Ưu tiên quan trọng nhất là hỗ trợ duy trì hoạt động của doanh nghiệp

Bộ Công Thương khẳng định, ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này các khoản hỗ trợ tín dụng phải nhanh và trúng để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm, vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19,

Ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, bởi việc để một doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn sẽ phá huỷ việc làm và tạo ra hiệu ứng lan toả tiêu cực đối với các doanh nghiệp khác dọc theo chuỗi cung ứng.

Đây là quan điểm của Bộ Công Thương khi đưa ra một loạt những đề xuất gửi tới Thủ tướng Chính phủ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trọng điểm như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, lắp ráp ô tô.

Bộ trường Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian tới, cần triển khai 3 giải pháp cơ bản để cứu các doanh nghiệp, bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước; Có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; Tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực.

Để gỡ bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải thay đổi cơ chế hỗ trợ tín dụng, bởi đây là hạng mục các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ nhất.

Dù ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện nay hầu như các doanh nghiệp công nghiệp rất khó tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, nguyên nhân chính là do Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi bản thân các ngân hàng thương mại thực chất hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp thông thường, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với các cổ đông, vì vậy sẽ hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do sẽ gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận và kết quả kinh doanh của ngân hàng.

ho tro tin dung
Cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp

Do đó, cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể:

Sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho các ngân hàng thương mại để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp (mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 – 24 tháng), đơn giản hóa và minh bạch hoá các thủ tục để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng của nhà nước.

Liên quan đến vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các doanh nghiệp cũng đang kêu nhiều vì vậy, Bộ công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều điều chỉnh thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng thay vì  thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng  kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.như Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Bởi, trên thực tế, với diễn biến phức tạp hiện nay, dịnh bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ 6 đến 12 tháng tới.

Theo ước tính từ một số ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng chiếm khoảng 40% - 60%, một số doanh nghiệp có đơn hàng với các đối tác châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đều bị dừng 100%; các đơn hàng trong nước giảm từ 40%-60%. Sau thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp cần phải có thời gian phục hồi, khôi phục hoạt động sản xuất.

Về các gói hỗ trợ, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Tổ chức tín dụng đều chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay từ 0,5% – 1,0% so với thỏa thuận trước.

Tuy nhiên, thực tế điều kiện để tham gia các gói tín dụng này đều rất phức tạp và việc giảm lãi suất như trên còn ít, chưa thực sự là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển, cần có công cụ trực tiếp đến từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, ví dụ như cho vay với lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng…

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa là các đối tượng rất dễ bị tổn thương do tác động của dịch bệnh Covid-19. Do đó, Bộ đề nghị, bên cạnh các chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất tại dự thảo Nghị định về hỗ trợ các doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng, Chính phủ cần chỉ đạo có các hỗ trợ mạnh hơn, theo đó, cần xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế.