán song phương với trên 30 nước thành viên có nhu cầu. Các cuộc đàm phán khá gay go, nhiều nước yêu cầu Việt Nam giảm thuế hàng hóa, dịch vụ cao hơn quy định chung của WTO. Nhiều trường hợp Việt Nam phải nhờ Ấn Độ, UNCTAD (cơ quan về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc) bênh vực giúp.

Năm 1999, nguyên Thứ trưởng Trần Đức Minh được cử sang làm Phó Tổng Thư ký Asean, công việc đàm phán giao lại cho nguyên Thứ trưởng Lương Văn Tự.

[Quảng cáo]

 

Đông Hà