Ứng dụng blockchain vào nông nghiệp: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Ở Việt Nam, việc sử dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp vẫn là một vấn đề khá mới mẻ, cơ hội nhiều mà thách thức cũng rất lớn.

Nhiều tiềm năng phát triển

Trong Tọa đàm “Phát triển ứng dụng trên nền tảng blockchain: Thời cơ và thách thức”, nhiều chuyên gia nhận định, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào nông nghiệp Việt Nam vẫn là một vấn đề khá mới mẻ. Cơ hội nhiều mà thách thức cũng rất lớn.

Theo ông Vương Quang Long, CEO của TomoChain cho biết, phát triển và ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong giải quyết các vấn đề kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp đang là một trong những xu hướng của thế giới ở các lĩnh vực thanh toán, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, phát hành trái phiếu, chứng khoán...

Với công nghệ blockchain, người tiêu dùng có thể quét mã vạch của một sản phẩm trong siêu thị và xem toàn bộ chuỗi cung ứng từ khi nuôi trồng, chế biến và đến tay người tiêu dùng

"Nền tảng blockchain mang lại tính tự động hóa cao, do vậy có thể giảm chi phí server, vận hành. Tất cả nghiệp vụ trên hệ thống này có thể được thực hiện thông qua "smart contract" - hợp đồng thông minh, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình vận hành, giảm chi phí cho những vận hành thủ công. Bỏ được các phần trung gian, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi mở rộng", CEO Vương Quang Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, công nghệ của TomoChain cũng cho phép Binkabi phát hành các tài sản mã hoá làm đại diện các loại hàng hoá trong chuỗi giá trị nông sản, quản lý các rủi ro về giá.

Cùng chia sẻ về những cơ hội khi ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất, ông Quân Lê, nhà sáng lập kiêm CEO của Binkabi cho rằng: “Vấn đề lớn nhất mà blockchain đã giải quyết được là niềm tin giữa các bên giao dịch”. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt và cũng là cơ hội phát triển của blockchain trong nông nghiệp.

Theo ông Quân Lê, có rất nhiều bên giao dịch với nhau mà họ thiếu niềm tin lẫn nhau. Thay vì phải qua một bên trung gian thì họ có thể tin vào blockchain”.

Thực tế cho thấy, thị trường nông sản hiện nay đang “khát” thực phẩm sạch. Nhu cầu sử dụng cao nhưng người tiêu dùng thì luôn tỏ ra nghi ngại với những thực phẩm mà họ mua về. Họ sẵn sàng trả tiền cho những sản phẩm cung cấp đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ.

Với công nghệ blockchain, người tiêu dùng có thể quét mã vạch của một sản phẩm trong siêu thị và ngay lập tức xem toàn bộ chuỗi cung ứng từ khi sản phẩm đó được nuôi trồng, chế biến và đến tay họ.

Đó là một phương thức truy xuất nguồn gốc tiện lợi, đơn giản, minh bạch. Đánh trúng vào tâm lí cũng như nhu cầu nắm bắt các thông tin thực phẩm, công nghệ blockchain có thêm một cơ hội phát triển, người đứng đầu Binkabi nhận định.

Thách thức lớn

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn, ông Quân Lê cũng chỉ rõ, một trong những trở ngại của blockchain là tính phổ biến còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó người sử dụng phải có một hiểu biết nhất định về công nghệ. Chính vì vậy, khó khăn lớn nhất của blockchain hiện tại là đơn giản hóa để bất cứ ai cũng có thể sử dụng.

“Một thực tế tại Việt Nam cũng như một số quốc gia đang phát triển khác là quy mô sản xuất còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Ứng dụng công nghệ blockchain đồng nghĩa với việc phải đảm bảo tập trung được khối lượng nông sản lớn, ít nhất là một công ten nơ. Việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn đối với những hợp tác xã hay người nông dân có quy mô sản xuất lớn” ông Quân Lê chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất của blockchain hiện tại là đơn giản hóa để bất cứ ai cũng có thể sử dụng

Đồng quan điểm trên, nhiều diễn giả của Tọa đàm cũng chỉ ra rằng, nền tảng blockchain hiện tại còn chưa hoàn thiện. Hành lang pháp lí chưa rõ trên nhiều quốc gia nói chung cũng như Việt Nam nói riêng cũng là một thách thức không nhỏ trong việc ứng dụng blockchain vào nông nghiệp.

“Việc không có khung pháp lí cụ thể đồng nghĩa với việc không thể thu thuế, quản lí tài sản số cũng như bảo vệ nhà đầu tư, CEO Quân Lê nhấn mạnh.

Nền nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ các khâu trung gian, thanh toán, quản lý rủi ro và tài trợ thương mại

Nhiều người so sánh sự phát triển của blockchain với sự phát triển của Internet những năm 1990, tức là có rất nhiều những kì vọng vào nó, nhưng bản thân nền tảng công nghệ này cũng đang trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, thách thức gặp phải cũng là điều tất yếu khi bắt đầu ứng dụng vào nông nghiệp.

Do vậy, một trong những mục tiêu mà Binkabi nhắm đến là công nghệ phải dễ sử dụng. Vì thế, khi ứng dụng blockchain, chúng tôi sẽ chuyển từng bước, từ ứng dụng tương đối tập trung sang phi tập trung.

“Khi nông dân có đủ lượng nông sản (ít nhất 1 container hàng) có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu. Lúc này, họ có thể ngồi ở nhà, qua ứng dụng do Binkabi cung cấp có thể bán trực tiếp sản phẩm trên thị trường quốc tế" – ông Quân Lê cho biết.

Đỗ Chuẩn