UAE đề nghị OPEC+ tăng sản lượng, liệu giá dầu thô sẽ giảm xuống?

Giá dầu thô đã chịu áp lực giảm tới 13% trong phiên giao dịch ngày 9/3 sau khi UAE bất ngờ lên tiếng ủng hộ quan điểm nâng sản lượng khai thác. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng việc nâng thêm sản lượng khó có thể được Ả-rập Xê-út đồng thuận. Do đó giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 9/3 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đã giảm tới 13% tương đương 16,8 USD xuống còn 111,1 USD/thùng. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một ngày giao dịch kể từ hồi tháng 4/2020. Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 4/2022 cũng giảm 12% tương đương 15 USD xuống mức 108,7 USD/thùng.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá tại Việt Nam, sau đà tăng nóng liên tục của giá dầu thô nhiều phiên giao dịch gần đây thì giá dầu thô bất ngờ giảm mạnh khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cho biết họ ủng hộ đề xuất liên minh OPEC+ sẽ tăng thêm sản lượng khai thác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga sau khi nhiều nước phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Nga. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu và khoảng 90% tổng trữ lượng dầu thô thế giới.

Tuyên bố trên của UAE là sự ủng hộ mạnh mẽ đến Hoa Kỳ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tục kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác để giảm thiếu tác động từ rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu thô từ Nga. Trong liên minh OPEC+, UAE là một trong số ít quốc gia thành viên còn duy trì đủ công suất dự phòng để tăng cường khai thác tức thời trong những tình huống cần thiết. Ngoài Ả-rập Xê-út, UAE cũng là một đồng minh quan trọng với Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông. Nga và Ả-rập Xê-út là hai quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+.

Tuy nhiên, mức sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ sẽ được quyết định trong các cuộc họp hàng tháng giữa các quốc gia thành viên dưới sự đồng chủ trì của Nga và Ả-rập Xê-út và phải dựa trên quyền lợi chung của các nước thành viên. Do đó, đề xuất tăng sản lượng khai thác sẽ cần sự đồng thuận từ các thành viên trước khi được triển khai.

Một số phân tích nhận định chỉ ra rằng việc giá dầu thô tăng cao như hiện nay không đem lại quá nhiều lợi ích cho Nga khi hàng loạt hãng khai thác lớn của nước này phải chịu các biện pháp cấm vận của phương Tây. Trong khi đó, Ả-rập Xê-út không có nhiều động lực để giảm đà tăng của giá dầu khi nước này đã phải cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian dài nhằm cân bằng giá dầu dưới tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia thành viên liên minh OPEC+ cũng được nhận định chưa sẵn sàng gia tăng sản lượng khai thác do các yếu tố kinh tế và kỹ thuật.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường dầu mỏ thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures. 

Tầm quan trọng của giá dầu thô với Ả-rập Xê-út

Hiện thị trường tập trung quan sát phản ứng của Ả-rập Xê-út với đề xuất tăng sản lượng khai thác. Ả-rập Xê-út hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp tới 90% tổng nguồn thu của nước này. Lĩnh vực dầu khí cũng chiếm hơn 40% tổng GDP hàng năm của Ả-rập Xê-út.

Việc giá dầu thô tăng gấp đôi trong giai đoạn 2003 – 2014 đã giúp nước này duy trì mức tăng trưởng GDP lên tới 5%/năm và quy mô nền kinh tế tăng gấp 3. Khi giá dầu thô đạt 108 USD/thùng vào năm 2014 thì quy mô nền kinh tế Ả-rập Xê-út đứng thứ 19 thế giới, tăng 8 bậc so với hồi năm 2003.

giá dầu thô
 Mức giá dầu thô để một số quốc gia tại khu vực Trung Đông đạt ngưỡng cân bằng ngân sách trong năm 2021 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tuy nhiên, khi giá dầu thô giảm còn khoảng 40 USD/thùng vào năm 2015 thì Ả-rập Xê-út rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách lên tới 100 tỷ USD tương đương 15% tổng GDP nước này. Với mức thâm hụt ngân sách trung bình 10% GDP trong giai đoạn 2016 – 2020 vừa qua vì giá dầu thô ở mức thấp thì Ả-rập Xê-út hiện được cho là ít có động lực tăng sản lượng để kìm hãm đà tăng của giá dầu.

Theo các tính toán hiện tại, Ả-rập Xê-út sẽ cần giữ giá dầu thô ở mức trung bình 82,4 USD/thùng để giữ ngân sách không bị thâm hụt trong năm 2022, chưa tính đến việc nước này đặt mục tiêu có thặng dư ngân sách lần đầu tiên sau 10 năm liên tục thâm hụt.

Khả năng tăng sản lượng của Ả-rập Xê-út

Hiện phần công suất khai thác dự phòng của Ả-rập Xê-út là khoảng 2 – 2,5 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 30% tổng công suất dự phòng của 13 quốc gia thành viên khối OPEC. Điều này đồng nghĩa với việc nếu OPEC đồng ý tăng sản lượng thì phần lớn nguồn dầu thô bổ sung sẽ đến từ Ả-rập Xê-út.

Sản lượng dầu thô
 Sản lượng khai thác dầu thô của Ả-rập Xê-út theo từng tháng trong 20 năm trở lại đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tuy nhiên, dầu thô được khai thác ở những địa điểm khác nhau, theo những phương pháp khác nhau và một số nơi ngay tại Ả-rập Xê-út có chi phí khai thác lên đến 90 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích cho rằng xét về mặt kinh tế, việc giá dầu thô dao động ở mức 110 USD/thùng chưa đủ thuyết phục Ả-rập Xê-út sử dụng đến phần công suất khai thác dự phòng.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.

Do đó, việc UAE kêu gọi liên minh OPEC+ tăng sản lượng khai thác gần như sẽ khó thành hiện thực. Vì vậy, việc giá dầu thô điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch vừa qua phần nhiều là tâm lý thị trường chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Nga hiện đang chiếm khoảng 7% tổng lượng dầu xuất khẩu toàn cầu. Việc phương Tây áp dụng các biện pháp cấm vận đối với Nga, khiến thị trường đối mặt rủi ro thiếu hụt nguồn cung, sẽ tiếp tục là nhân tố đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng lên.

Trong phiên giao dịch tối ngày 10/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã phục hồi hơn 4% lên mức 115,97 USD/thùng.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang