Ưu tiên công nghiệp thân thiện môi trường

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ biển, việc ưu tiến phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường là một trong những kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Bài trình bày của ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam tại hội nghị “Triển khai nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” được tổ chức vào chiều ngày 31-5, tại tỉnh Bạc Liêu đã nhấn mạnh vào nội dung nêu trên.

q
KCN sinh thái thân thiện với môi trường đang được ưu tiên khuyến khích

 

Theo đó, đối với lĩnh vực công nghiệp ven biển, ông Thi cho biết, sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng và công nghệ nguồn.

Ngoài ra, việc phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cũng được ưu tiên.

Trong khi đó, với lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển và hải đảo; thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác; xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch

Còn về khai thác dầu khí và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác, thì xác định tiếp tục tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí; nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dầu khí và khoáng sản.

Về nuôi trồng và khai thác hải sản, bài trình bày của ông Thi cho biết, sẽ tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại và ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên khai thác hải sản tại các vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp gắn khai thác bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…

Còn đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, sẽ tập trung phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong tảo…

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia nằm ven biển Đông với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam; hơn 3.000 hòn đảo, trong đó, có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển, cho nên, có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi/khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế…

Chính vì vậy, theo ông Kiên, để khai thác hiệu quả các cơ hội mà biển đem lại, đồng thời giảm thiểu thách thức và nguy cơ đối với tài nguyên và môi trường biển, cần chủ động xây dựng một nền kinh tế biển xanh. “Theo đó, các nguồn tài nguyên của đại biển phải được khai thác và sử dụng bền vững nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và đồng thời bảo tồn "sức khoẻ" của các hệ sinh thái biển, đại dương”, ông nhấn mạnh.

Theo TBKTSG