Từ 1-7, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực: Có bảo vệ được người tiêu dùng?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) với 8 quyền cơ bản có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, được kì vọng sẽ là “tấm lá chắn” bảo vệ NTD một cách hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, để NTD hiểu, thực thi quyền
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trước khi có Luật bảo vệ quyền lợi NTD, trong các luật khác cũng đã có những chế tài để đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi NTD nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Theo ông nguyên nhân vì sao?

Theo tôi xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức bảo vệ NTD của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế. Trong nhiều trường hợp DN không nhận thức được đầy đủ các quy định của pháp luật và do đó đã không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình đối với NTD. Cũng có trường hợp DN vì mục tiêu lợi nhuận mà cố tình thực hiện các hành vi vi phạm quyền lợi NTD. Thứ hai, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước chưa thực sự có hiệu quả. Điều này xuất phát từ sự hạn chế về nguồn lực, phương tiện cũng như cơ chế hoạt động của các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời cũng như chưa triệt để. Một nguyên nhân nữa đó là, ý thức tự bảo vệ của chính NTD chưa cao. Họ chưa tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ.

Quá nhiều vụ việc vi phạm xảy ra gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe thậm chí tính mạng của NTD như, sữa nhiễm melamin, nước tương chứa chất 3-MCPD, cốc nhiễm chì... rõ ràng NTD Việt Nam không hề được bảo vệ?

Thực tế không thể phủ nhận hiện nay quyền của NTD đang bị xâm hại có thể nói ở mức phổ biến trong quá trình mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. NTD đang phải đối mặt với những thiệt thòi, thiệt hại không chỉ mặt kinh tế mà còn cả mặt sức khỏe, thậm chí tính mạng. Tuy nhiên, nói NTD không hề được bảo vệ cũng chưa thật thỏa đáng, đã có nhiều vụ việc NTD phản ánh, Hội bảo vệ NTD kiến nghị, các cơ quan chức năng đã vào cuộc... Có thể nói, chúng ta có làm nhiều việc để bảo vệ NTD nhưng kết quả chưa nhiều chứ không phải NTD không được bảo vệ. Để bảo vệ NTD đòi hỏi nhiều lực lượng khác nhau, phía Nhà nước đến đâu, các tổ chức xã hội thế nào và ngay cả chính NTD nữa, tuy nhiên Nhà nước, các cơ quan chức năng phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

Cụm từ “Hãy làm người tiêu dùng thông thái” đã cho ta thấy một thực tế: Sự bất lực của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ NTD, ý kiến của ông về vấn đề này?

Theo tôi nói như vậy có nghĩa đẩy trách nhiệm sang cho NTD. Đúng là trong điều kiện hiện nay, NTD rất cần sự thông thái nhưng đó chỉ là xem xét hàng đó xuất xứ ở đâu, còn hạn hay hết hạn... Theo tôi, nếu đòi hỏi NTD phải thông thái là không thuyết phục. Không thể nói người dân ăn phải rau có thuốc trừ sâu, bị ngộ độc do không thông thái, vì nếu có mua rau vẫn còn thuốc trừ sâu tồn dư quá giới hạn, thì thông thái đến mấy cũng “bó tay”.

NTD rất khó kiện “ông điện lực” cho dù tình trạng cắt điện vô tội vạ không báo trước thường xuyên xảy ra và họ thường vin vào lý do “bất khả kháng” để bào chữa. Theo ông, với lĩnh vực này, Luật bảo vệ quyền lợi NTD sẽ được giải quyết như thế nào?

Câu chuyện này có liên quan đến vấn đề có tính pháp lý đó là, những hợp đồng theo mẫu. Đối với những hợp đồng này, thông thường nhà cung cấp đều viết những điều khoản mình “nắm đằng chuôi” còn NTD luôn ở thế yếu hơn. Chính vì vậy còn nhiều bất cập. Pháp luật đã đề cập đến vấn đề này. Theo tôi, trường hợp này cũng là dạng hợp đồng theo mẫu do nhà cung cấp đưa ra, NTD kí vào đó để được cung cấp. Tuy nhiên, gốc của vấn đề là ở NTD chỉ có 1 sự lựa chọn mua điện duy nhất, phải có cạnh tranh NTD mới có quyền lựa chọn.

Có thể nói, sau 1-7 khi Luật bảo vệ NTD có hiệu lực, nhiều người hy vọng đây như “tấm lá chắn” bảo vệ NTD hữu hiệu nhất. Tuy nhiên ở góc độ của NTD, xin hỏi ông, nếu phát hiện mình dùng sản phẩm không sạch hoặc phát hiện sai trái của nhà sản xuất, tôi có thể trình báo thông tin ở đâu, liệu có một đường dây nóng được thành lập để tiếp nhận và xử lý thông tin hay không?

Đây không phải là vấn đề mới, cơ quan chức năng cũng có đường dây nóng giải quyết vấn đề này, chẳng hạn đường dây nóng của quản lý thị trường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, lập ra những đường dây như vậy có bố trí nhân viên trực điện thoại hay không hoặc vấn đề mà NTD gọi đến có giải quyết hay không? Nếu lập ra cả một đường dây mà chẳng ai nghe, hoặc nghe xong để đấy sẽ chẳng ai gọi. Về vấn đề này tôi nghĩ, người dân có thể gọi đến Hội bảo vệ quyền lợi NTD đây là tổ chức tự nguyện bảo vệ NTD.

Theo ông liệu Luật bảo vệ NTD có hiệu lực sẽ bảo vệ được các quyền lợi của NTD?

Tôi tin Luật đi vào cuộc sống sẽ giải quyết được những khúc mắc trong lĩnh vực này, nhưng có tin đến mấy, cũng không ngây thơ đến mức mọi sự đều “ngon lành” “đâu vào đấy” như kì vọng. Đó phải là 1 quá trình dài, nhưng trước mắt cần tuyên truyền cho NTD hiểu, ý thức được những quyền của mình Việc ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự là một dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG (Theo Luật có hiệu lực từ 1-7-2011)

Điều 8. Quyền của người tiêu dùng
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. 

Điều 9. Nghĩa vụ của người tiêu dùng

1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.