tạm dừng kinh doanh nhà hàng, quán bia, CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp
Do đại dịch, các nhà hàng, quán bia, CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp... tạm dừng kinh doanh

Từ sự đảo lộn…

Đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn trái đất chúng ta. Đảo lộn thương mại, đảo lộn sản xuất, đảo lộn cảm xúc và toan tính của mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân.

Khi tôi gõ những dòng chữ này, đại dịch Covid-19 chưa đi qua. Chưa có bất kỳ ai khẳng định thời điểm kết thúc của nó; mọi thứ đều bất định. Chỉ có một điều chắc chắn: sau đại dịch này, nhiều thứ sẽ dần được khôi phục, như công nghiệp, thương mại hay du lịch; nhiều điều sẽ không quay trở lại như trước nữa, như cách nhìn, cách hành xử của chúng ta trong thế giới này.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997-1998, người ta nhận thức rõ ràng rằng, phải có một hệ thống tài chính - ngân hàng vững mạnh. Nhận thức này đưa tới  những thỏa thuận phát triển một hệ thống phòng ngừa khủng hoảng tái diễn, điển hình như Sáng kiến Chiang Mai.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008, giới quan sát đưa ra kết luận là bất kể những quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều không nên trông chờ vào xuất khẩu mà phải dần chuyển đổi, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, hướng tới một nền kinh tế linh hoạt.

Đại dịch Covid-19 sẽ kéo theo sự khủng hoảng kinh tế, được dự đoán gây nên cơn địa chấn lớn hơn so với 2 cuộc khủng hoảng 1997-1998 và 2007-2008. Hai cuộc khủng hoảng nói trên không tác động đến vận tải hàng không; cũng không có chuyện đóng cửa biên giới, hay phong tỏa, cách ly.

Hệ lụy của nó tất nhiên lớn hơn rất nhiều. Chỉ bằng quan sát thông thường cũng thấy,  đại dịch Covid-19 đang tác động đến cả những khu vực kinh tế phi chính thức, mà 2 cuộc khủng hoảng trước đây không chạm tới, như tạm dừng kinh doanh nhà hàng, quán bia, CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp…

… đến khơi dậy giá trị dân tộc

Ở 2 cuộc khủng hoảng trước, để giải quyết những thách thức ở quy mô toàn cầu, người ta nói nhiều đến những mô hình, những xu hướng, những giải pháp. Còn với đại dịch sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới, lần đầu tiên người ta đề cập đến giá trị dân tộc khi nói đến khả năng ứng phó với  tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Năng lượng tích cực của người Việt trong đại dịch Covid-19
Năng lượng tích cực của người Việt trong đại dịch Covid-19

Những lúc bình thường, nếu được hỏi: Giá trị dân tộc Việt Nam là gì? Chắc hẳn nhiều người lúng túng. Nhưng khi đối mặt với tình huống nguy cấp như đại dịch Covid-19 hiện nay, hệ giá trị của dân tộc Việt, tích cực lẫn tiêu cực đều “bung” ra, hiện diện đầy đủ.  

Đại dịch phơi ra tính kỷ luật lỏng lẻo của người Việt. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phàn nàn đến thời điểm ngày 25/3, khi  Hà Nội đã có 42 ca nhiễm Covid-19 và “trên địa bàn có những ổ dịch bệnh rất phức tạp” thì vẫn có những người không đeo khẩu trang, vẫn còn tụ tập đông người, cúng lễ mùng 1 âm lịch.

Đại dịch phơi ra tính mê tín của người Việt. Những “đồng cô, thánh cậu”, những “thần y, thánh dược” nổ ầm ầm trên mạng về khả năng siêu phàm chống virus corona. Đại dịch cũng phơi ra tính ham vui của “anh Hai Sài Gòn” với 8 ca dương tính tại quán nhậu Buddha.

Nhưng bao trùm lên tất cả, là năng lượng tích cực của hệ giá trị Việt. Hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ ngủ bạt, ngủ lều để nhường chăn, gối, giường, đệm cho những người bị cách ly; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu tại Hà Nội đăng ký trở lại bệnh viện tham gia phòng, chống dịch dù biết rằng đang ở trong độ tuổi nhạy cảm đối với dịch bệnh Covid-19; nhiều khách sạn tư nhân đề nghị cung cấp miễn phí toàn bộ tiền phòng, tiền ăn cho những người nước ngoài bị cách ly.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chi 91 tuổi ở Đà Nẵng rút 5 triệu đồng từ những đồng tiền con, cháu biếu vào những dịp lễ tết để ủng hộ chống dịch; Phụ nữ phường Bình Hưng Hòa A may tặng 5.000 khẩu trang cho 300 phòng trọ ở Quận Tân Bình, TP.Chí Minh…

Những năng lượng tích cực của hệ giá trị Việt không phải là thứ duy nhất giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến dịch bệnh, nhưng một quốc gia biết tận dụng tối đa các nguồn lực từ những giá trị dân tộc mình thì dường như nhanh chóng hơn trong việc tìm được cách ứng phó.

Bộ Công Thương được đánh giá là Bộ đi đầu thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống, khống chế dịch bệnh và hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ngày 28/1, tức ngày mùng 4 Tết, Bộ đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc cảnh báo Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán có thể ảnh hưởng tới tốc độ thông quan hàng hóa giữa hai nước.

Tiếp đến là hàng loạt công văn gửi Sở Công Thương cả nước, các doanh nghiệp bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, yêu cầu đánh giá nguồn hàng, lên kịch bản cung ứng trong các cấp độ dịch bệnh.

Sự chuẩn bị lớp lang với từng kịch bản, theo đúng phương châm tại chỗ đã hỗ trợ đắc lực khi dịch bệnh xuất hiện ở nhiều nơi nhưng các địa phương vẫn đảm bảo cung ứng những hàng hóa thiết yếu và trang bị y tế, ngay cả khi phong tỏa 11 nghìn người dân xã Sơn Lôi từ 13/2 đến 4/3. Hay trong tình huống Hà Nội thông báo ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 vào đêm 6/3, dẫn đến người dân đổ xô mua hàng tích trữ ngày 7/3, đã nhanh chóng chấm dứt vào ngày 8/3.

Hai diễn biến trên cho thấy sự chỉ đạo, vận hành thông suốt từ Bộ Công Thương tới các Sở Công Thương và doanh nghiệp phân phối. Sự “thông suốt” này là biểu hiện của việc tận dụng năng lượng tích cực từ hệ giá trị dân tộc Việt.

Giá trị đó là tình thương, là trách nhiệm cộng đồng, và là dòng chảy xuyên suốt, thẩm thấu đến mỗi người con nước Việt được khơi lên từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình “Hành động vì an toàn thực phẩm”; Chương trình “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”… trong những năm qua.

… và “chúng ta là một”

Thế giới chưa thời điểm nào có đủ lực làm chệch tiến trình toàn cầu hóa. Nhưng ngược lại, thế giới lúc nào cũng tìm cách níu kéo làm chậm tiến trình này bởi các lực lượng bảo hộ thương mại.

Trong cao điểm chống dịch, hàng hóa vẫn đầy ắp tại mọi hệ thống phân phối
Trong cao điểm chống dịch, hàng hóa vẫn đầy ắp tại mọi hệ thống phân phối

Nhưng trận đại dịch này đã kết nối cảm xúc của chúng ta bất chấp những đường biên giới quốc gia và khác biệt văn hóa. Chưa bao giờ chúng ta cảm thấy con người trên trái đất này lại thân thuộc (và phụ thuộc) nhau đến thế.

Người Việt lo lắng đếm những ca dương tính ở chân trời Âu - Mỹ, cũng như hồi hộp đếm những ca dương tính trên đất nước mình. Bởi một điều hết sức đơn giản, dịch bệnh ở Italia, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Malaysia, Indonesia… cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế hay túi tiền thu nhập của mỗi người dân chúng ta. Nói cách khác, trận dịch đã mang đến thông điệp  “Chúng ta là một” hết sức trực quan, sinh động.

Chính vì thế, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, đại biểu các nước Asean nhất trí cao với những sáng kiến của Việt Nam trong thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tạo nền tảng gắn kết các quốc gia thành viên, chung tay ứng phó tốt hơn với những tác động từ bên ngoài.

Từ đó, Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng đã được đưa ra về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để ứng phó với Covid-19. Bà Donna Glutom - Thành viên đoàn quan chức Indonesia khẳng định: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm ứng phó với các thách thức của thời kỳ mới, ví dụ như dịch bệnh Covid-19”.

Hội nghị nói trên được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đến tiến trình toàn cầu hóa. Lực lượng bảo hộ thương mại sau đại dịch này không còn nhiều lý do để biện minh cho việc đả phá xu hướng tự do hóa thương mại.

Tuy nhiên, vấn đề toàn cầu hóa sau đại dịch Covid-19 cũng sẽ thay đổi góc độ tiếp cận. Trước đại dịch, toàn cầu hóa được nhấn mạnh ở chuỗi giá trị, tức là khuyến khích các chính phủ tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác xuyên biên giới. Đến nay đại dịch chưa kết thúc, song người ta dự đoán nhiều khả năng, vai trò của nhà nước sẽ không bị coi nhẹ một cách thái quá.

Sự thực thì ngay trong đại dịch này, chính phủ Mỹ đã làm một việc vô tiền khoáng hậu là yêu cầu các công ty tư nhân Mỹ phải sản xuất khẩu trang và các vật tư y tế. Hoặc Italia yêu cầu đóng cửa một số doanh nghiệp tư nhân để đảm bảo chống dịch.

Cách tiếp cận toàn cầu hóa sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ đi theo hướng kép, một mặt đẩy nhanh hợp tác xuyên biên giới, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; một mặt chọn lọc ra những ngành, lĩnh vực thiết yếu phải đảm bảo sản xuất trong nước nhằm tránh những tác động “sốc” từ bên ngoài.

Mục tiêu kép này phản ánh mối quan tâm lớn nhất thế giới hiện nay là khơi dậy những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc đi đôi với kết nối cảm xúc toàn cầu.