Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP. Theo đó:

Đối với hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá và giá bán lẻ xăng dầu

Dự thảo nêu rõ, đối với hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá và giá bán lẻ xăng dầu: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với hành vi vi phạm quy định về quy trình điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu

Theo dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về kê khai giá hoặc đăng ký giá bán xăng dầu trong nước với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị trong hệ thống phân phối xăng dầu trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành khi điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trình tự điều chỉnh giá hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.

- Những người có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

- Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.