Vai trò của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đối với hoạt động thực thi công vụ

TS. TRỊNH VIỆT TIẾN (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:
Bài viết tập trung làm rõ vai trò, định hướng giải pháp để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đối với hoạt động thực thi công vụ nhằm mang lại hiệu quả cao, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đối với nền hành chính quốc gia, việc cập nhật các kiến thức mới qua đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức là rất cần thiết để hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp.
Từ khoá: Cán bộ, công chức, đào tạo, bồi dưỡng, thực thi công vụ.

1. Đặt vấn đề
Nền hành chính của mỗi quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của quốc gia. Đây là nguồn lực cơ bản, quan trọng và quyết định sự tồn tại, ổn định và phát triển của quốc gia. Hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống hành chính được quyết định bởi trình độ, phẩm chất, năng lực và kết quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Đứng trước yêu cầu mới của phát triển đất nước, trước thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng, định hướng của Chính phủ nước ta hiện nay là xây dựng Chính phủ phục vụ, kiến tạo nền hành chính thân thiện mở cửa, để hội nhập với khu vực và quốc tế. Đặc biệt là trong điều kiện mới hiện nay, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tin học vào hiện đại hóa nền hành chính, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề cần được quan tâm giải quyết một cách thiết thực phù hợp với tình hình mới.
Đào tạo, bồi dưỡng là nâng cao năng lực tác nghiệp, thực thi công vụ cho cán bộ, công chức; là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và phát triển nhân sự tại các cơ quan, tổ chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hàng năm thường được triển khai bằng việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nhằm hoàn thiện khả năng tác nghiệp và chuẩn hóa các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn chức danh vị trí việc làm theo ngạch, bậc do Nhà nước quy định của từng vị trí, chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua tập trung vào các tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch, bậc thường là kiến thức về tin học, ngoại ngữ, cập nhật các nội dung thay đổi của pháp lý trong lĩnh vực tác nghiệp quy định trong tiêu chuẩn mã ngạch quy định, tuy nhiên năng lực thực tế thực thi công vụ còn cần nhiều các kỹ năng, kiến thức, phẩm chất hành vi thực tế khác bám sát vào thực tế thì chưa được chú trọng, đó là:
(1) Khả năng khái quát, phát triển chuyên môn.
(2) Tổng hợp cập nhật về mặt chuyên môn kiến thức, kinh nghiệm của lĩnh vực thực thi công vụ.
(3) Khả năng phân tích và ứng dụng lý thuyết, kiến thức, kinh nghiệm, sáng kiến vào thực thi công vụ.
(4) Khả năng xây dựng quan hệ, giải quyết xung đột và kiềm chế cảm xúc; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức khi thực thi công vụ; phân tích phối hợp, hợp tác liên thông thông tin giao tiếp, hiểu biết về đối tượng thực thi công vụ.
(5) Kỹ năng nghiệp vụ: Vai trò và khả năng giải quyết một số vấn đề nào đó, khả năng phấn đấu vươn lên, khả năng phân tích, sáng kiến rút ra kết luận, kiểm soát, ra quyết định.
Đó là tập hợp những thứ có tầm quan trọng quyết định đến sự sáng tạo và năng suất của
đơn vị.
Hiện vấn đề nâng cao khả năng phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ của bộ máy công quyền luôn nhận được sự quan tâm, vì vậy việc đào tạo, bồi dưỡng cần được quan tâm sát sao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền hành chính. Trước sự đổi mới mỗi tổ chức, địa phương, ngành cần phải có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng hợp lý để luôn bổ sung hoàn thiện kỹ khả năng cho cán bộ công chức khi thực thi công vụ.
2. Vai trò của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Trước nhu cầu phát triển của đất nước mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho nền hành chính của Việt Nam, để thích ứng với điều kiện mới, mỗi tổ chức cần đầu tư phát triển nhân sự bởi đây là thước đo đánh giá xếp hạng trình độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. So sánh với các quốc gia khác tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức nước ta chưa được đánh giá cao, chưa đáp ứng được những yêu cầu của thực thi công vụ, để phát triển con đường quan trọng bậc nhất với nền hành chính quốc gia là qua đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền cần, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, công việc, quyền hạn và nghĩa vụ của từng vị trí công việc; qua đó làm cơ sở cho xác định những kỹ năng, kiến thức chuyên môn chưa đảm bảo trong quá trình thực thi công vụ và có chương trình đào tạo, bồi dưỡng hợp lý đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính chuyên nghiệp quan trọng hơn còn có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, vì vậy cần tập trung vào cung cấp những kiến thức lý luận cơ bản, trang bị kỹ năng, cách thức hoạt động thực thi công việc, giáo dục thái độ thực hiện công việc thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, công chức, viên chức. Nhìn chung đối với bản thân cán bộ, công chức qua triển khai đào tạo, bồi dưỡng là cần thiết nó đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển; nâng cao được trình độ năng lực; cập nhật đổi mới tư duy, phát huy tính sáng tạo sử dụng kiến thức về các lĩnh vực: pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, các lĩnh vực khác liên quan đến lĩnh vực tác nghiệp. Hơn nữa qua đào tạo và bồi dưỡng, giúp cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả thực hiện công việc, khả năng tự giác, tự tiến hành công việc độc lập.
Đối với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chứng tỏ rằng tổ chức sử dụng có hiệu quả tối đa sức lao động và có chiến lược tái đầu tư cho sức lao động; giúp cán bộ, công chức hiểu rõ bản chất công việc, nghề nghiệp nâng cao khả năng thích ứng của cán bộ công chức đối với công việc trong tương lai; đào tạo và bồi dưỡng tốt, tổ chức sẽ duy trì và nâng cao được chất lượng cán bộ, công chức nhờ đội ngũ có trình độ chuyên môn; giúp tổ chức nâng cao tính ổn định, tính linh hoạt trong các hoạt động thực thi công vụ đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của tổ chức; hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giúp tổ chức chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức kế cận trong các giai đoạn phát triển.
Đối với Nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng mang đến một nền hành chính chuyên nghiệp phục vụ các đối tượng như các tổ chức, doanh nghiệp, người dân được tốt hơn, đồng thời mang đến niềm tin của người dân chính là tiêu chí phục vụ của nền hành chính.
3. Kết quả đạt được và một số vấn đề còn tồn tại trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng một số kết quả đạt được như:
(1) Xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo bồi dưỡng rõ ràng, các văn bản pháp luật được ban hành, cơ chế chính sách trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng.
(2) Công tác xây dựng và tổ chức và lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng có nhiều đổi mới căn bản theo hướng vừa tập trung thống nhất, vừa phân cấp tạo sự chủ động cho các đơn vị và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
(3) Các hình thức đào tạo và bồi dưỡng được sắp xếp phù hợp.
(4) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được ban được đổi mới theo hướng tích cực, tập trung bồi dưỡng kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
(5) Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được củng cố đội, ngũ giảng viên được đảm bảo về số lượng và chất lượng.
(6) Cơ sở vật chất trang thiết bị và nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
(7) Công tác quản lý kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh những thành công đã đạt được trong thời gian qua của đào tạo và bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức là đã được đào tạo các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sau khi được tuyển dụng thì còn một số tồn tại bắt nguồn từ các lý do khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó phải kể đến những hạn chế, bất cập trong công tác ĐTBD cán bộ, công chức như:
(1) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc thực tế mặc dù đã được ban hành đưa vào thực hiện, song nhiều nội dung chương trình và tài liệu chưa được đổi mới theo yêu cầu bổ sung và nâng cao kiến thức, kỹ năng phương pháp làm việc. Số lượng các chương trình có tính chất phù hợp với chuyên ngành, vị trí việc làm còn hạn chế. Nội dung chưa đáp ứng yêu cầu khung năng lực theo tiêu chuẩn chuyên ngành và vị trí việc làm.
(2) Giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng vừa thiếu vừa yếu về nhiều mặt; kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy và nhất là kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực được phân công.
(3) Công tác đánh giá và kiểm tra chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa được triển khai sát sao và chuẩn mực, chưa áp dụng triệt để theo Bộ chỉ số của Bộ Nội vụ ban hành, mà tự đánh giá theo các tiêu chí riêng do các đơn vị hoặc giảng viên tự đặt ra. Hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chưa chặt chẽ, thực tiễn chỉ tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, bồi dưỡng qua báo cáo.
(4) Các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của chính phủ, bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương và các đơn vị còn trùng lắp.
(5) Tính gắn kết đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng nhân sự của từng cơ quan, tổ chức không chặt chẽ; nhiều cán bộ, công chức được bổ nhiệm chức vụ nhưng trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng được với yêu cầu; đào tạo bồi dưỡng còn dàn trải, thiếu trọng tâm thực tế còn chưa coi đào tạo bồi dưỡng là cách đầu tư vào nguồn vốn con người là nguồn lực quan trọng của tổ chức.
4. Định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng thực thi công vụ là tất yếu của sự phát triển và ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội. Đối với mỗi tổ chức cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất, thực tế căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà pháp luật quy định và bám sát vào định hướng như:
(1) Xác định rõ ràng mục đích, mục tiêu và nhu cầu của đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ, công chức là gì từ đó có các chương trình thực hiện cụ thể không bị chệch mục tiêu định trước.
(2) Đổi mới về nội dung chương trình và biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng: công tác xây dựng nội dung chương trình, tài liệu và công tác đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch, bậc công chức và theo tiêu chuẩn chức nghiệp phải luôn đổi mới thiết thực với công việc thực tế tránh trùng lắp về nội dung định kỳ có chương trình bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cho từng đối tượng tương ứng với thời gian hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Cập nhật và đổi mới chương trình cần theo đúng quy trình điều tra, khảo sát nhu cầu của vị trí công việc, lựa chọn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho từng đối tượng. Đổi mới chương trình theo hướng cập nhật hóa, hiện đại hóa chú trọng nâng cao kỹ năng, năng lực hoạt động và giáo dục phẩm chất đạo đức công chức.
(3) Phân loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo từng giai đoạn để có nội dung đào tạo và bồi dưỡng phù hợp như: theo số năm công tác từ 5 năm công tác; từ trên 5 năm công tác đến 10 năm công tác, từ trên 10 năm công tác đến 15 năm công tác… bồi dưỡng theo từng chương trình tương ứng theo hướng từ cơ bản đến chuyên sâu và cập nhật kiến thức.
(4) Lựa chọn và huấn luyện đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng đề ra đảm bảo về cơ cấu; đảm bảo đủ trình độ kiến thức ngành, lĩnh vực; có phương pháp giảng dạy phù hợp; có kinh nghiệm thực tiễn chuyên sâu; định kỳ tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên về kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy.
(5) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về quản lý đào tạo; đưa ra các hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp để người tham gia đào tạo bồi dưỡng nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ; cần xác định rõ trách nhiệm các chủ thể khi tham gia như người đứng đầu tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, đơn vị đào tạo, bồi dưỡng người tham gia bồi đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo nhất quán từ đơn vị sử dụng, tham gia đào tạo bồi dưỡng đến người tham gia đào tạo.
(6) Tiến hành nghiên cứu quy hoạch và giao trách nhiệm cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cho cả nền hành chính quốc gia tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ và không đủ năng lực.
(7) Đổi mới và triển khai thiết thực công tác kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định; tuy nhiên tránh hình thức chiếu lệ, đánh giá chất lượng và hiệu quả đối phải bám sát từng đối tượng, loại hình, khóa học thông qua điều tra, phỏng vấn người học và tổ chức sử dụng nhân sự. Hoạt động kiểm tra đánh giá, phải tiến hành thường xuyên, liên tục và có điều chỉnh.
(8) Chú trọng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế đối với đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức các hình thức hợp tác quốc tế giúp cho cán bộ công chức thay đổi nhận thức và tiếp nhận thêm kinh nghiệm khi thực thi công việc.
5. Kết luận
Cán bộ, công chức là nguồn lực quan trọng để nền hành chính quốc gia hoạt động hiệu quả. Hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức có tác động rất lớn đến tình hình ổn định của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội với yêu cầu ngày càng cao của hệ tiêu chuẩn, tiêu chí quy định đối với cán bộ, công chức nên chỉ thông qua đào tạo và bồi dưỡng mới có thể đáp ứng được việc nâng cao trình độ, kiến thức, phẩm chất để thực thi công việc được tốt hơn. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản về đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức nhằm củng cố nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này công việc này. Bên cạnh đó, đòi hỏi sự phối hợp và quan tâm đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ các Bộ ngành địa phương và của chính người được cử đi tham gia đào tạo bồi dưỡng để đạt được kết quả nhất đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, để đóng góp thật sự đối với cán bộ công chức nhằm chuyển biến tích cực hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức đối với hoạt động của nền hành chính công vụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Cán bộ, công chức, 2008.
2. Luật Viên chức, 2010.
3. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

THE ROLE OF TRAINING CADRES AND CIVIL SERVANTS IN PERFORMING PUBLIC DUTIES

PhD. TRINH VIET TIEN

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

The paper focuses on clarifying the role and orientation of solutions for the training and fostering of cadres and civil servants in public service activities in order to increase efficiency and contribute to the development of the country. For the national administration, updating new knowledge through training and fostering for cadres and civil servants is very necessary in order to become a professional administration.

Keywords: Cadres, civil servants; training and fostering; performance of duties.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây