Ứng dụng công nghệ blockchain trong xuất khẩu nông sản

Theo báo cáo "Nền kinh tế Internet Đông Nam Á" năm 2020 của Google và Temasek, nền kinh tế internet của Đông Nam Á dự kiến đạt 105 tỷ USD trong 2020 và dự kiến sẽ đạt 309 tỷ USD vào năm 2025, trở thành một trong những khu vực tăng trưởng thương mại trực tuyến (online commerce) nhanh nhất thế giới.
truy xuất nguồn gốc
Công nghệ blockchain được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

 

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với quy mô dân số trên 95 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập Internet cao là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Tiếp nối đà tăng trưởng của thương mại điện tử những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của các phương thức thanh toán điện tử, thương mại điện tử ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển toàn diện với sự nở rộ về loại hình sàn giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ thương mại điện tử đi kèm, trở thành công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để phát triển bứt phá.

Năm 2020, các hoạt động thương mại điện tử cũng được xem xét, đổi mới và tập trung thúc đẩy để tạo động lực mới mạnh mẽ hơn cho phát triển thương mại cả nước.

Theo đó, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra các nước phát triển trong bối cảnh hiệp định EVFTA được phê chuẩn;

Xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử;

Hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ số trong Chuyển đổi số tiếp cận cuộc CMCN 4.0 hướng tới tăng năng suất chất lượng của doanh nghiệp; thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch TMĐT trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý và bán hàng thông minh, xây dựng trang Landing Page…

Đồng thời, Bộ Công Thương đã tiến hành số hóa hệ thống thông tin về thị trường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN.com.

Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B, ECVN đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công và trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng quốc tế trong nhiều năm qua;

Tiếp tục vận hành hệ thống thông tin xuất khẩu có địa chỉ tại: www.vietnamexport.com để cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng theo tuần và kết nối giao thương, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trên thế giới.

Thị trường thương mại điện tử vào năm 2020 đã có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Dự kiến năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng hiện nay.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc ba nước đứng đầu khu vực.

Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 35 - 36%, theo đó Việt Nam là 36%, đứng đầu là Indonesia với 41%, thứ ba là Phillipines (30%).

Theo báo cáo "Nền kinh tế Internet Đông Nam Á" năm 2020 của Google và Temasek, nền kinh tế internet của Đông Nam Á dự kiến đạt 105 tỷ USD trong 2020 và dự kiến sẽ đạt 309 tỷ USD vào năm 2025, trở thành một trong những khu vực tăng trưởng thương mại trực tuyến (online commerce) nhanh nhất thế giới. 

Đô Lương