Ứng dụng thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam - Thực trạng và hướng phát triển

ThS. Phí Mạnh Cường (Trường Đại học Mỏ - Địa Chất)

TÓM TẮT:
Trong giai đoạn hiện nay, chuỗi cung ứng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các doanh nghiệp, của ngành trong chuỗi giá trị toàn cầu. Với thế mạnh vượt trội của mình, thương mại điện tử sẽ đảm bảo thông tin trong chuỗi cung ứng được chính xác, đầy đủ và kịp thời. Việc ứng dụng thương mại điện tử vào chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho Ngành phát triển bền vững, hiệu quả để Dệt may Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Từ khóa: Thương mại điện tử, chuỗi cung ứng, ngành Dệt may.

1. Đặt vấn đề
Quá trình dịch chuyển của ngành Công nghiệp Dệt may sử dụng nhiều lao động từ nước phát triển sang nước đang phát triển đã làm cho ngành Dệt may của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, Việt Nam thường xuất hiện trong danh sách TOP10 các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới về Dệt may. Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của ngành Dệt may đạt xấp xỉ 31,8 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2016 (cao hơn mức tăng trưởng cả năm 2016 là 5,4%), chiếm 14,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện nay cả nước có 5.213 doanh nghiệp Dệt may với số lượng lao động là 2,5 triệu người. Như vậy, ngành Dệt may đã thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế của Việt Nam. Tương lai của ngành Dệt may Việt Nam còn được đánh giá sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi Việt Nam là một trong số mười một quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mặc dù ngành Dệt may Việt Nam đã có những thành tựu rất đáng kể nhưng khi phân tích chuỗi giá trị thì Dệt may Việt Nam đang ở vị trí đáy của chuỗi giá trị toàn cầu (chỉ chiếm 5%-7% tổng giá trị của các sản phẩm Dệt may). Nguyên nhân của thực trạng này là chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam có nhiều mắt xích bị đứt gãy hoặc quá yếu. (Hình 1) Tuy ra đời không lâu nhưng thương mại điện tử đã trở thành một xu thế phát triển tất yếu trên thế giới và làm biến đổi sâu sắc các phương thức kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0). Với các đặc trưng của thương mại điện tử, nếu được ứng dụng một cách khoa học vào chuỗi cung ứng của ngành Dệt may Việt Nam thì sẽ thúc đẩy Ngành phát triển bền vững và có thể tham gia các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
2. Thực trạng ứng dụng thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam
Trên thế giới, khái niệm chuỗi cung ứng đã xuất hiện từ những năm 80 và trở nên phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ XX. Chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các giai đoạn liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thỏa mãn yêu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng không chỉ bao gồm nhà sản xuất và người phân phối mà còn có cả người vận chuyển, nhà xưởng, người bán lẻ và bản thân khách hàng... Như vậy, khi đề cập đến chuỗi cung ứng thì cần phải đề cập đến vị trí và vai trò của tất cả các chủ thể có liên quan (cho dù liên quan trực tiếp hay liên quan gián tiếp) đến việc cung cấp hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Trong giai đoạn hiện nay, chuỗi cung ứng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp, các ngành nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chuỗi cung ứng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và của ngành kinh tế - kỹ thuật nói chung thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm thời gian lưu thông của hàng hóa, giảm chi phí lưu thông của hàng hóa và đáp ứng chính xác, kịp thời các yêu cầu của khách hàng. Vai trò của chuỗi cung ứng càng có vai trò quan trọng đối với các ngành mà để tạo ra sản phẩm cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau như ngành Dệt may.
Khái niệm chuỗi cung ứng đã xuất hiện khá lâu và vai trò của chuỗi cung ứng đã được khẳng định trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới. Ở Việt Nam nói chung và ngành Dệt may Việt Nam nói riêng, vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn chưa được chú trọng đúng với vai trò của nó. (Hình 2) Nhìn vào chuỗi cung ứng của ngành Dệt may, có thể nhận thấy đây là một chuỗi cung ứng có quy mô lớn và các thành viên trong chuỗi có mối quan hệ mật thiết với nhau dựa trên nền tảng kỹ thuật phức tạp. Mỗi thành viên trong chuỗi cung ứng có vai trò nhất định trong quy trình tạo ra sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng. Một thành viên trong chuỗi cung ứng có thể là khách hàng của thành viên trước nó nhưng lại đóng vai trò là nhà cung cấp cho thành viên sau nó. Mỗi một khâu trong chuỗi cung ứng có thể do một hoặc một số thành viên trong chuỗi cung ứng đảm nhiệm. Chính vì vậy, để bảo đảm cho chuỗi cung ứng đạt được hiệu quả cao thì các thành viên trong chuỗi cung ứng phải có sự liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa sự cung ứng với các yêu cầu của khách hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thời gian chết trong quá trình sản xuất. Trong chuỗi cung ứng, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời là nền tảng quan trọng để đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn, kịp thời. Thông tin chính là sự liên kết tất cả các hoạt động, các công đoạn và các thành viên trong một chuỗi cung ứng. Nếu có được thông tin chính xác, đầy đủ và đúng lúc thì các thành viên trong chuỗi cung ứng sẽ ra được quyết định đúng đắn, hợp lý và đem lại hiệu quả kinh doanh cao. Điều này sẽ giúp cho các thành viên trong chuỗi cung ứng tối đa hóa lợi nhuận của mình. Vấn đề về thông tin trong chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết triệt để nếu các thành viên trong chuỗi cung ứng đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của mình.
Khi phân tích chuỗi cung ứng của ngành Dệt may Việt Nam thì có thể nhận thấy có nhiều mắt xích bị đứt gẫy hoặc quá yếu. Hạn chế lớn nhất trong chuỗi cung ứng của ngành Dệt may Việt Nam là sự phát triển không đồng đều ở các khâu, đặc biệt là ở công đoạn đầu trong chuỗi cung ứng (bông phải nhập khẩu 99%, nguyên liệu sơ nhập khẩu 50%, chưa kể đến các phụ liệu đến từ Trung Quốc). Sự phát triển không đồng đều giữa các khâu trong chuỗi cung ứng là nguyên nhân quan trọng tạo ra sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam. Thực trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam không chỉ tồn tại ở công đoạn đầu tiên của chuỗi cung ứng là bông, sơ mà còn ở khâu dệt. Trong chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam, khâu dệt có vai trò quan trọng không chỉ riêng với khâu may mà có ảnh hưởng lớn đến tổng thể chuỗi cung ứng của cả ngành, vì vải là yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí và chất lượng của một sản phẩm trong ngành Dệt may. Thực trạng như đã phân tích ở trên của chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam do rất nhiều nguyên nhân như cơ chế quản lý, sự thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng. Hiện nay, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngành Công nghiệp phụ trợ nhưng chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực cho khâu sản xuất bông, sơ thì chưa có. Bên cạnh nguyên nhân là chính sách quản lý thì có một nguyên nhân quan trọng là các thành viên trong chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam chưa thiết lập được mối quan hệ mật thiết để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động kinh doanh. Hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu 65% - 70% lượng vải nguyên liệu mỗi năm, trong khi sợi do Việt Nam sản xuất lại xuất khẩu 2/3 sản lượng. Như vậy, nếu ngành Dệt may Việt Nam không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các thành viên trong chuỗi cung ứng không thiết lập được mối quan hệ đối tác chặt chẽ để cùng phát triển hoạt động kinh doanh thì ngành Dệt may Việt Nam không thể phát triển một cách bền vững mà chỉ theo vòng luẩn quẩn: nhập khẩu bông, sơ; xuất khẩu sợi; nhập khẩu vải và xuất khẩu sản phẩm may mặc.
Bên cạnh đó, mạng lưới xuất khẩu và tiếp thị vẫn đang là điểm yếu lớn trong chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam. Điều này đã làm hạn chế ngành Dệt may Việt Nam thâm nhập vào các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị Dệt may toàn cầu. Theo các chuyên gia, thiếu liên kết hoặc đứt gãy tỏng chuỗi cung ứng không những làm giảm hiệu suất, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ ngành Dệt may. Chính vì vậy, để các doanh nghiệp cũng như ngành Dệt may Việt Nam phát triển bền vững thì đòi hỏi phải có một chuỗi cung ứng có hiệu quả.
Thương mại điện tử được hiểu là việc thực hiện hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử. Thương mại điện tử dựa trên việc xử lý và truyền dẽ liệu điện tử dưới dạng text, âm thanh hoặc hình ảnh. Thương mại điện tử không chỉ hỗ trợ tốt các hoạt động nội bộ mà còn tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng. Khi các thành viên trong chuỗi cung ứng sử dụng mạng lưới cơ sở dữ liệu kết hợp với đường truyền tốc độ cao thì các thành viên có thể chia sẽ tốt hơn các thông tin quản lý trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Mặc dù việc ứng dụng thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các thành viên cũng như của toàn bộ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hiệu quả của việc ứng dụng thương mại điện tử còn tùy thuộc vào việc điều kiện hiện có của doanh nghiệp phù hợp với cấp độ ứng dụng thương mại điện tử nào. Hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử có thể được phân chia thành các cấp độ sau:
- Cấp độ 1: Doanh nghiệp có một website trên mạng cung cấp một vài thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm một cách đơn giản.
- Cấp độ 2: Website của doanh nghiệp có cấu trúc, có bộ tìm kiếm để người xem có thể tìm kiếm thông tin trên website một cách dễ dàng và có thể liên lạc với doanh nghiệp.
- Cấp độ 3: Doanh nghiệp bắt đầu triển khai bán hàng hay cung cấp dịch vụ qua mạng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ để phục vụ các giao dịch trên mạng, các giao dịch còn chậm và chưa bảo đảm an toàn.
- Cấp độ 4: Website của doanh nghiệp liên kết trực tiếp với dữ liệu trong mạng nội bộ của doanh nghiệp, mọi hoạt động truyền thông số, dữ liệu được tự động hóa.
- Cấp độ 5: Doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử trên các thiết bị không dây như điện thoại di động, máy tính bảng...
- Cấp độ 6: Từ website của doanh nghiệp, khách hàng có thể truy cập được một nguồn thông tin khổng lồ, mọi lúc, mọi nơi.
Theo khảo sát của tác giả đối với website của các doanh nghiệp trong ngành Dệt may Việt Nam, có thể nhận thấy rằng đại đa số các doanh nghiệp trong Ngành mới chỉ dừng lại ở cấp độ 3 - 4. Mặc dù trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành Dệt may Việt Nam đã có sự quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhằm đảm bảo tính đồng bộ, ổn định và bảo mật trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp trong ngành Dệt may Việt Nam đang nghiên cứu để áp dụng giải pháp “Apparel Tech Up” của ThreadSol. Giải pháp “Apparel Tech Up” mang lại các giải pháp công nghệ thiết thực cho ngành công nghiệp May mặc bằng những ứng dụng liên quan công nghệ 4.0 như big data, trí tuệ nhân tạo thông qua việc xác định các công việc trên dây chuyền sản xuất, tự động hóa trong cắt, may, tiết giảm nguồn nguyên vật liệu một cách tối ưu nhất trong cắt, cung cấp các giải pháp giúp giảm thiểu lượng vải thừa, tiết kiệm năng lượng... Bên cạnh giải pháp “Apparel Tech Up” của ThreadSol thì các doanh nghiệp trong ngành Dệt may Việt Nam cũng có cơ hội để tiếp cận nền tảng công nghệ thông tin dành cho doanh nghiệp Intel® VPro™. Nền tảng công nghệ thông tin Intel® VPro™ của Intel đã được thử nghiệm tại 500 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune lựa chọn cho thấy kết quả về khả năng tiết kiệm chi phí vận hành lên tới 40%. Đồng thời, khi thử nghiệm với hơn 20 doanh nghiệp với quy mô kinh doanh khác nhau, kết quả cho thấy chi phí bảo trì máy và thuê nhân công có thể dự kiến giảm được từ 7% đến 95%. Tuy nhiên, để có thể phát huy được đầy đủ lợi thế của thương mại điện tử trong hoạt động của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp thành viên của chuỗi cung ứng phải có sự thống nhất với nhau đầu tư vào cơ sở hạ tầng và lựa chọn công nghệ chung của toàn chuỗi.
3. Kết luận
Với thực trạng của chuỗi cung ứng và tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong ngành Dệt may Việt Nam thì để thực hiện được mục tiêu, ngành Dệt may Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả và trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì các doanh nghiệp của ngành Dệt may Việt Nam thì các doanh nghiệp trong Ngành cần quan tâm đến các vấn đề sau:
- Thứ nhất, củng cố và phát triển chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam. Để củng cố và phát triển chuỗi cung ứng ngành Dệt may Việt Nam thì việc làm đầu tiên là phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu. Để phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu thì cần nhanh chóng khôi phục lại diện tích trong bông có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp tại các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai), các tỉnh miền Đông và duyên hải Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai) và các tỉnh vùng núi phía Bắc (Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang), trong đó trọng tâm là các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh việc khôi phục diện tích trồng bông thì cũng cần hình thành Quỹ Bình ổn giá thu mua bông nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người trồng bông, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của công cuộc khôi phục diện tích trồng bông. Cùng với việc phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu thì Việt Nam cũng cần xây dựng và phát triển cụm ngành công nghiệp Dệt may để khắc phục thực trạng phát triển thiếu đồng bộ giữa các khâu trong toàn chuỗi cung ứng như đã nêu ở trên.
- Thứ hai, đổi mới tổ chức quản trị. Trong doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, công việc được tổ chức theo quy trình nên cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp thường “phẳng” hơn so với doanh nghiệp không ứng dụng thương mại điện tử. Chính vì vậy, cấu trúc tổ chức quản lý doanh nghiệp kiểu hình tháp không còn phù hợp mà đòi hỏi phải có sự phân cấp phân quyền mạnh mẽ theo từng cơ hội kinh doanh.
- Thứ ba, ứng dụng đồng bộ thương mại điện tử. Để nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo cho các thành viên của chuỗi cung ứng đạt được lợi nhuận tối đa thì thông tin chia sẻ trong chuỗi cung ứng phải nhanh chóng, chính xác và đầy đủ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Để có thể làm được điều này, đòi hỏi tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng phải ứng dụng triệt để thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của mình trên cơ sở sử dụng chung cơ sở dữ liệu thống nhất với đường truyền tốc độ cao.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Bộ Công Thương (2017), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017.
2 https://laodong.vn/cong-doan/gian-nan-lao-dong-nganh-det-may-670650.bld (truy cập ngày 18/6/2018)
3 https://hcmute.edu.vn/ArticleId/ef9f9c69-67f6-4c28-962c-6660ddd45e74/truong-dai-hoc-su-pham-ky-thuat-tphcm -se-mo-hai-nganh-dao-tao-moi-cong-nghe-vat-lieu-det-may-kinh-doanh-thoi-trang-va-det-may (truy cập ngày 18/6/2018)
4 Michael Hugos (2010), Tinh hoa Quản trị chuỗi cung ứng, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
5 Chopra, Sunil and Peter Meindl (2003), Supply Chain, Upper Saddle River, NJ: Prentice-Hall, Inc.
6 FPT Securities (2014), Báo cáo ngành Dệt may.
7 Lưu Hoàng Hà (2001), Sự cần thiết xây dựng pháp luật thương mại điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tháng 4/2001.
8 http://baocongthuong.com.vn/giai-phap-cong-nghe-cho-nganh-det-may-ung-pho-voi-cach-mang-cong-nghiep-40.html (truy cập ngày 18/6/2018)
9 https://www.tienphong.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-nganh-det-may-68590.tpo (truy cập ngày 18/6/2018)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Công Thương (2017), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2017.
2. Chopra, Sunil and Peter Meindl (2003), Supply Chain, Upper Saddle River, NJ: Prentice-Hall, Inc.
3. FPT Securities (2014), Báo cáo ngành Dệt may.
4. Lưu Hoàng Hà (2001), Sự cần thiết xây dựng pháp luật thương mại điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tháng 4/2001.
5. Michael Hugos (2010), Tinh hoa Quản trị chuỗi cung ứng, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
6. http://baocongthuong.com.vn/giai-phap-cong-nghe-cho-nganh-det-may-ung-pho-voi-cach-mang-cong-nghiep-40.html (truy cập ngày 18/6/2018)
7. https://laodong.vn/cong-doan/gian-nan-lao-dong-nganh-det-may-670650.bld (truy cập ngày 18/6/2018)
8. https://hcmute.edu.vn/ArticleId/ef9f9c69-67f6-4c28-962c-6660ddd45e74/truong-dai-hoc-su-pham-ky-thuat-tphcm-se-mo-hai-nganh-dao-tao-moi-cong-nghe-vat-lieu-det-may-kinh-doanh-thoi-trang-va-det-may (truy cập ngày 18/6/2018)
9. https://www.tienphong.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-nganh-det-may-68590.tpo (truy cập ngày 18/6/2018)

E-COMMERCE APPLICATION IN THE SUPPLY CHAIN OF VIETNAMS TEXTILE AND GARMENT INDUSTRY: SITUATION AND DEVELOPMENT DIRECTION

MA. PHI MANH CUONG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

Currently, the supply chain plays an important role, especially in improving the position of enterprises in the global value chain. E-commerce will ensure that information of the supply chain is accurate, complete and timely with its remarkable strength. Applying e-commerce to the Vietnamese textile and garment supply chain will enable the Vietnamese textile and garment industry to develop sustainably and effectively so that Vietnam's textile industry becomes one of the key industries, export-oriented and is able to meet the increasing demand of domestic consumption, steady integrates into the regional and world economy.

Keywords: E-commerce, supply chain, textile and garment industry.