Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phát triển du lịch Phú Yên

TS. HUỲNH VĂN THÁI - ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG NGUYÊN (Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung)

TÓM TẮT:

Công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động du lịch, góp phần không nhỏ vào quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tại Việt Nam, công nghệ bắt đầu áp dụng vào lĩnh vực này thông qua việc số hóa, sử dụng công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR) với các thắng cảnh, di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Thực tế ảo VR giúp người dùng có những trải nghiệm cảm giác thực sự tại một nơi, cho phép nhập vai, điều hướng và tương tác môi trường. Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra luận chứng công nghệ thực tế ảo VR có ảnh hưởng đến ý định lựa chọn điểm đến của du khách và là công cụ marketing hiệu quả giúp du lịch Phú Yên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Từ khóa: công nghệ thực tế ảo (VR), hình ảnh điểm đến, điểm đến du lịch, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Thế giới đã và đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức và do đó, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm du lịch cũng dần chiếm tỷ trọng cao. Trước đây, các loại hình du lịch truyền thống, gắn với tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí (nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng sinh thái thuần túy...) là cơ bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng du khách. Trong đó phải kể đến xu hướng du lịch phiêu lưu, du lịch trải nghiệm, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, công tác kết hợp nghỉ ngơi, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Điều này đã làm thay đổi cách thức khách hàng cảm nhận, trải nghiệm và lựa chọn điểm đến du lịch. Tiến bộ công nghệ cung cấp thông tin hấp dẫn thông qua trải nghiệm thực tế về điểm đến với mục đích thuyết phục khách hàng có chuyến tham quan thực tế tại điểm đến. Một trong những phát triển công nghệ quan trọng, có tác động lớn đến ngành Du lịch hiện nay là thực tế ảo (Virtual Reality - VR). Virtual Reality - VR đã xuất hiện từ cuối những năm 60 và được biết đến với nhiều tên gọi như Môi trường ảo (synthetic environment), Không gian ảo (cyberspace), Thực tại nhân tạo (artificial reality). Cho đến nay, VR đã được phát triển và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm quân sự, y tế, giải trí, du lịch,… Để tạo ra các sản phẩm VR, các nhà phát triển cần đầu tư rất nhiều thời gian và tài chính. Các thiết bị truy cập VR, công cụ sản xuất nội dung từ Google, Microsoft, Samsung, Facebook, LG,... và nhiều nội dung VR liên quan đến du lịch được cung cấp không giới hạn giúp du khách dễ dàng trải nghiệm các chuyến tham quan ảo đến các thành phố và các điểm đến du lịch từ bất cứ đâu trên cả nước và thế giới. Ngành Du lịch là một ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh ngành Du lịch cả nước đang bị tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 thì VR được xem là công cụ quảng bá du lịch hiệu quả, ảnh hưởng đến ý định lựa chọn điểm đến của du khách trên cả nước và thế giới. Do đó, trong nghiên cứu này sẽ trình bày về VR cũng như cách VR ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến du lịch.

2. Công nghệ thực tế ảo

Virtual Reality - VR được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau cũng như được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số định nghĩa tiêu biểu về VR là: Thực tế ảo là công nghệ sử dụng các kỹ thuật mô hình hóa không gian 3 chiều với sự hỗ trợ của các thiết bị đa phương tiện hiện đại để xây dựng một thế giới mô phỏng bằng máy tính - môi trường ảo. Trong thế giới ảo này, người sử dụng không còn được xem như người quan sát bên ngoài mà đã thực sự trở thành một phần của hệ thống. Công nghệ thực tế ảo là một hệ thống công nghệ cao kết hợp với công nghệ kích thích, công nghệ hiển thị, công nghệ cảm biến, công nghệ mạng, công nghệ đồ họa máy tính và các chức năng nhân tạo để tạo ra mô phỏng cảnh tương tác nhập vai đắm mình của người sử dụng vào trong môi trường ảo phỏng theo thế giới thực thông qua thị giác, thính giác, hiệu ứng xúc giác của người dùng. Người dùng đơn giản chỉ cần dựa vào bàn phím và chuột hoặc một số thiết bị đầu vào như đeo găng tay chuyên dụng, mũ chuyên dụng và các thiết bị đặc biệt khác để nhập vai đắm mình vào không gian ảo, nhận thức và thao tác với tất cả các đối tượng trong môi trường ảo. Sự tương tác của người sử dụng trong thế giới ảo với thời gian thực cho phép người sử dụng có cảm giác hoạt động với đối tượng thực sự tương tự như trong môi trường thực. Công nghệ thực tế ảo đóng vai trò quan trọng trong thế giới ảo và nó có 3 đặc điểm cụ thể như sau:

* Sự nhập vai (Immersion): Tính năng chính của công nghệ thực tế ảo là làm cho người sử dụng cảm thấy mình là một phần của môi trường thực tế ảo. Đồng thời, người sử dụng cũng có thể cảm nhận được nhiều nhận thức khác nhau, chẳng hạn như nhận thức thị giác, nhận thức xúc giác, nhận thức thính giác, cảm giác vật lý, nhận thức chuyển động, nhận thức khứu giác, nhận thức cảm giác lực,... Tất cả những điều này cho phép người dùng tạo ra cảm giác nhập vai, đắm mình vào môi trường thế giới ảo như thật.

* Tương tác (Interaction): Hệ thống thực tế ảo đạt được sự tương tác thực sự giữa môi trường thực của con người và môi trường ảo, chẳng hạn như chuyển động của tay, chuyển động xoay đầu, di chuyển của mọi người xung quanh,... Đồng thời, với sự trợ giúp của các thiết bị phần cứng đặc biệt, hệ thống thực tế ảo cho phép đáp ứng nhanh chóng đối với thông tin đầu vào của người dùng. Cho phép người dùng có cảm nhận về sự tương tác giữa người và máy tính thực sự.

* Tưởng tượng (Imagination): Thực tế ảo giúp người dùng vượt qua giới hạn không gian và thời gian, đắm chìm trong thế giới ảo để có được kiến thức mới, hiểu biết mới, từ đó gia tăng nhận thức và tri giác của người sử dụng và kích thích họ sáng tạo ra ý tưởng mới.

Ngoài ra, ngày nay nội dung thế giới ảo VR được thực hiện bằng cách lưu giữ và tổng hợp các chuỗi hình ảnh hoặc phim lấy từ thế giới thật. Một khái niệm cơ bản khác của VR là “hiện diện” (presence), mô tả cảm giác “đang ở đó” của người dùng. Khi tác động bên ngoài kích hoạt hệ thống cảm biến, các tín hiệu này được biến đổi thành một hiệu ứng tinh thần tạo nên ảo giác người dùng đang hiện diện ở một không gian khác. Các kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng sự “hiện diện” cao dẫn đến cảm xúc mạnh mẽ. Mức độ trải nghiệm “hiện diện” càng cao thì cảm giác trải nghiệm càng được cảm nhận giống với cảm giác ở môi trường thực tế.

3. Ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ thực tế ảo đến lựa chọn điểm đến du lịch

Công nghệ VR tuy còn khá mới mẻ, nhưng tính hiệu quả của nó đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu nói chung và các nhà nghiên cứu trong ngành Du lịch nói riêng. Ngày càng nhiều nghiên cứu du lịch gần đây đã kiểm tra tính hiệu quả của công nghệ VR trong việc cải thiện trải nghiệm người dùng, trải nghiệm du lịch và ý định tham quan điểm đến.

Jung và cộng sự (2017) đã thực hiện một nghiên cứu tình huống để khám phá trải nghiệm ảo của khách du lịch bằng cách sử dụng tai nghe VR trong bối cảnh công viên quốc gia và thấy rằng trải nghiệm VR được đắm chìm hoàn toàn ảnh hưởng tích cực đến ý định của khách du lịch đến điểm đến.

Tussyadiah và cộng sự (2017) đã điều tra trải nghiệm người dùng trong quá trình đi bộ VR của một điểm đến du lịch và thảo luận về cách VR có thể thay đổi thái độ của người tiêu dùng đối với điểm đến này. Phát hiện thực nghiệm của họ cho thấy một công nghệ VR được thiết kế tốt cho phép khách du lịch tham gia và tương tác với điểm đến, giúp cải thiện sự hài lòng của họ.

Nhiều tổ chức du lịch văn hóa cũng đã cố gắng sử dụng thực tế ảo (VR) để nâng cao trải nghiệm của du khách. VR được chọn làm công cụ cung cấp thông tin du lịch và tạo ra trải nghiệm du lịch thú vị và tương tác như: Tại Nhật Bản, kể từ khi hạn chế đi lại vì dịch bệnh, lượng đặt các tour du lịch ảo đã tăng lên khoảng 50%. Mới đây, Công ty First Airlines ra mắt tour du lịch ảo trong mô hình cabin máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo, họ được đặt chân tới những thành phố du lịch tuyệt vời tại Italia, Mỹ, Pháp…, tận hưởng trọn vẹn một chuyến du lịch sống động, chân thực. Campuchia cũng thu hút với tour tham quan ảo quần thể di tích Ăng-co Vát, đưa du khách trở về quá khứ để ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ xưa… Vài năm gần đây, du lịch ảo đã bắt đầu xuất hiện ở nước ta, trong đó tiêu biểu phải nói đến tour khám phá hang Sơn Ðoòng (Quảng Bình). Mới đây, lần đầu tiên tại Tây Bắc, tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu được thực hiện, cung cấp những trải nghiệm tương tác, tham quan thú vị, y như thật với những địa danh đã số hóa trong môi trường 3D như thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng… Một số địa danh nổi tiếng khác như hồ Hoàn Kiếm, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh, bảo tàng, di tích cũng được đưa vào số hóa để gia tăng những trải nghiệm mới cho du khách bằng công nghệ thực tế ảo. Có thể thấy, khả năng mang đến sự tự do trong trải nghiệm với những hình ảnh đẹp, kết hợp tính an toàn cao là những ưu điểm vượt trội mở đường cho du lịch ảo phát triển. Qua những trải nghiệm và nghiên cứu thực tế cho thấy:

* VR góp phần bảo vệ môi trường du lịch, môi trường văn hóa: Mặc dù có vẻ như du lịch VR sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn được du lịch truyền thống nhưng du lịch VR mang đến lợi ích và tiềm năng to lớn trong việc bảo vệ di sản. Du lịch VR có thể giảm bớt áp lực tại các điểm du lịch có thể bị ảnh hưởng do các tác động tiêu cực của du lịch. Ứng dụng công nghệ VR có thể thay thế các môi trường thực tế và trải nghiệm thực tế liên quan đến khía cạnh văn hóa mà du khách khó có thể tiếp cận. Thật vậy, với khả năng mô phỏng độc đáo, VR đang được áp dụng trong thực tế như một hình thức du lịch thay thế đến những địa điểm cần được chú trọng bảo vệ như các di sản thiên nhiên và văn hóa. Trong trường hợp này, việc sử dụng công nghệ VR đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch bền vững.

* Lợi ích của VR đối với du lịch: Từ phương diện người tiêu dùng, công dụng chính của VR bao gồm việc tăng cường trải nghiệm du lịch; tạo điều kiện cho các trải nghiệm nhập vai, xã hội, giải trí tại điểm du lịch và khả năng cung cấp du lịch dễ tiếp cận giá thành rẻ cho tất cả mọi đối tượng khách hàng. Từ quan điểm của nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng như địa điểm du lịch ứng dụng công nghệ VR, lợi ích của VR được thể hiện qua các hoạt động quảng bá và khuyến mãi, bán hàng, phân phối tạo ra lợi nhuận, cũng như bảo tồn di tích, di sản và phát triển bền vững.

Ngoài ra, công nghệ VR đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá các nhóm sản phẩm du lịch và hình ảnh điểm đến. Giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và ảnh hưởng tích cực đến ý định lựa chọn điểm tham quan của du khách.

4. Giải pháp phát triển du lịch Phú Yên dựa trên công nghệ thực tế ảo

Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015 - 2019, Du lịch Việt Nam đã kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch thế giới nói chung và Du lịch Việt Nam nói riêng thiệt hại nặng nề, nhiều kế hoạch hầu như không thực hiện được, chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh: Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại nặng... Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2021, có thể ảnh hưởng trong cả năm nay.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành Du lịch toàn cầu ước tính sẽ tổn thất từ 300-450 tỷ USD. Mức thiệt hại ước tính đối với toàn ngành Du lịch Việt Nam được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dự báo có thể lên tới 7,7 tỷ USD. Du lịch Phú Yên không thể tránh khỏi tác động của Covid-19. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021, tại Phú Yên, lượt khách tại cơ sở lưu trú phục vụ trong quý ước tính 127,4 ngàn lượt khách giảm 38,5% so với cùng kỳ năm trước (lượt khách ngủ qua đêm 100,5 ngàn lượt khách giảm 23,2%, trong đó lượt khách quốc tế gần 1 ngàn lượt khách, giảm 76,2%). Lượt khách tham quan tại 02 thắng cảnh Gành Đá Đĩa và Bãi Môn -Mũi Đại Lãnh, tính từ đầu năm đến ngày 14/3/2021 là 103,5 ngàn lượt khách, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 131 lượt khách quốc tế, giảm 91%). Doanh thu bán vé 1,2 tỷ đồng, giảm 45,5%.

Để vực dậy nền du lịch đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh Phú Yên đã triển khai phối hợp với ngành Du lịch tỉnh Gia Lai năm 2020 tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác xúc tiến, kích cầu du lịch và hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH - TT - DL phát động. Trong chương trình ký kết hợp tác nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của từng địa phương, triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, khắc phục khó khăn sau đại dịch Covi-19. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm... tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch hai địa phương kết nối, trao đổi khách giữa hai địa phương; tăng cường quảng bá điểm đến du lịch an toàn, giới thiệu chương trình du lịch giá rẻ cuối tuần, thu hút khách nội địa từ các tỉnh đến Phú Yên, Gia Lai. Ngoài việc liên kết với Gia Lai, ngành Du lịch Phú Yên còn liên kết, làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch Phú Yên với doanh nghiệp các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định... Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, lượng khách đến với tỉnh Phú Yên vẫn còn thấp.

Phú Yên có tiềm năng du lịch phong phú, với nhiều bãi biển đẹp, nguyên sơ thuận lợi cho du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển như: Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô, Bãi Xép, Bãi Tràm, Bãi Môn, Bãi Ôm, Bãi biển Long Thủy, Bãi Biển Tuy Hòa... Đây là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa với 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Nhạn và Gành Đá Đĩa, 20 di tích quốc gia và 72 di tích cấp tỉnh. Ẩm thực Phú Yên cũng được xem là thế mạnh với nhiều đặc sản nổi tiếng như cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, Bò một nắng Sơn Hòa, gà nướng Sông Cầu... với tiềm năng du lịch phong phú, Phú Yên đang từng bước hình thành thương hiệu và thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước.

Vì vậy, việc áp dụng công nghệ số trong truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, đẩy mạnh truyền thông trực tuyến là một biện pháp quan trọng, hướng đến để kích cầu du lịch đối với cả thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, công nghệ số được áp dụng chỉ dừng lại ở việc kết nối cơ sở dữ liệu, cập nhật về các sản phẩm dịch vụ. Các chiến dịch truyền thông chú trọng vào truyền thông online như tạo ra các video sinh động trên các kênh mạng xã hội, các chương trình quảng bá online. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này chưa có nhiều điểm mới và thu hút du khách.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyên nghiệp để đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch được xem là cấp thiết. Trong đó, VR là công cụ quảng bá du lịch hiệu quả, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến việc chọn điểm đến của du khách. VR có thể xem là công cụ marketing hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay bởi những lợi ích của VR đối với du lịch và lựa chọn điểm du lịch của du khách:

- Công nghệ VR giúp tăng cường trải nghiệm du lịch, giúp khách hàng nhập vai, giải trí tại điểm du lịch một cách dễ dàng với chi phí thấp.

- Thực tế ảo VR giúp người dùng có những trải nghiệm cảm giác thực sự ở một nơi khác với đầy đủ năm giác quan, cho phép nhập vai, điều hướng và tương tác môi trường. Do đó, VR được thiết kế tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc khách du lịch tham gia và tương tác với điểm đến, giúp cải thiện sự hài lòng của họ.

- Áp dụng VR có thể xem là một công cụ hoạt động tiếp thị hiệu quả bởi nội dung của thế giới VR có thể làm thay đổi thái độ tích cực của du khách cũng như làm gia tăng ý định đi đến một điểm đến du lịch. Khi muốn đến du lịch một địa danh, du khách thường tham khảo, thông tin, hình ảnh, video đã có sẵn. Tuy nhiên, lượng thông tin này khá nhiều và thường chỉ giới thiệu những thông tin tốt, người tiêu dùng không thể kiểm tra trước và phải quyết định mua hay không chỉ đơn giản dựa trên mô tả thông tin. VR giúp khách hàng có trải nghiệm thú vị về việc tham quan, đi lại và tương tác với các vật thể tại đó. Bản chất trải nghiệm của VR là một công cụ tối ưu để cung cấp dữ liệu phong phú cho khách du lịch tiềm năng về thông tin điểm đến. Thông qua những trải nghiệm chân thực, sinh động và trực quan nhờ công cụ VR, khách du lịch sẽ có những kích thích tò mò về điểm đến nếu trải nghiệm thực tế, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt, có những kỳ vọng thực tế hơn và dẫn đến một kỳ nghỉ thỏa đáng hơn. Do đó, sự trải nghiệm và tò mò do VR đem lại sẽ là động lực cho du khách sẵn sàng chi tiền để đặt tour.

- Những trải nghiệm thú vị về địa điểm sẽ tham quan bằng VR là sự thuyết phục mạnh mẽ đối với khách hàng về địa điểm sẽ tham quan đó. Điều này được khẳng định trong nghiên cứu của Cơ quan phụ trách kinh doanh hội nghị và du lịch Las Vegas (Mỹ) đã cho thấy, cứ ba du khách Mỹ thì có hai người công nhận trải nghiệm bằng VR sẽ ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của họ.

- Công nghệ VR giúp khách hàng có “chuyến tham quan ảo” về toàn cảnh trên một trang website khách sạn hoặc một điểm đến nào đó trên thực tế, từ đó giải tỏa tâm lý lo lắng.

- VR phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn thế giới và sự di chuyển giữa các nước đang rất khó khăn. Chính trong khoảng thời gian này, du khách có thể lựa chọn cẩn thận điểm đến và lên kế hoạch du lịch hậu Covid-19. VR là một công cụ hoàn hảo hơn bao giờ hết khi khách hàng chỉ cần ở nhà, với một kính VR chi phí thấp có thể trải nghiệm môi trường ảo như bản thân đang ở đó. Và những trải nghiệm này sẽ giúp du khách có những so sánh và tìm được điểm du lịch phù hợp với thị hiếu và sở thích của mình, từ đó thôi thúc họ đặt tour để có những trải nghiệm thực tế khi đại dịch kết thúc. Do đó, tác giả đề xuất ngành Du lịch Phú Yên cần áp dụng VR vào trong quảng bá du lịch, xây dựng mô hình 3D mô phỏng các điểm đến du lịch tại Phú Yên và đẩy mạnh việc quảng bá công cụ mới mẻ này đến khách du lịch khắp nơi trên toàn thế giới.

5. Kết luận

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và bất ngờ khiến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước và trên toàn cầu rơi vào “khủng hoảng” nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến ngành Du lịch thì công nghệ thực tế ảo VR là ngọn lửa nhỏ “sưởi ấm” du lịch đỡ “đóng băng” trong giai đoạn hiện nay. Chính vì điều đó, du lịch Việt Nam có thể quảng bá giới thiệu đầy đủ, chân thực tối đa các điểm đến tới tất cả người dân trên toàn cầu. Chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả mang lại của kênh quảng bá hiện tại, tuy nhiên để tiến tới hiệu quả hơn, chân thực, đầy đủ thông tin hơn, cập nhật nhanh hơn thì không thể bỏ qua tác động, khả năng ứng dụng của công nghệ trong bối cảnh này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Berg, L. P., Vance, J. M. (2017). Industry use of virtual reality in product design and manufacturing: A survey. Virtual Reality, 21(1), 1–17.
  1. Bogicevic, V., Seo, S., Kandampully, J.A., Liu, S.Q., Rudd, N.A. (2019). Virtual reality presence as a preamble of tourism experience: the role of mental imagery. Tourism Management, 74, 55–64.
  1. Dong Hwa Choi, Amber Dailay Hebert, Judi Simmons Estes. (2016). Emerging Tools and Applications of Virtual Reality in Education. USA: IGI Global.
  2. Hà Mạnh Đào và cộng sự (2019). Về một quy trình xây dựng ứng dụng thực tại ảo vào trong giảng dạy các ngành kỹ thuật trong trường đại học. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Số 55.2019.
  3. Jung, T. H., tom Dieck, M. C. (2017). Augmented reality, virtual reality, and 3D printing for the co-creation of value for the visitor experience at cultural heritage places. Journal of Place Management and Development, 10 (2).
  4. Vũ Hữu Tiến (2014). Công nghệ thực tại ảo - Hướng ứng dụng và phát triển trong đào tạo ngành đa phương tiện. http://cdit.ptit.edu.vn/wp-content/uploads/2014/03/49.-TienVH_Hien-thuc-ao_12.3.pdf
  5. Tussyadiah, I. P., Jung, T., Tom Dieck, M. C. (2017). Embodiment of wearable augmented reality technology in tourism experiences. Journal of Travel Research, 57(5), 597-611 Việt Anh (2021). Cơ hội phát triển du lịch ảo. https://nhandan.vn/tin-tuc-du-lich/co-hoi-phat-trien-du-lich-ao-637154/
  6. Du lịch Phú Yên. http://phuyentourism.gov.vn/

 

USING THE VIRTUAL REALITY TECHNOLOGY TO PROMOTE

PHU YEN PROVINCE’S TOURISM SECTOR

Ph.D HUYNH VAN THAI

Master. NGUYEN THI HONG NGUYEN

Mien Trung Industry and Trade College

Abstract:

Digital technology has demonstrated its superiority and has played an increasingly important role in tourism activities, making a significant contribution to the promotion of cultural heritage values. In Vietnam, the tourism industry has used the Virtual Reality (VR) technology in digitalization of landscapes, monuments, and intangible cultural heritage. The VR technology helps users truly experienced destinations, enables them to immerse, navigate and interact in virtual environment. Researchers have also made an argument that the VR technology affects tourists' intention to choose a destination and it is an effective marketing tool to help Phu Yen Province’s tourism sector in particular and Vietnam's tourism industry recover in the post-Covid-19 era.

Keywords: virtual reality technology (VR), image of destination, tourist destination, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]